221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1254161
10 dự đoán tồi nhất cho năm 2009
0
Article
null
10 dự đoán tồi nhất cho năm 2009
,

Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đều có tên trong danh sách 10 nhà học giả và chính trị gia có những dự báo hoàn toàn "trật lất" cho năm 2009.

Rahm Emanuel (Ảnh Getty Images)
Rahm Emanuel (Ảnh Getty Images)

1. "Tôi biết điều này, vào cuối năm đầu tiên này của Quốc hội, sẽ có một dự luật năng lượng đặt trên bàn của tổng thống" - Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel phát biểu trên chương trình "This Week with George Stephanopoulos" ngày 19/4/2009.

Dự luật mà Chánh văn phòng Nhà Trắng nhắc tới một cách đầy lạc quan - Đạo luật An ninh và Năng lượng sạch Mỹ, đã được thông qua ở Hạ viện vào tháng 6 và bao gồm cả hệ thống cho phép thương mại hóa lượng khí thải cắt giảm ("cap-and-trade system") mà ông miêu tả là "mục tiêu của chúng ta".

Nhà Trắng đã hy vọng có một dự luật năng lượng được phê chuẩn vào thời điểm Tổng thống Obama công du tới Copenhagen tham dự hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, dự luật đã bị "tắc" ở Thượng viện và gần như bị coi là thứ yếu do cuộc tranh luận tiếp diễn về cải cách chăm sóc y tế. Các lãnh đạo Thượng viện hiện đang hy vọng sẽ tiếp tục tranh luận một lần nữa về dự luật năng lượng vào mùa xuân, khiến tổng thống chỉ có thể đưa ra các cam kết mang tính tạm thời ở Đan Mạch.

Ben Bernanke (Ảnh Getty Images)
Ben Bernanke (Ảnh Getty Images)

2. "Với tuyên bố rằng công việc của ông đã hoàn thành, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke sẽ công bố ý định rời FED vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 4 năm lãnh đạo của ông tại cơ quan này vào ngày 31/1/2010. Mặc dù hầu hết không phải là lỗi của ông nhưng cơn suy thoái đã làm tổn hại tới vị thế của Bernanke với chính quyền Obama cũng như làm ông kiệt sức xét về khía cạnh cá nhân. Người kế nhiệm ông sẽ là Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton", nhận định của Tạp chí Business Week ngày 2/1/2009.

 

Tổng thống Obama tuyên bố hôm 25/8 rằng ông sẽ tái bổ nhiệm Bernanke - một trong những nhà tư tưởng hàng đầu năm 2009 theo bình chọn của Foreign Policy - thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Obama cũng ca ngợi Bernanke vì "sự bình tĩnh và khôn ngoan", đồng thời tin tưởng quan chức này sẽ đặt "các phanh hãm cho sự tuột dốc tự do của nền kinh tế chúng ta". Bernanke đang đối mặt với khó khăn trong các phiên điều trần phê chuẩn của Thượng viện nhưng ông đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền Obama và vì những gì có giá trị, ông được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 2009.

Ảnh Getty Images
Ảnh Getty Images

3. "Mặc dù hậu quả chính xác từ sự bùng phát hồi mùa thu của bệnh cúm H1N1 năm 2009 không thể dự đoán được, một viễn cảnh hợp lý là bệnh dịch có thể lây truyền cho 30 - 50% dân số Mỹ trong mùa thu - đông này, ... dẫn tới việc có tới 1,8 triệu ca phải nhập viện điều trị trong đợt dịch, ... [và] cướp đi sinh mạng của 30.000 - 90.000 người ở Mỹ", trích báo cáo về các chuẩn bị của Mỹ đối với bệnh cúm H1N1 năm 2009 mà Hội đồng cố vấn tổng thống về khoa học và công nghệ gửi Tổng thống Obama ngày 7/8/2009.

Mặc dù các cố vấn khoa học của Tổng thống Obama đã thận trọng khi chỉ ra rằng hậu quả chính xác của bệnh cúm H1N1 không thể dự đoán được nhưng không có bất kỳ khả năng khác ngoài "viễn cảnh hợp lý" trên được trình bày trong báo cáo của họ. Những con số thảm khốc, đặc biệt là tỉ lệ lây nhiễm 50%, được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế hoá ra nhẹ hơn nhiều.

Theo các trung tâm kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch của Mỹ, trong mùa thu này, có 33.490 trường hợp được xác thực nhập viện, 1.445 người tử vong và tính tới ngày 5/12 có tổng cộng 56.410 ca nhiễm cúm các loại. Chắc chắn đây là một mùa cúm tồi tệ nhưng không có gì gần với những điều mà các cố vấn đã dự đoán. Các cuộc viếng thăm bác sĩ vì cúm lợn cũng giảm xuống trong suốt tháng 11 cho tới đầu tháng 12.

George Soros (Ảnh Getty Images)
George Soros (Ảnh Getty Images)

4. "Nền kinh tế đã lâm vào thế rơi tự do và vẫn còn đang tuột dốc. Chúng ta không biết đâu là đáy cho tới khi chúng ta tới đó và hiện không có dấu hiệu cho thấy chúng ta đã gần đáy", nhà đầu tư tỉ phú Mỹ George Soros phát biểu tại Đại học Columbia ngày 20/2/2009.

George Soros nổi tiếng về tài dự báo trước và được đông đảo tín nhiệm vì đã nhìn thấy cơn suy thoái hiện thời đang tới. Tuy nhiên, ông có chút quá hăng hái hồi đầu năm 2009 khi tuyên bố cuộc khủng hoảng là "sự sụp đổ của hệ thống tài chính". Ông cũng bác bỏ các biện pháp kích thích kinh tế của chính quyền Obama là không đủ và nói cần phải có "các biện pháp chính sách quyết liệt và không chính thống" để ngăn chặn một thảm hoạ tài chính ở quy mô đại suy thoái.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau bài phát biểu đầy nhiệt huyết của mình tại ĐH Columbia, Soros khẳng định với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức rằng: "Việc rơi tự do của nền kinh tế đã bị ngăn chặn, sự sụp đổ của hệ thống tài chính đã bị đẩy lui. Các chương trình kích thích kinh tế quốc gia đang bắt đầu phát huy hiệu quả. Động lực đi xuống đang giảm dần". Như vậy, ông Soros đã cảm nhận được rằng sự khôi phục toàn cầu có thể xảy ra trong năm 2010.

Tướng Stanley McChrystal (Ảnh Getty Images)
Tướng Stanley McChrystal (Ảnh Getty Images)

5. Chris Wallace: "Dự đoán tốt nhất: Liệu tổng thống sẽ kết thúc bằng cách trao cho McChrystal số binh sĩ mà ông cần hay ông sẽ thay đổi chiến thuật chiến tranh?".

"Tôi không nghĩ ông Obama sẽ làm thế và McChrystal từ chức", Charles Krauthammer - cây bút bình luận chính trị Mỹ từng được nhận giải thưởng báo chí Pulitzer đáp trong chương trình Fox News Sunday ngày 27/9/2009.

Ngày 1/12, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ triển khai thêm 30.000 binh sĩ tới Afghanistan. Nếu tính cả 7.000 lính theo cam kết của NATO, các mức độ mới gần với con số 40.000 binh sĩ như đề nghị của Tướng Stanley McChrystal, tư lệnh hàng đầu của Mỹ tại Kabul. Sau thông báo của Tổng thống Obama, vị tướng này đưa ra tuyên bố rằng, ông Obama đã "mang tới cho tôi một sứ mệnh quân sự rõ ràng và các nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta". Không nao núng, Krauthammer đã chỉ trích ông Obama trong một bài bình luận trên tờ Washington Post vì phớt lờ lời khuyên của McChrystal.

Thủ tướng Anh Gordon Brown (Ảnh Getty Images)
Thủ tướng Anh Gordon Brown (Ảnh Getty Images)

6. "Ông Brown sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến đấu, nhưng nếu ông được tư vấn tốt và khôn ngoan, ông sẽ nhận thấy điều này không thể tiếp diễn. Ông sẽ thừa nhận cái mà Tony Blair cuối cùng cũng phải thừa nhận khi áp lực trở nên quá lớn - rằng ông không có nguyện vọng trở thành một trở ngại đối với thành công bầu cử của Công đảng. Ông sẽ sớm từ nhiệm, có thể trong ngày hôm nay, chắc chắn vào cuối tuần này", nhà báo Anh Martin Kettle viết trên tờ The Guardian ngày 5/6/2009.

Vận mệnh chính trị vốn đã mong manh của Thủ tướng Anh Gordon Brown vẫn tiến triển theo chiều hướng tồi tệ hơn vào tháng 6, khi bê bối về việc lạm chi của các nghị sĩ ngày càng tăng lên thì 3 trong số các bộ trưởng nội các của ông lần lượt từ chức và người cuối cùng trong số này, James Purnell - Bộ trưởng lương hưu và cũng là một đồng minh thân cận của ông Brown, đã gọi điện yêu cầu Thủ tướng "rút lui để tạo cho đảng của chúng ta một cơ hội chiến thắng".

Tờ Guardian của ông Kettle, tờ báo thân Công đảng, đã đề xuất trong một bài xã luận rằng ông Brown nên từ chức. Tuy nhiên, sau cuộc nổi dậy bất thành của các nghị sĩ Công đảng và một nỗ lực cải tổ nội các, ông Brown đã tìm được cách duy trì quyền lực và hiện dường như có thể sẽ tại vị cho tới giai đoạn cuối đầy cay đắng của nhiệm kỳ.

 

7. "Tôi rất hài lòng thông báo rằng chúng ta đạt được một bước đột phá trong các cuộc đàm phán với Honduras. Tôi muốn chúc mừng người dân Honduras cũng như Tổng thống Zelaya và ông Micheletti vì đã đạt được một thoả thuận lịch sử. Tôi không thể nghĩ đến một ví dụ khác về một đất nước ở Mỹ Latinh từng phải hứng chịu từ sự gián đoạn mệnh lệnh hiến pháp và dân chủ, đã vượt qua một cuộc khủng hoảng như vậy thông qua đàm phán và đối thoại", Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu ngày 30/10/2009.

Bà Hillary đã đúng về việc Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya và vị lãnh đạo lâm thời Roberto Micheletti của Honduras đã đạt được một thoả thuận, nhưng đó không phải là một bước đột phá. Honduras cũng không vượt qua bất kỳ điều gì.

Thoả thuận nhằm đưa ông Zelaya trở lại nắm quyền trong phần còn lại của nhiệm kỳ, trong khi chờ đợi sự phê chuẩn của quốc hội Honduras nhưng rắc rối ở chỗ, quốc hội đã không phê chuẩn ông. Thoả thuận dường như có ít giá trị hơn một thủ thuật nhằm đối phó với những tiếng chỉ trích quốc tế, đặc biệt là Mỹ, nước có các nhà ngoại giao đã nóng lòng tung "cả chì lẫn chài" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Một tháng sau đó, Mỹ miễn cưỡng công nhận các cuộc bầu cử của Honduras.

John Bolton (Ảnh Getty Images)
John Bolton (Ảnh Getty Images)

8. "Tôi nghĩ nếu họ [Israel] sắp làm một cái gì đó, thời điểm khả thi nhất là sau các cuộc bầu cử của chúng ta và trước lễ nhậm chức của tổng thống tiếp theo. Tôi không nghĩ họ sẽ làm cái gì đó trước cuộc bầu cử của chúng ta vì họ không muốn tác động đến nó. Và họ sẽ phải quyết định xem liệu có nên xúc tiến trong quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Bush hay chờ đợi cho tới nhiệm kỳ của người kế nhiệm ông", cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc John Bolton nhận định trên kênh Fox News ngày 22/6/2008.

"Israel sẽ phải sớm đưa ra một quyết định và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Israel tấn công vào cuối năm. Lựa chọn của Israel có thể quyết định liệu Iran có thu được vũ khí hạt nhân trong tương lai trước mắt", John Bolton phát biểu trên tờ Wall Street Journal ngày 28/7/2009.

Một cuộc tấn công của Israel nhắm vào Iran luôn trông có vẻ như sắp xảy ra đối với John Bolton, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cũng cùng thời điểm với nhận định trên kênh Fox News, ông đã mở rộng ý kiến tại một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Telegraph rằng, chiến thắng của ông Obama sẽ "loại bỏ" hành động quân sự. Tuy nhiên, một năm sau ông vẫn nói "bạn sẽ phải đánh cá" rằng Israel sẽ sớm tiến hành một cuộc tấn công Iran dù có Obama hay không. Xét cảnh báo của ông Bolton, người ta thấy ông đang chủ trương hành động quân sự chống lại Iran từ năm 2007, với tuyên bố "thời gian của chúng ta là giới hạn".

Jim Rogers (Ảnh Getty Images)
Jim Rogers (Ảnh Getty Images)

9. "Điều này sẽ gây ra tình trạng lạm phát lan tràn khắp thế giới, sự rối loạn không kiềm chế được trong các thị trường tiền tệ. Bạn sẽ thấy các đồng tiền xoay chuyển khắp thế giới. Các thị trường trái phiếu sẽ bắt đầu sụp đổ, và khi đó chúng ta sẽ có một vấn đề thực sự. Thị trường chứng khoán hiểu điều này. Chúng đang gây ra một sự huỷ diệt gây lạm phát hàng loạt vì không biết làm gì khác", Jim Rogers nói trên kênh CNBC ngày 10/10/2008.

Nhà bình luận tài chính và đầu tư nổi danh Rogers đã đưa ra nhận định này ngay trước một hội nghị thượng đỉnh G7 tại Washington mà tại đó các bộ trưởng tài chính từ khắp nơi trên thế giới đã cam kết "hành động kiên quyết" nhằm làm tan chảy các thị trường tín dụng. (Ông Rogers nghĩ rằng sẽ là một ý tưởng tốt hơn đối với các bộ trưởng tài chính nếu họ "đi tới quán bar, uống một cốc bia và để mặc phần còn lại trong chúng ta").

Dù Tổng thống Obama sau đó cam kết nước Mỹ sẽ chi thêm gần 800 tỉ USD tiền vay nước ngoài để kích thích kinh tế và chống thất nghiệp, dự đoán của ông Rogers vẫn không trở thành hiện thực. Tỉ lệ lạm phát vẫn ở mức tiêu cực trong hầu hết năm 2009 và phần lớn các dự đoán vẫn đặt nó trong mức dao động 1%-2% vào năm tiếp theo. Những lời đồn đại về sự suy yếu của đồng USD cũng bị cường điệu thái quá.

 

10. "Nếu chúng ta không làm gì cả, tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng trong vòng một thập kỷ, một đất nước Trung Quốc nhìn nhận Mỹ như một kẻ thù chính yếu sẽ thống trị đất nước nhỏ bé Panama và do đó thống trị kênh đào Panama, một trong những địa điểm chiến lược quan trọng nhất thế giới", Hạ nghị sĩ Cộng hoà đến từ bang California Dana Rohrabacher nhấn mạnh ngày 7/12/1999.

Rohrabacher đã đưa ra dự đoán báo động này trong một cuộc tranh luận về việc Mỹ bàn giao kênh đào Panama. Đô đốc đã nghỉ hưu Thomas Moorer, người cũng theo đường lối hiếu chiến như ông, thậm chí từng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể nã tên lửa vào Panama và sử dụng đất nước này như một bàn đạp để tấn công Mỹ. Tuy nhiên, thập kỷ mà ông Rohrabacher đề cập sắp kết thúc trong tháng 12 này và tất cả vẫn yên tĩnh trên mặt trận Panama. Đối với Trung Quốc, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

  • Thanh Bình (Theo Foreign Policy)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,