Còn nhớ, ngay từ giai đoạn vận động tranh cử ở Mỹ và một thời gian sau bầu cử, hình tượng Barack Obama đã được các nhà doanh nghiệp khai thác trên khắp thế giới. Báo chí viết về “cơn sốt Obama”, khi các thứ hàng hóa mang hình ảnh hay danh tính tân tổng thống đã bán hết veo trong thời gian ngắn kỷ lục. Cơn sốt này vẫn đang tiếp tục.
Một vài đợt sóng của “cơn sốt Obama” cũng đã lan cả đến nước Nga. Ở Matxcơva một thời hình ảnh Barack Obama xuất hiện trong các tấm biển mời chào của khu tắm nắng và mạng lưới trạm chăm sóc răng, tung ra chiến dịch quảng cáo với khẩu hiệu về môn “nha khoa hoàn toàn dân chủ”. Tại thành phố Rostov thì trên giá bày trong cửa hiệu trưng hình một người đàn ông da đen thắt cravat, vẻ ngoài trông giống ông Obama và câu ngạn ngữ nửa cổ nửa kim: “Đương đầu với khủng hoảng chúng ta sẽ mua mũ và giầy cao cổ!”.
Trong việc tận dụng hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ, không thiếu những trường hợp xì-căng-đan: có tấm biểu ngữ quảng cáo món kem vani sô-cô-la với dòng chữ: “Ai ai cũng đều truyền tụng – Đen trong Trắng!”, có vẽ hình một người da đen trên nền Capitol Hill màu trắng – bị coi là động chạm đến vấn đề nhạy cảm với biểu hiện của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Thùng rác Estonia
Kem sô-cô-la Nga còn chưa thấm gì so với trường hợp chân dung Tổng thống Barack Obama được lấy để tô điểm cho… thùng đựng rác ở Estonia, nước Cộng hòa vùng Baltic. Có thể thấy rõ qua tấm ảnh chiếc thùng rác hy hữu mà một người chứng kiến đã chụp ở sân bay Tallin.
Thùng rác ở sân bay Estonia. |
Trên một mặt của chiếc thùng có cửa tròn khoét dành riêng cho các loại rác khác nhau, người ta vẽ hình người có khuôn mặt khá giống ông Barack Obama với 3 mũi tên quay xung quanh, biểu tượng quen thuộc của chu trình tái chế phế liệu. Từ hình người có những tia tỏa ra tứ phía như tia nắng mặt trời. Dưới chân dung là hàng chữ lớn tiếng Anh "Yes we CAN" và hàng chữ nhỏ hơn dịch câu này ra tiếng Estoni.
"Yes we CAN" là khẩu hiệu tranh cử của ông Obama và đã nổi tiếng khắp thế giới cùng với tên tuổi vị ứng viên da màu kiệt xuất. Ở trường hợp chiếc thùng rác, người Estoni đã khai thác xảo thuật với từ nguyên. “Can” có nghĩa nữa là “thứ đồ cứng, hộp bảo quản”, rồi “hộp rác”, “chỗ để phế thải”, trong khẩu ngữ còn thêm nghĩa “nhà tù”.
Trên chiếc thùng rác nọ cũng in logo và địa chỉ website của hãng Eesti Pakendiringlus, chuyên tái chế phế liệu để sản xuất bao bì, hộp đựng các loại hàng hóa khác nhau. Không rõ hãng này dựa trên cơ sở nào để sử dụng chân dung ông Barack Obama vào mục đích quảng cáo kỳ khôi như vậy.
Anh hề Joker
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dưới dạng một anh hề Joker là tác phẩm của một họa sĩ nghiệp dư, anh sinh viên Chicago 20 tuổi, người gốc đồng hương với vị nguyên thủ quốc gia. Công dân Mỹ xuất thân từ Palestine, Firas Alhatib đã vẽ bức chân dung này hoàn toàn không có mục đích chính trị nào, mà đơn giản chỉ là để giải trí, - báo The Los Angeles Times xác định.
Bức họa với hình ông Barack Obama đáng sợ và dòng phụ đề “Chủ nghĩa xã hội” đã xuất hiện ở Los-Angeles và loan truyền đến các thành phố khác hồi tháng Tám, trước dịp kỷ niệm sinh nhật Tổng thống không lâu.
Mãi sau đó người ta mới xác minh ra được rằng, bức hình ông Barack Obama được vẽ từ hồi tháng Giêng, và trên “tác phẩm hội họa” ngẫu hứng của anh sinh viên Firas Alhatib lúc đầu hoàn toàn không có dòng chữ “Chủ nghĩa xã hội”. Còn tấm áp-phích thì có đề từ đó và được bố cục như trang bìa của Time, tạp chí nổi tiếng đã công nhận ông Barack Obama là Nhân vật của năm 2008.
Bản thân chàng họa sĩ sinh viên thì cam đoan rằng anh không định quảng bá quyền tác giả của mình, bởi ở Chicago – quê hương chính trị của ông Barack Obama – tất cả đều có thái độ tốt với Tổng thống. Alhatib kể: “Khi bầu cho Barack Obama, những người dân này đều kỳ vọng vào ông dường như là Đấng Jesus tái sinh thứ hai”. Riêng Alhatib hôm đó không đi bỏ phiếu, vì “ở bang Illinois chiến thắng của ứng viên Dân chủ đã được tiên liệu sẵn”. Họa sĩ cho biết thêm, anh ta không định dùng bức họa ngẫu hứng để tuyên cáo gì về lập trường chính trị của bản thân, bởi về đối ngoại thì anh sinh viên này có thiện cảm với chính sách của đảng Dân chủ, nhưng với các vấn đề đối nội thì anh nghiêng về phái Cộng hòa.
Những cơ sở bản quyền như Tạp chí Time (chân dung ông Barack Obama) và hãng DC Comics (sở hữu hình mẫu Joker) không định đưa vụ này ra tòa. Сòn sinh viên - họa sĩ Firas Alhativ cũng không nghĩ đến chuyện đòi tiền từ những người đã tự động thêm thắt và nhân bản bức họa của anh.
-
Đan Thi (theo Newsru)