Chu kỳ kinh tế không phải là điều mới mẻ với con người, bởi đã có không ít nền kinh tế của chúng ta thịnh rồi lại suy. Và cái chu kỳ ấy có vẻ đang diễn ra đều đặn hơn trong mấy thập kỷ trở lại đây. Thế nhưng, điều đặc biệt là mỗi chu kỳ ấy lại có nhiều điều khác biệt.
Mấy chục năm qua, các lý thuyết kinh tế vẫn chưa thể giải quyết được những cơn đi xuống của kinh tế thế giới. (Ảnh: project-syndicate) |
Thế giới trong thế kỷ 19, con người đã nhanh chóng tự vực mình dậy sau mỗi cơn suy thoái và trở lại với hoạt động kinh tế như bình thường. Cứ thế, hiện tượng chu kỳ kinh doanh khiến người ta có cảm giác nó là vĩnh viễn và không thể thay đổi. Tuy nhiên, ngày nay, sự sụp đổ mang tính chu kỳ dù biết là có thể diễn ra nhưng lại cứ như một bất ngờ lớn, để rồi sau đó, chúng ta bắt đầu nghĩ ra những quan điểm mới về kinh tế học. Cứ khoảng 10 năm, chúng ta lại nghĩ rằng, một mô hình tăng trưởng nào đó nhiều khiếm khuyết đến mức không thể phục hồi. Và nay, đã đến lúc ngẫm lại thế giới trong những năm 1979, 1989, 1998 và 2008.
Học thuyết Keynes có thể nói đã hoàn toàn chấm dứt vào năm 1979, sau cú sốc giá dầu lần thứ hai của thập kỷ. Sự xảy ra trùng hợp giữa cuộc bầu cử của bà Margaret Thatcher tại Anh và cú sốc lãi suất của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volcker tháng 10/1979 đã chấm dứt kỷ nguyên, trong đó lạm phát luôn được coi là giải pháp cho các vấn đề xã hội. Ở Mỹ, hành động của nhà nước và sự mở rộng tiền tệ như là một công cụ "mua chuộc" sự bất bình đã bị đặt dấu hỏi lớn. Và ở nhà nước Tây Âu phúc lợi cũng vậy.
Người khởi xướng lớn nhất quan điểm Keynes là vị tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Richard Nixon. Nhưng biến cố chính trị năm 1979-1980 đã dẫn tới sự phản đối thị trường tự do mới và cách tân sang chủ nghĩa hợp tác và ôn hòa dân chủ xã hội.
Mười năm sau đó, năm 1989, mô hình kinh tế kế hoạch hóa và hiện đại hóa của Liên Xô thông qua tăng trưởng nhờ chỉ đạo tập trung trung ương cũng bị mất lòng tin nghiêm trọng. Trong giai đoạn cuối, Liên Xô đã phải dựa vào lượng nợ nước ngoài lớn, và quá nhiều nợ cuối cùng lại nhấn chìm cả mô hình kinh tế.
Ý tưởng tưởng chừng tốt hơn sau đó rồi cũng thất bại trong năm 1997-1998, là quan điểm về "sự thần kỳ châu Á" (theo tên gọi mà chính Ngân hàng Thế giới đặt cho). Các nền kinh tế châu Á được cho là đã phối hợp tốt hơn nhờ sự can thiệp chiến lược của chính phủ, tương tự như cách làm trong giai đoạn đầu sau chiến tranh của Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Nhật Bản. Nhưng, giống như Liên Xô, các nền kinh tế châu Á nhỏ hơn và năng động cuối cùng cũng bị ngập trong gánh nặng nợ quá lớn.
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại Thái Lan và Hàn Quốc cuối những năm 1990 là sự vượt trội vốn có của mô hình kinh tế với tên gọi Anglo-Saxon (mô hình kinh tế vĩ mô tư bản chủ nghĩa phổ biến ở các nước nói tiếng Anh, trong đó, mức độ điều tiết và thuế rất thấp, đồng thời chính phủ cung cấp tương đối ít các dịch vụ). Nhưng cách nhìn này cũng đã trở nên có vấn đề, và thể hiện sự cáo lui rõ ràng nhất vào năm 2007-2008, khi châu Á và châu Âu vẫn đang cười ngạo nghễ.
Sau đó, cuộc khủng hoảng lan ra và phần còn lại của thế giới cũng bị ảnh hưởng một cách tệ hại từ cuộc khủng hoảng tài chính, và sự can thiệp ngày càng phổ biến hơn. Mỗi nước lại bắt đầu tìm ra con đường đi của mình cho một chu kỳ mới.
Sự bùng nổ của các thị trường mới nổi vốn được đánh giá là có nhiều triển vọng có vẻ sẽ là "biện pháp" tiếp theo sắp bị bỏ vào thùng rác lịch sử. Cơ quan xếp hạng Moody’s đang chuẩn bị các cảnh báo về mức độ và số lượng nợ tư nhân của Ấn Độ. Các nhà đầu tư Trung Quốc đang lo ngại về lạm phát quá nóng.
Ở một khía cạnh khác, mỗi làn sóng sụp đổ diễn ra lại làm tăng thêm mức độ "vỡ mộng" của các thể chế cụ thể nào đó, bị "quy tội" gây ra hậu quả. Đó có thể là nhà nước phúc lợi trong những năm 1970, các bộ trưởng thương mại và công nghiệp châu Á trong những năm 1990, hay mối liên hệ giữa Bộ Tài chính Mỹ và Phố Wall những năm 2000.
Khi mỗi thể chế bị xói mòn, thì có ngày càng ít hơn những sự lựa chọn khác. Điều này cũng đúng với trường hợp tiền tệ.
Đồng đôla đã bị đánh bật khỏi bệ đứng sau cuộc khủng hoảng, nhưng bất cứ sự thay thế nào có thể chấp nhận được thậm chí còn thiếu sót và có nhiều vấn đề hơn. Euro là đồng tiền chung của một khu vực với tăng trưởng nghèo nàn kỷ lục và một sự phản ứng không đủ mạnh đối với cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhân dân tệ thì vẫn chưa thể chuyển đổi. Vì thế vẫn chưa có đồng tiền chủ chốt nào có thể được lựa chọn để thay thế.
Sẽ còn bao nhiêu chu kỳ kinh doanh nữa và bao nhiêu lý thuyết kinh tế nữa được đưa ra mới có thể đem con người đến với một nền kinh tế ổn định và một lý thuyết có thể được lựa chọn lâu dài? Các nhà kinh tế sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm để khám phá ra một "bí kíp", ít nhất cũng có thể giúp cho cái chu kỳ đó kéo dài hơn và ảnh hưởng của mỗi lần sụp đổ sao cho nhỏ nhất.
-
Đình Ngân (Theo project-syndicate.org)