Các chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhà Trắng hoàn toàn mang ý nghĩa biểu tượng và phô diễn. Và chuyến công du của Thủ tướng Manmohan Singh không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, sự kiện này - chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên thời Obama - phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn về kinh tế và chính trị của Ấn Độ đối với Mỹ và quan hệ đối tác sâu sắc giữa Washington và New Delhi.
Thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự năm 2005 giữa hai nước tượng trưng cho một vị thế mới trong quan hệ Mỹ - Ấn. Tuy nhiên, thỏa thuận đó - vẫn chưa được Quốc hội Ấn Độ thông qua - không phải là duy nhất. Chính quyền Bush gắn văn bản này với hàng loạt thỏa thuận tăng cường hợp tác về an ninh, khoa học, công nghệ và giáo dục.
Chuyến thăm của Thủ tướng Singh tới Nhà trắng dựa trên cơ sở đó, tập trung vào hàng loạt chủ đề, từ kinh tế, quốc phòng tới thay đổi khí hậu và năng lượng.
Cộng đồng người gốc Ấn ở Mỹ rất đông. Vì vậy, khi nền dân chủ Ấn Độ nổi lên như một cường quốc, nước này là một đồng minh của Mỹ một cách tự nhiên.
Và trong mọi vấn đề lớn của toàn cầu hiện nay - từ kinh tế, thay đổi khí hậu, chiến đấu chống khủng bố đến ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, Washington rất cần sự hợp tác từ New Delhi.
Ấn Độ là một trong những nước hảo tâm nhất của Afghanistan, với 1,2 tỷ USD tiền viện trợ. New Delhi cũng giúp đỡ Washington rất nhiều, chia sẻ gánh nặng bình ổn Afghanistan và cung cấp hỗ trợ dân sự. Ấn Độ còn được xem là một đối tác then chốt của Mỹ trong đối phó với một số điểm bất ổn khác trong khu vực, chẳng hạn như Bangladesh và Sri Lanka.
Thậm chí khi Mỹ tăng cường hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu, cả chính quyền của Thủ tướng Singh và chính quyền của Tổng thống Obama đều muốn xoay xở được trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Mối quan hệ Mỹ - Ấn đã giúp cả hai nước đảm bảo rằng "thế kỷ châu Á" không đơn thuần là "thế kỷ Trung Quốc".
Ấn Độ cũng trở thành một đối tác thương mại lớn với Mỹ, với tổng mậu dịch đạt 61 tỷ USD trong năm 2007. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ấn Độ.
Ấn Độ còn là nhà xuất khẩu trọng yếu về công nghệ phần mềm và dịch vụ sang Mỹ, và lĩnh vực này dự kiến sẽ gia tăng khi Ấn Độ củng cố vai trò của mình như một nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ.
Tuy nhiên, mối quan hệ đó không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nổi cộm nhất là nước láng giềng Pakistan.
New Delhi tin rằng Washington không ngăn chặn sự hậu thuẫn của Islamabad đối với các phần tử cực đoan chống Ấn Độ hoạt động ở Pakistan, và căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng vẫn cao, đặc biệt khi Islamabad chậm trễ trong công tác điều tra vụ khủng bố Mumbai tháng 11 năm ngoái.
Thay đổi khí hậu cũng là một điểm bất hòa. Mỹ muốn Ấn Độ - nước có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới - chấp nhận các định mức thải khí carbon. Ấn Độ lập luận rằng nước này vẫn là một quốc gia đang phát triển và muốn các quốc gia phát triển, như Mỹ, phải đảm đương gánh nặng trong giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.
Một sự khác biệt tiềm ẩn khác là về Iran. Ấn Độ tỏ ra thận trọng khi không ủng hộ chính phủ Iran, nhưng nếu ngoại giao của Mỹ với Iran thất bại, chưa rõ liệu New Delhi có ủng hộ các lệnh cấm vận khắt khe hơn hay không trong trường hợp Mỹ hành động theo hướng này.
Là một nền kinh tế đang trỗi dậy, Ấn Độ chắc chắn là một trong những đối tác lớn của Mỹ. Nhưng một khi vị thế trên trường quốc tế của Delhi được củng cố, các lợi ích của nước này có thể không phải lúc nào cũng song hành với các lợi ích của Washington.
Obama phải nỗ lực thuyết phục Ấn Độ rằng Mỹ xem nước này như một đồng minh quan trọng, và rằng sức mạnh đang lên của nước này nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ. Chủ nghĩa biểu trưng khi đón tiếp Thủ tướng Singh bằng một nghi lễ hoành tráng cấp nhà nước đầu tiên của chính quyền Obama sẽ là một khởi đầu tốt đẹp.
- Thanh Hảo (Theo CNN)