Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã thể hiện rất giống người tiền nhiệm George W. Bush trong bài diễn văn nhận giải Nobel hoà bình mới đây tại Oslo, Na Uy.
Tổng thống Barack Obama đề nghị nâng cốc chúc mừng trong tiệc mừng trao giải Nobel ở Oslo hôm 10/12 (Ảnh AP)
Người Na Uy đã không hoan nghênh bài diễn văn nhận giải Nobel hoà bình của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Oslo và điều này không khó lí giải. Theo nhiều cách, bài diễn văn này đáng lẽ phải được viết và trình bày bởi một người mà họ căm ghét: George W. Bush. Chắc chắn, bài diễn văn có những đoạn dễ chịu về việc cấm tra tấn và giá trị của các cuộc đàm phán. Obama cũng đã cúi đầu ngưỡng mộ Martin Luther King, người đã dành bài diễn văn nhận giải Nobel năm 1964 để tán tụng chủ nghĩa hoà bình.
Tuy nhiên, Obama muốn làm rõ rằng ông không phải Martin Luther King. Ông đã là một vị tổng tư lệnh của hai cuộc chiến tranh, đối đầu với một kẻ thù khủng bố không thể khoan nhượng, chịu gánh nặng từ tỉ lệ việc làm đang tụt giảm và một quốc hội hoạt động yếu kém cũng như đối mặt với một tương lai bầu cử nguy hiểm cho đảng của ông vào năm 2010 và bản thân ông vào năm 2012.
Vì vậy, Obama đã chấp nhận phần lớn các tiền đề cơ bản của học thuyết về thế giới hậu 11/9 của người tiền nhiệm George W. Bush. Đúng, Obama đã nói, trên thế giới tồn tại quỷ dữ và chúng ta cần phải đương đầu với chúng. Theo ông, Al Qaeda là quỷ dữ và "Thánh chiến" (Jihad) có thể không bao giờ là một cuộc chiến "công bằng". Nước Mỹ không chỉ có trách nhiệm mà còn tư lợi trong việc truyền bá tự do ngôn luận và tự do tôn giáo khắp thế giới, ngay cả ở những nơi và nền văn hoá dường như chống lại quá trình đó, bởi vì những giá trị này "mang tính phổ quát".
Hơn thế nữa, từ "chủ nghĩa khủng bố" - gần đây còn vắng mặt trong các bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Obama, đã có sự quay trở lại thành công rực rỡ. Obama đã ca ngợi những nỗ lực kiến tạo hoà bình của hai tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hoà (Nixon và Reagan) và Giáo hoàng John Paul. Obama đã thách thức người châu Âu và những người khác đương đầu với Iran và CHDCND Triều Tiên - các nước mà ông nói một cách gián tiếp nhưng rõ ràng rằng đang muốn phát triển khả năng hạt nhân để họ có thể "tự vũ trang cho một cuộc chiến hạt nhân". Obama đã cẩn thận đề cập một cách lắng dịu nhất tới cuộc xung đột giữa Israel và người Arập - cuộc xung đột mà người châu Âu khắc hoạ như một trường thiên tiểu thuyết phiến diện về sự đàn áp của Israel đối với người Palestine, những người mà vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ đã không hề nói tới.
Và trong chuyến công du tới Oslo - bỏ qua các bữa tiệc tối và đón tiếp; bay tới rồi đi, chỉ đủ ghé qua để nhận giải thưởng - Obama (một người lịch thiệp) đã tìm được cách chứng tỏ vẻ khiếm nhã và mất kiên nhẫn với các nghi lễ kiểu cách theo một cách mà ông Bush, khi trở về Dallas, đã phải kính phục. Nó diễn ra cứ như là Obama đang tuyên bố rằng: ngay cả vị tổng thống này (bản thân ông) cũng không nhấm nháp bánh và rượu sâm-panh với những nhà hoạt động vì hoà bình của châu Âu. Sau bài phát biểu của ông Obama, Karl Rove - người từng là cố vấn cấp cao kiêm Phó Chánh văn phòng của cựu Tổng thống Bush viết thư điện tử cho một cây bút của tờ Newsweek như sau: "Hãy loan báo rằng Gerson và Thiessen đã tới làm việc cho Nhà Trắng của Obama". (Gerson và Thiessen là các "thợ chữ" theo đường lối bảo thủ trong chính quyền Bush).
Câu hỏi gây hứng thú tất nhiên là: tại sao Obama lại có bài diễn văn như trên? Chắc chắn có điều gì đó liên quan tới các báo cáo ngắn vào buổi sáng hôm đó của CIA về Al Qaeda (điều gì đó mà ông Bush nổi tiếng là không làm thường xuyên) đã ám ảnh tâm trí Obama. Có một câu nói rất cổ mà những người bảo thủ thích sử dụng: "Một người bảo thủ là một người tự do thức tỉnh trước thực tế". Câu nói này phản ánh một phần sự thật nào đó.
Bài diễn văn của Obama thực sự không đáng kinh ngạc đến như vậy. Mặc dù từng có bài phát biểu mang tính đột phá, chống lại cuộc chiến ở Iraq vào năm 2002 nhưng bản thân ông không e sợ việc sử dụng sức mạnh quân sự vốn tạo nên gánh nặng cho các lãnh đạo Mỹ thuộc thế hệ Baby Boomers (sinh ra trong thập niên 1950 - PV). Thậm chí vào năm 2002, và chắc chắn trong những năm sau đó, Obama đã làm sáng tỏ rằng ông coi sự can thiệp của người Mỹ ở Afghanistan không chỉ hợp lý về mặt chiến lược mà còn chính đáng về mặt đạo đức. Rất nhiều trong số những người ủng hộ ban đầu của ông đã không lắng nghe. Vừa mới quyết định gửi thêm 30.000 binh sĩ Mỹ tới Afghanistan, Obama không có lựa chọn nào ngoài cách ông đã thể hiện dù có bất tiện đến như thế nào khi làm điều đó ở Oslo.
Tất nhiên, đời sống chính trị Mỹ cũng có liên quan. Obama đang có đủ rắc rối với những người bảo thủ trong chính đảng Dân chủ của mình khi làm họ chưng hửng về mặt văn hoá bằng cách cụng ly với những người Na Uy theo đường lối xã hội chủ nghĩa đã chọn trao cho ông giải thưởng Nobel. Obama hiện cũng cần phải thuyết phục Quốc hội Mỹ về các vấn đề như chăm sóc y tế, thay đổi khí hậu, điều phối tài chính và tất cả những việc liên quan đến chính phủ.
Hãy nhớ rằng: Obama vào được Nhà Trắng nhờ sự ủng hộ của các cử tri còn do dự ở các bang như Ohio, Indiana, Missouri và Virginia. Hãy nhìn Oslo qua con mắt của họ, và bạn có thể hiểu tại sao Obama đã đến trễ và rời đi sớm cũng như phát biểu như một người Texas. Cũng không cần đề cập tới một thực tế là không đến 1/4 trong các cử tri Mỹ được hỏi cho rằng Obama xứng đáng được nhận giải Nobel hoà bình năm nay.
-
Thanh Bình (Theo Newsweek)