Barack Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên từng sống ở châu Á khi còn thơ ấu và viễn cảnh độc nhất vô nhị này sẽ giúp định hình chuyến công du 9 ngày ở châu Á của ông, bắt đầu từ thứ năm 12/11, các quan chức Mỹ cho biết.
TT Mỹ Obama (Ảnh AP) |
Lịch trình chuyến đi của Tổng thống Obama sẽ gồm cả những cuộc hội đàm chính thức với lãnh đạo các nhóm lẫn từng nước, một cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, và tham dự Hội nghị thượng đỉnh của liên minh kinh tế 10 nước thành viên ASEAN.
Ngoài ra, lịch trình của Obama còn phản ánh mối quan hệ cá nhân của ông với châu Á. Tổng thống Mỹ sẽ gặp Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Obama từng sống ở Indonesia từ năm 1967 tới 1971.
Là Tổng thống Mỹ đầu tiên với định hướng Châu Á - Thái Bình Dương, "Obama hiểu rằng tương lai thịnh vượng và an ninh của Mỹ liên quan chặt chẽ với phần này của thế giới", Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia về chiến lược truyền thông Mỹ nói.
"Không phải mọi cuộc gặp sẽ mang tính ngoại giao. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc, Obama sẽ có cuộc gặp với nhiều người ở Thượng Hải, đi ngắm cảnh tại Bắc Kinh. Còn ở Nhật, Tổng thống sẽ tiếp kiến Nhật hoàng và hoàng hậu", Rhodes cho hay.
Chuyến đi của Obama khởi hành chậm một ngày để nhà lãnh đạo này có thể dự lễ tưởng niệm những nạn nhân vụ cuồng sát ở căn cứ Fort Hood tại Texas. Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs, lịch trình sửa đổi đã bớt một ngày tại Singapore.
Trong chuyến công du châu Á, Tổng thống Obama sẽ gặp tân Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Indonesia Yudhoyono. Obama cũng sẽ dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và APEC.
Jeffrey Bader, giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho biết, tại Trung Quốc, Obama sẽ tiếp tục nỗ lực định hình và củng cố quan hệ với nền kinh tế đang nổi lên, lớn nhất thế giới - vốn đang có ảnh hưởng ngày càng lớn tại châu Á.
Theo ông Bader, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, thay đổi khí hậu, nhân quyền và Afghanistan đều nằm trong những vấn đề hàng đầu mà Mỹ muốn tìm kiếm sự thay đổi ở Trung Quốc.
-
Hoài Linh (Theo CNN)