221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1248244
Sức mạnh "mềm", hậu quả "cứng"
1
Article
null
Trung Quốc ở châu Phi:
Sức mạnh 'mềm', hậu quả 'cứng'
,

Cuộc phỏng vấn quy mô lớn với người châu Phi cho thấy, đa phần tầng lớp trên thích sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực, trong khi đó những tầng lớp dưới lại không như vậy.

a
Công nhân Trung Quốc và Chad tại một khu khai thác dầu ở phía nam Chad (Ảnh Nytimes)

Phần lớn những kết quả không tán thành ở địa phương xuất phát từ việc những công ty Trung Quốc sử dụng hạn chế lực lượng lao động bản địa - đặc biệt nếu đem so sánh với công ty phương Tây - cũng như làn sóng người nhập cư trái phép từ Trung Quốc vào châu Phi để bán hàng hóa giá rẻ.

Ảnh hưởng môi trường mà các công ty Trung Quốc gây ra cũng là một vấn đề. Quan trọng hơn là những quan điểm trái ngược nhau về sự hiện diện của đại lục tại châu Phi, nếu không được giải quyết có thể gây ra hiệu ứng ngược tác động lên mối quan hệ được coi là lạc quan. Trung Quốc đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực còn phương Tây thì không. 

Tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai Trung - Phi ở Ai Cập, Trung Quốc đã cam kết các khoản cho vay lãi suất thấp trị giá 10 tỉ USD với các quốc gia châu Phi, lại một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở châu lục đen. Trung Quốc hào phóng hay trở lại khai khẩn châu Phi?

Cuộc tranh luận này có hai quan điểm trái ngược nhau. Một coi sự hiện diện ngày một lớn của đại lục mang tính tiêu cực, và sản sinh sự oán giận ngày một nhiều ở người châu Phi. Cách nhìn thứ hai có khuynh hướng coi sự hiện diện ấy có lợi cho các nước châu lục đen với những nguồn viện trợ lớn dưới hình thức cho vay lãi suất thấp, chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng trên tất cả là tạo ra sự thăng bằng với phương Tây với truyền thống chiếm ưu thế trong khu vực.

Sau tất cả, người châu Phi coi Trung Quốc thế nào? Kết quả những cuộc phỏng vấn cho thấy, có hai quan điểm đúng và sai, phụ thuộc vào vùng và nhóm người.

Động lực hay sự cản trở?

Tầng lớp trên nói chung đón chào Trung Quốc, coi đại lục tạo ra động lực mới cho châu lục. Trung Quốc cung cấp cho nhiều chính phủ châu Phi các khoản vay lớn, cho phép họ phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết, mở rộng nông nghiệp, tăng cường bộ phận an ninh. Và có lẽ hấp dẫn nhất, là Bắc Kinh không đòi hỏi hay yêu cầu điều kiện gì cho các khoản đầu tư đó, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Trung Quốc gọi đó là chính sách không can thiệp, cách tiếp cận không ràng buộc với viện trợ và vì thế, họ "lấy lòng" được nhiều nhân vật đẳng cấp thượng lưu châu Phi. Hơn thế nữa, mô hình của Trung Quốc về một chính phủ mạnh và tập trung vào tăng trưởng kinh tế hấp dẫn nhiều lãnh đạo châu Phi. Nản lòng với những thập niên bất ổn và tham nhũng - điều mà nhiều người đẳng cấp trên ở châu lục đen đổ lỗi cho phương Tây cùng mô hình tự do dân chủ đi kèm, những nhân vật tầng lớp trên của châu lục đang nhanh chóng đi theo mô hình Trung Quốc.

Trong số 67 quan chức châu Phi được hỏi ở sáu nước khu vực, từ quan chức quân sự cấp cao tới cựu tổng thống, 63 người thể hiện cách nhìn tích cực về Trung Quốc. Ngược lại, 98 người dân được hỏi - phần lớn là người bán hàng, giáo viên, chủ cửa hiệu nhỏ... - thì có 73 người đánh giá tiêu cực về đại lục, thậm chí một số người còn khá cực đoan. Từ ví dụ nhỏ này cho thấy, những nhân vật có quyền lực khắp Angola, Mozambique, Nam Phi, Namibia, Cape Verde và Zambia rõ ràng hoan nghênh sự hiện diện của Trung Quốc, trong khi người dân ngày càng bất mãn.

Kết quả trái ngược trên xuất phát từ những cách thức khác nhau trong chính sách tiếp cận những khu vực khác nhau của các xã hội châu Phi. Ở Angola, khi các công ty phương Tây chủ yếu phụ thuộc vào lao động địa phương, thì các công ty Trung Quốc mang theo 70-80% lực lượng lao động ở nước họ. Ví dụ, gần 90% nhân công của Chevron là người Angola, bao gồm cả kỹ sư, quản lý. thì các công ty dầu khí đại lục chỉ có chưa đầy 15% lao động người bản địa và chủ yếu ở các vị trí thấp. Ví dụ ở một công trình xây dựng do người Bồ Đào Nha điều hành tại Maputo, Mozambique, chỉ có 5 người Bồ Đào Nha trong số 120 công nhân. Trong khi gần đó, một công trình của người Trung Quốc có tới 78 công nhân đại lục và chỉ 8 công nhân địa phương, ba trong số này là nhân viên bảo vệ ban đêm.

Làn sóng nhập cư của hàng nghìn người Trung Quốc vào châu Phi là nguyên nhân chính dẫn tới sự bất mãn ở dân địa phương. Tại Angola, dân bán dạo đường phố người Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh và "hất cẳng" hàng nghìn người dân địa phương. Thực tế rất nhiều người Trung Quốc sống cô lập, ít tiếp xúc với dân địa phương đã càng làm gia tăng nỗi oán giận hiện hữu.

Trung Quốc cũng bị cáo buộc làm suy giảm môi trường nghiêm trọng tại Mozambique, Nam Sudan, và Equatorial Guinea. Ở Nam Sudan, dân địa phương đã tấn công một nhóm khai thác dầu người Trung Quốc, giết chết người phụ trách khi cho rằng, họ đã đầu độc đất đai của làng. Nhiều công nhân người Trung Quốc cũng bị giết hại tại Ethiopia, và Equatorial Guinea; trong khi ở Nigeria, quân nổi dậy ảnh báo các hãng đại lục tránh xa khu vực giàu dầu mỏ của nước này.

Cân bằng lợi ích

Trong khi tầng lớp trên ở châu lục đen và chính phủ Trung Quốc hát khúc ca hữu nghị, hợp tác cùng có lợi thì sự tức giận của dân chúng tới nay vẫn bị phớt lờ. Điều cần đề cập là cách nhìn này không giống nhau ở mọi quốc gia. Ví dụ, ở Cape Verde, một trong những quốc gia thành công và minh bạch nhất châu lục, chính phủ đã áp dụng các điều kiện chặt chẽ với nguồn đầu tư Trung Quốc như yêu cầu tuyển, thuê nhân công địa phương, các chuẩn an toàn môi trường. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Botswana và Namibia.

Trong vấn đề môi trường, các công ty Trung Quốc không phải là tác nhân duy nhất. Nhưng về việc thuê lao động địa phương, họ lại chiếm kỷ lục tồi nhất. Dòng chảy người di cư Trung Quốc (rất nhiều là bất hợp pháp) đã làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh ’’cường quốc" của Trung Quốc trong mắt người châu Phi. Một nhà giáo người Mozambic nhấn mạnh: “Họ nói Trung Quốc là cường quốc như Mỹ, nhưng cường quốc kiểu gì mà lại gửi hàng nghìn người tới nước nghèo chúng tôi để bán bánh trên đường phố, để chiếm lấy những công việc của những người đã quá nghèo khổ?".

Trừ phi các vấn đề trên được giải quyết, nếu không, sự oán giận ngày một tăng ở đẳng cấp thấp trong xã hội châu Phi có thể dẫn đến xung đột và phá hỏng mối quan hệ dường như mang lại lợi ích tiềm năng lớn hơn cho cả hai bên. Để lấy lại lòng tin, Bắc Kinh đã tiến hành một số bước đi tích cực nhằm giải quyết vấn đề này, như hạn chế xuất khẩu hàng dệt may Trung Quốc để giúp châu Phi bảo hộ ngành công nghiệp bản địa, cam kết sử dụng nhân công châu Phi trong các dự án tại đây.

Song, những gì mà các công ty Trung Quốc đang làm ở chính đất nước họ, đã hạn chế nỗ lực của chính phủ đại lục. Làm sao mong chờ những hãng khai mỏ Trung Quốc tại châu Phi tuân thủ luật an toàn và bảo vệ môi trường khi những mỏ họ điều hành ở Trung Quốc được coi là nguy hiểm nhất thế giới?

Trung Quốc đã giúp đỡ châu Phi vào đúng thời điểm mà rất nhiều nước phương Tây coi nhẹ châu lục này. Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, châu Phi bị bỏ quên và thập niên 90, châu lục đen phải trải qua nhiều khốn khổ, bất ổn. Sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi đã buộc phương Tây phải xem xét lại. Bắc Kinh xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng lớn như đập nước, đường sá, viễn thông - điều mà không quốc gia phương Tây nào sẵn sàng chi trả.

Điều đáng nói, là sự xem xét để đạt được cân bằng giữa các lợi ích và nhiều vấn đề tồn tại của một cường quốc mới tại châu Phi. Như một cựu ngoại trưởng người Mozambic nói: "Người Trung Quốc, cũng giống như những người khác với các lợi ích của họ, và sẽ khai thác chúng ta trong phạm vi chúng ta cho phép. Tương lai châu Phi nằm ở trong tay chúng ta như nó vốn thế. Hãy ngừng đổ lỗi cho người khác và chờ họ thông cảm với chúng ta".

  • Kỳ Thư (Theo Dailystar)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,