Các chuyên gia, các nhà phân tích nhận định, cuộc đổi tiền ở Triều Tiên có thể kết thúc trong hỗn loạn khi người dân bất bình trước việc đột ngột mất trắng phần lớn số tiền dành dụm.
Ảnh Yonhap |
Quân đội Triều Tiên được đặt trong tình trạng báo động, đề phòng một cuộc nổi dậy dân sự bùng phát sau khi chính phủ đột ngột thông báo đổi tiền, một tờ báo của Nga trích nguồn tin ngoại giao nước ngoài tại Triều Tiên cho hay. Việc đổi tiền được tiến hành với tỷ lệ 100:1, với một lượng tiền hạn chế 100.000 -150.000 won, số còn lại sẽ bị chính phủ tịch thu.
Đài phát thanh mở cho người Triều Tiên, đóng tại Seoul hôm 8/12 đưa tin, biểu tình và bạo lực đã bùng phát tại một số điểm ở quốc gia này. Công an đã bắn hai nam giới tại Pyongsong - một khu chợ ở ngoại ô Bình Nhưỡng hôm 4/12 sau khi họ lấy tiền tiết kiệm chia cho một nhóm đông người và nhờ những người này đi đổi tiền giùm, nhằm vượt giới hạn tiền đổi mà chính phủ đặt ra.
Người dân Triều Tiên sợ phải công khai tài sản và không còn cách nào khác là giấu tiền cũ. Rất khó để đánh giá chính xác tình hình thực tế nhưng dường như chính quyền Bình Nhưỡng đã "tịch thu" số tiền tương đương hai hoặc ba tháng lương của công nhân. Do đó, sự bất bình trong công chúng tăng cao tới mức chính quyền phải yêu cầu quân đội sẵn sàng dẹp loạn.
Cuộc cải tổ tiền tệ có vẻ là phi lý nhưng dường như nó được tiến hành sau khi đã trù định kỹ càng. Kể từ khi chính phủ Triều Tiên không thể nuôi sống chính người dân nước mình, một hình thức nguyên thủy của kinh tế thị trường dưới dạng chợ ngoài trời đã xuất hiện ở khắp mọi nơi khi người Triều Tiên phải vật lộn để sống. Một nhóm người Triều Tiên nhất định có thể tích lũy một chút của cải theo cách này và khi khoảng cách giàu nghèo bắt đầu mở rộng tại nước này, nơi sự khác biệt lộ rõ, thì chính quyền bắt đầu xem họ là mối đe dọa với chế độ.
Nói một cách khác, việc định giá lại đồng tiền có lẽ nhằm tiêu diệt tầng lớp trung lưu trước khi nó lớn mạnh hơn và trở thành một mối đe dọa thật sự. Số người nghèo ở Triều Tiên vẫn đông hơn tầng lớp trung lưu mới, và như vậy sự phản đối kịch liệt đối với việc đổi tiền sẽ không rộng rãi, việc dẹp yên dân chúng cũng dễ dàng hơn.
Dmitry Moshakov, chuyên gia về Triều Tiên tại Học viện nghiên cứu phương Đông thuộc Trường khoa học Nga nhận xét: "Cải tổ tiền tệ nhằm vào tầng lớp trung lưu". Pavel Lesakov tại trường đại học quốc gia Moscow lại cho rằng: "Sẽ không có nhiều người Triều Tiên phản đối hay bị thiệt hại lớn từ động thái mới nhất của chính quyền". Một số nhà phân tích khác lại nói, các thành viên được ưu tiên trong đảng cầm quyền và những thương nhân giàu có thực sự đã đổi tiền của họ sang ngoại tệ. Và do đó, đối tượng bị tác động lớn nhất từ việc đổi tiền là người buôn bán bình thường, những người cố nhoi đầu trên mặt nước. Những người này sẽ cực kỳ bất bình với chính quyền.
"Bất bình tạm thời sẽ bị dẹp yên và chính quyền Triều Tiên sẽ thắng lợi trong thời gian ngắn", chuyên gia về Triều Tiên là Rudiger Frank, một người Đức từng học tại Trường đại học Kim Nhật Thành nói. "Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, sự thất vọng và bất bình chồng chất ngấm ngầm, sẽ dần dẫn đến những cuộc cách mạng". Frank cho hay, sự bất bình công khai có thể bùng lên vào thời điểm lãnh đạo cầm quyền qua đời, vào lúc đói kém, bất ổn trong nước hoặc chấn động từ bên ngoài.
Chính phủ Triều Tiên sẽ trả lương cho những người lao động như họ vẫn làm từ xưa cho tới nay, sau khi tiến hành định giá lại tiền với tỷ lệ 100:1. Điều này có nghĩa là, lương hàng tháng sẽ tăng 100 lần, nhưng giá gạo và ngô cũng sẽ tăng do lượng cung cấp vẫn vậy. Điều này đồng nghĩa với việc định giá lại tiền chả tạo ra cái gì khác biệt. Giá hàng hóa tiêu dùng vẫn tăng vọt. Nếu mọi việc diễn ra như dự định, người Triều Tiên sẽ có thể dùng tiền mới bắt đầu từ ngày 8/12. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc này là bất khả thi. Đây là lúc chính phủ Hàn Quốc phải cân nhắc các biện pháp đề phòng, theo dõi sát sự thất vọng gia tăng, bất bình và hỗn loạn tại Triều Tiên.
-
Hoài Linh (Theo Chosun Ilbo, WSJ)