221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1249951
Hội nhập - Chìa khóa thành công cho ASEAN
1
Article
null
Hội nhập - Chìa khóa thành công cho ASEAN
,

Với một nền kinh tế kết hợp lại lớn hơn Ấn Độ hay Hàn Quốc và dân số hơn nửa tỷ người, ASEAN có tiềm năng trở thành thế lực lực kinh tế, có thể thách thức Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga.

ASEAN cần hội nhập sâu hơn nếu muốn trở thành một thế lực của kinh tế thế giới. (Ảnh: frogandprincess)
ASEAN cần hội nhập sâu hơn nếu muốn trở thành một thế lực của kinh tế thế giới. (Ảnh: frogandprincess)

Việc không có ASEAN trên "bản đồ" kinh doanh của nhà đầu tư như một đơn vị kinh tế thống nhất là do thiếu sự hội nhập của các nền kinh tế và thị trường tài chính trong khối.

Cả nhà đầu tư bên trong cũng như quốc tế đều chủ yếu coi khu vực Đông Nam Á là 10 nền kinh tế riêng biệt do những khác biệt trong luật lệ, môi trường kinh doanh, năng lực thể chế và cả văn hóa. Do đó, hội nhập sâu hơn của ASEAN là cần thiết để tối đa hóa sức mạnh hiệp lực nội khối và giúp xây dựng chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu và nhà đầu tư. Lịch sử đang đứng về phía ASEAN. Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu giúp chúng ta được chứng kiến sự phân phối lại sức mạnh kinh tế từ các nền kinh tế phát triển sang các thị trường mới nổi. Hội nghị cấp cao của lãnh đạo G-20 vào tháng 9 tại Pittsburgh là sự kiện trọng đại cho cuộc thay đổi này, với việc mở rộng diễn đàn từ 7 nước công nghiệp phát triển sang 20 nước có ảnh hưởng kinh tế nhất trên thế giới.

Mặc dù Indonesia là thành viên Đông Nam Á duy nhất của G-20, việc ASEAN với tư cách là một tổ chức cũng được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20 tại London hồi tháng 4 và tại Pittsburgh vào tháng 9 là kết quả của sức ảnh hưởng ngày một lớn của khối trong nền kinh tế thế giới. Tháng 11, Tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên gặp gỡ ASEAN.

Các sự kiện trên đây đã tạo cơ hội cho ASEAN vươn lên và thoát ra khỏi cái bóng của Trung Quốc và Ấn Độ để rồi tự chuyển mình thành một thế lực kinh tế bằng chính khả năng của mình.

ASEAN đã đi theo con đường của riêng mình tới một vị thế cao hơn trên trường quốc tế. Các nước thành viên đối phó khá tốt với cơn bão tài chính đang diễn ra. Hoạt động kinh tế dù có co hẹp ở một số nền kinh tế mở nhất như Singapore, Thái Lan và Malaysia, nhưng điều tồi tệ nhất đã qua, và nền kinh tế cùng hệ thống tài chính của các nước này đã không phải gánh chịu tổn thất không lường trước nào.

Trong khi đó, Indonesia và Việt Nam đang vươn lên trở thành hai nền kinh tế nổi bật của châu Á. Theo dự tính, sức mua của ASEAN có thể tăng gấp đôi vào năm 2023, tạo ra cơ hội đáng kể đối với các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng.

Tất cả những điều này phản ánh thực tế rằng các nền kinh tế ASEAN đã tăng cường được sức mạnh của mình qua nhiều năm cải cách và tái cơ cấu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Lượng dự trữ ngoại tệ liên tục tăng đã giúp duy trì niềm tin từ nhà đầu tư và hạn chế những biến động bất thường, trong khi ngành ngân hàng được cấp vốn tốt đã đảm bảo sự vận hành trôi chảy của nền kinh tế khu vực.

Sau nữa, chính sách tài khóa có nguyên tắc đã giúp các chính phủ có khả năng đưa ra các gói kích thích kinh tế khi cần thiết.

Thực tế, khu vực Đông Nam Á có tất cả các yếu tố để trở thành một thế lực kinh tế thế giới. Năm ngoái, 10 thành viên của khối đã có GDP cộng lại đạt 1,5 nghìn tỷ USD, dân số 580 triệu người, và tổng kim ngạch thương mại đạt 1,7 nghìn tỷ USD (26% là nội khối). Nếu ASEAN là một quốc gia thống nhất, thì đó sẽ là nền kinh tế lớn thứ 10 và là nước đông dân thứ 3 thế giới. Chỉ tính thương mại ngoại khối, ASEAN có lượng giao dịch lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, các thỏa thuận thương mại tự do ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hàn Quốc đã làm sâu sắc thêm mối liên hệ kinh tế khu vực với phần còn lại của châu Á. Bên cạnh đó, ASEAN nếu là một nền kinh tế kết hợp sẽ nằm trong top 10 thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mối quan ngại rằng Trung Quốc sẽ hút hết từng đồng đôla FDI khỏi tay ASEAN đã không diễn ra trong thực tế.

ASEAN vẫn thu hút được 60 tỷ USD năm ngoái, với đầu tư nội khối chiếm tỷ trọng khá lớn khi nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong châu Á, coi các quốc gia như Indonesia và Việt Nam là địa điểm sản xuất thay thế khi chi phí kinh doanh tại Trung Quốc tăng lên. Thực tế, trong tương quan với quy mô các nền kinh tế, ASEAN đã thu hút nhiều FDI hơn Trung Quốc - khi nước này nhận được 108 tỷ USD năm ngoái, trong khi GDP lớn gấp 3 lần ASEAN.

Loại bỏ các rào cản

Điều đó có nghĩa, việc củng cố khối thêm vững chắc là tối cần thiết để tăng cường sức hấp dẫn của ASEAN đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hội nhập kinh tế khu vực mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều việc cần phải làm để loại bỏ các hàng rào trong thương mại hàng hóa và tự do lưu thông dòng vốn, thông tin và nhân tài. Những biện pháp này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp bởi chúng tăng cường khả năng cách tiếp cận đối với cả thị trường tiêu dùng ASEAN rộng lớn.

Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đang trỗi dậy, thì ngày càng có những quan ngại rằng, các quốc gia Đông Nam Á sẽ bị đánh bật ra ngoài. Điều này cơ bản là kết quả của sự khác biệt về kinh tế và chính trị giữa các nước thành viên.

Ví dụ, khảo sát về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2010 xếp hạng Singapore là địa điểm tiến hành kinh doanh thuận lợi nhất thế giới, trong khi Lào chỉ đứng ở vị trí 167 trong số 181 nước. Về chính trị, các thành viên ASEAN cũng còn khá nhiều bất đồng.

Nền kinh tế Brunei phụ thuộc nặng nề vào dầu lửa và khí. Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia có nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp. Đối lại, Singapore lại có rất ít tài nguyên thiên nhiên và phải phụ thuộc vào nhập khẩu cho tiêu dùng và sản xuất trong nước, cũng như phải thực hiện các dịch vụ tài chính và thương mại để thúc đẩy nền kinh tế.

Singapore, thành viên thịnh vượng nhất ASEAN có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 150 lần nước nghèo nhất khối, Myanmar, và 15 lần bình quân ASEAN. Trong khi Singapore, Malaysia và Thái Lan có cảng, sân bay, và mạng lưới giao thông tốt nhất khu vực thì các nước khác lại gặp rất nhiều bất lợi do dịch vụ hậu cần và cơ sở hạ tầng nghèo nàn.

Rõ ràng, các thành viên nhỏ hơn của ASEAN cần một sân chơi chung để thể hiện lợi ích của mình và ASEAN có thể trở thành kênh quan trọng, qua đó các thành viên này có thể khiến tiếng nói của mình được tiếp nhận trên trường quốc tế.

Thách thức cho các nhà lãnh đạo ASEAN là phải thuyết phục giới doanh nghiệp và nhà đầu tư rằng ASEAN là nơi có thể tiến hành hoạt động kinh doanh tốt. Hiến chương ASEAN được thông qua hồi tháng 10 năm ngoái, là bước quan trọng hướng tới hội nhập. Kế hoạch đầy tham vọng thành lập Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á vào năm 2015 có nghĩa vẫn cần phải đẩy mạnh hội nhập khu vực, và qua đó giúp tạo dựng ASEAN trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu.

  • Đình Ngân (Theo Business Times Singapore)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,