221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1254309
Mỹ có thực sự cô lập được Iran?
0
Article
null
Mỹ có thực sự cô lập được Iran?
,

Nếu áp dụng chính sách cô lập Iran là nhằm mục đích buộc nước này phải ngừng chương trình hạt nhân đầy tham vọng, thì trên thực tế Chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể đạt được mục đích đặt ra.
Hình ảnh Iran hiện lên trong cách nhìn của giới chức Mỹ là một “đất nước bị ruồng bỏ”, cô lập bởi cộng đồng quốc tế vì tham vọng hạt nhân quá lớn và đã liên tục vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Ví như việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra lời cảnh báo các quốc gia Nam Mỹ “cần suy nghĩ hai lần” khi chọn con đường “ve vãn Iran”; hay người phát ngôn Nhà trắng Robert Gibbs tuyên bố với báo giới rằng Iran “đang tự cô lập chính mình.”

Song Iran có thật sự đang bị cô lập? Có lẽ ai cũng sẽ có câu trả lời rõ ràng nếu nhìn lại những bước đi đối ngoại của Chính quyền Iran trong thời gian qua. Ngay sau cuộc gặp với lãnh đạo nhóm vũ trang Hamas tại Tehran, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejah xuất hiện tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc ở Copenhagen, và tham dự Hội nghị thượng đỉnh thứ hai trong vòng 4 tháng của Liên hợp quốc, cùng với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ảnh hưởng ngày một lớn

 

Tổng thống Iran Ahmadinejad và Tổng thống Venezuela Chavez tại Caracas tháng 11/2009 (Ảnh: AP)

 

Sau cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi hồi tháng 6, ông Ahmadinejad đã tiến hành rất nhiều hoạt động ngoại giao trong khu vực như xuất hiện bên cạnh Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực ở Urals, có cuộc tiếp xúc với  Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, và sẽ sớm thăm Turkmenistan theo kế hoạch đã định ra.

Vừa tháng trước, ông Ahmadinejad cũng đã có chuyến công du tới khu vực châu Mỹ La-tinh; nơi ông thực hiện các chuyến thăm chính thức Bolivia, Brazil và Venezuela, và được tiếp đón với các nghi lễ ngoại giao dành cho nguyên thủ quốc gia. Tại Brazil, ông tham dự lễ ký kết 13 thảo thuận hợp tác Brazil-Iran trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng, công nghệ thông tin cho tới trao đổi học bổng và dỡ bỏ visa đối với khách du lịch hai nước. Tại Venezuela, ông có cơ hội tiếp kiến Tổng thống Hugo Chavez, vị lãnh đạo mà cách đây 4 tháng trong chuyến thăm Iran, đã cùng ông tuyên bố các kế hoạch hợp tác xây dựng “làng hạt nhân” Iran-Venezuela.

Không chỉ có văn phòng Tổng thống Iran trở nên bận rộn với các công việc nhằm thoát khỏi sự kiềm tỏa của Mỹ. Chính phu nhân Tổng thống Admadinejad, người trước nay thường không tham gia vào công việc chính trị của chồng, cũng đã xuất hiện tại Hội nghị Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO) diễn ra ở Rome hồi tháng 11.

Trong khi chính quyền Obama cố gắng kiềm tỏa những bước đi của Iran ra thế giới bên ngoài, thì những hoạt động trên cho thấy Iran tiếp tục trở nên khó bị kiểm soát. Không chỉ duy trì ảnh hưởng trong khu vực hay vươn tới Tây bán cầu, Iran còn tạo dựng được mối quan hệ với “gã khổng lồ phương Đông” – Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Iran và Trung Quốc đã ký kết được các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD, cho phép quốc gia Đông Á tiến hành đầu tư vào các cơ sở lọc dầu của Iran.

Tuy nhiên, nhân tố nguy hiểm nhất phía sau các hoạt động này lại chính là chương trình hạt nhân của Iran. Hiện nay, Iran sở hữu hàng ngàn máy làm giàu uranium và công nghệ sản xuất tên lửa. Mới tuần trước, bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, Iran đã cho tiến hành bắn thử loại tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới Israel và một phần lãnh thổ châu Âu.

Vượt ra bên ngoài các quốc gia láng giếng, Tehran đã tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu tầm ảnh hưởng của mình qua mối quan hệ thân thiết với các nhóm vũ trang như Hezbollah tại Lebanon và Hamas tại dải Gaza, vốn là những nhóm khủng bố dưới cách nhìn của Washington.

Không thể bị kiểm soát ngay tại Mỹ

Không chỉ mất khả năng kiềm tỏa Iran trên trường quốc tế, Chính quyền Mỹ cũng không thể kiểm soát mọi hoạt động có liên quan tới Iran ngay tại quê nhà. Thời gian gần đây, tòa án Mỹ liên tục đưa ra nhiều vụ kiện với tình tiết cho thấy các hoạt động của những nhóm vũ trang trên đang diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ.

Tháng trước, cơ quan chức năng Mỹ đã bắt giữ một người đàn ông Lebanon khi người này xuất hiện tại Philadelphia để mua hơn 10.000 vũ khí tự động và các tên lửa chống máy bay. Trong văn bản tại tòa, Ủy viên công tố liên bang cho biết người đàn ông này muốn đưa các loại vũ khí này về Lebanon qua Syria và Iran, để phục vụ cho các hoạt động của Hezbollah.

Các cuộc điều tra khác của nhà chức tranh liên bang và địa phương tại New York cũng cho thấy hàng tỷ USD bị nghi ngờ là của Chính quyền Iran đang “trú ngụ” tại nhiều tài khoản khác nhau, và số tiền này đang lưu thông một cách bất hợp pháp trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Ví như Quỹ Alavi có trụ sử tại Mỹ, mà các ủy viên công tố liên bang cáo buộc là đã giúp đỡ chính quyền Iran, nhận được nguồn ngân sách từ một tòa nhà văn phòng trên Quốc lộ số 5 và nằm dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc.

Không chỉ mở rộng và duy trì ảnh hưởng ra bên ngoài, Chính quyển Tổng thống Amadinejad vẫn nắm được quyền lãnh đạo trong nước bất chấp nhiều cuộc biểu tình chống đối của người dân cũng như chỉ số GDP theo đầu người đã thấp hơn mức 1.100USD/năm (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.)

Trong cuốn sách “The Rise of Nuclear Iran” (tạm dịch “Sự trỗi dậy của một nước Iran hạt nhân”), cựu đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Dore Gold viết rằng kể từ cuộc Cách mạng hồi giáo Iran vào 30 năm trước, “Iran không còn hành xử như một quốc gia chính nghĩa, mà đang khôn khéo duy trì lợi ích dân tộc, thay vì đóng vai trò vệ binh của phong trào cách mạng.”

Vậy chính quyền Mỹ đã làm được những gì để thực hiện chính sách cô lập Iran?

Bộ ngân khố nỗ lực tìm kiếm các tài khoản rửa tiền của Iran, đưa vào danh sách trừng phạt từ các ngân hàng chủ chốt của Iran cho tới văn phòng du lịch của nước này tại Caracas. Mới tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết kêu gọi áp đặt trừng phạt với các công ty đã giúp đỡ Iran; song việc nghị quyết trên trở thành luật với chữ ký của cả Thượng viện và Hạ viện không phải là chuyện một sớm một chiều.

Nếu cô lập Iran là chính sách Tổng thống Obama lựa chọn, vậy chắc chắn còn rất nhiều việc đang chờ đợi chính quyền Obama ở phía trước.

  • Trang Anh (theo Forbes)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,