Sự không rõ ràng trong tuyên bố ngày 13/11 của Tổng thống Mỹ Barack Obama về cuộc đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phản ánh phần nào con đường không dễ dàng trong chính sách thương mại của Mỹ cho tới hiện tại về chủ đề này.
Obama sẽ hướng tới Hợp tác xuyên Thái Bình Dương? (Ảnh: eastasiaforum.org) |
Cứ theo những gì ông Obama nói thì người nghe chắc hẳn sẽ phải tự hỏi, liệu Mỹ sẽ đứng ở bên trong hay bên ngoài? Tổng thống Mỹ có ý gì khi muốn nói tới hai từ "gắn bó"?
Và do đó chính Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Ron Kirk sau đó đã phải làm rõ vị trí này vào buổi sáng hôm sau tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương ở Singapore. Khi ông tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ sẽ tham gia đàm phán chính thức, thì lập tức tuyên bố của ông nhận được sự hoan nghênh từ phía các quan chức thương mại và lãnh đạo doanh nghiệp trong khán phòng.
Mỹ lần đầu tiên tuyên bố tham gia các cuộc đàm phán TPP dưới thời đại diện thương mại Susan Schwab, trong những tháng ngày cuối cùng cầm quyền của chính phủ George W. Bush. Nhóm của bà tại USTR khi đó đã quyết tâm rằng đàm phán với các nước P4 gồm Singapore, New Zealand, Chile và Brunei tức là Mỹ sẽ "ra tín hiệu" về lợi ích của mình ở châu Á. Ngay sau tuyên bố trên của Mỹ, Australia, Peru và Việt Nam cũng quyết định tham gia đàm phán.
Nhóm P4 đã kí thỏa thuận tự do thương mại trên nhiều lĩnh vực năm 2006, nhưng lại không bao gồm lĩnh vực dịch vụ tài chính và đầu tư, hay nói cách khác, còn chưa hoàn chỉnh, nhưng dù sao đó vẫn là nền tảng quan trọng cho cho Mỹ trong việc tạo ra một mạng lưới thương mại rộng mở ở châu Á Thái Bình Dương.
Thỏa thuận P4 vẫn được coi là có chất lượng cao và khá toàn diện. Thỏa thuận bao gồm việc tự do hóa tất cả mức thuế cho Chile, Singapore, New Zealand và 99% đối với Brunei (thực hiện theo từng giai đoạn). Chương dịch vụ bao gồm một danh sách dài hơn và không rõ ràng. Một vài trong số 20 chương đó là các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), chính sách cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, chính sách thu mua của chính phủ, giải quyết tranh chấp thương mại. Nó còn bao gồm một số điều khoản về môi trường và lao động trong bản ghi nhớ riêng. Hai chương nữa về dịch vụ và chính và đầu tư sẽ được hoàn thành trong 2 năm sau khi thực hiện thỏa thuận. Và còn có một điều đáng lưu ý là văn bản này lại bao gồm điều khoản bổ sung cho phép các nền kinh tế khác tham gia thỏa thuận trong tương lai.
Vòng đàm phán đầu tiên được dự định vào tháng 3/2009, tuy nhiên lại bị trì hoãn, và phải chờ đợi một cuộc xét lại chính sách thương mại một cách kỹ lưỡng.
Kết quả của việc xem xét lại đó vẫn còn trong mối hoài nghi lớn khi Obama lên đường sang châu Á vào tháng 11/2009. Mặc dù các quan chức tại USTR tranh luận gay gắt về một cam kết mạnh mẽ của Mỹ với châu Á, vẫn không có gì rõ ràng rằng liệu TPP có phải là phương tiện thích hợp để "gắn kết" hay không, hay liệu Mỹ có sẽ tham gia sâu hơn các cuộc đàm phán tự do thương mại nữa hay không. Còn nữa, một số thỏa thuận thương mại tự do (bao gồm cả với Hàn Quốc) vẫn sẽ phải chờ thời điểm thích hợp để được Quốc hội Mỹ thông qua.
Sự nhiệt tình ủng hộ cho tự do hóa thương mại đang ở mức rất thấp sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Doanh nghiệp không còn chủ động vận động các quan chức đẩy mạnh các cuộc đàm phán TPP. Trong khi Mỹ sẽ dễ chịu với với hầu hết những nước đã có thỏa thuận song là thành viên TPP, thì với hai nước không đạt được thỏa thuận (Việt Nam và New Zealand), Mỹ chắc chắn sẽ gặp phải hàng loạt những khó khăn. Ví dụ, Mỹ sẽ khó có thể mở cửa thị trường để nhiều sản phẩm sữa hơn của New Zealand, hay hàng dệt may, giày dép Việt Nam có thể tự do thâm nhập.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 11 đã có bước thay đổi quan trọng tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán TPP. Có ba nhân tố có ảnh hưởng rất lớn tới sự thay đổi ấy. Đầu tiên là việc Liên minh châu Âu và Hàn Quốc ký thỏa thuận tự do thương mại. Sự kiện này có tính "kích động" mạnh mẽ rằng Washington phải có cách tiếp cận chủ động hơn trong thương mại đối với châu Á, nếu không sẽ là quá muộn và để mất đi nhiều lợi ích và ảnh hưởng.
Thứ hai, các tổ chức kinh tế châu Á như ASEAN+3 hay ASEAN+7 bắt đầu nở rộ. Nếu 10 quốc gia Đông Nam Á trong ASEAN có thể kết hợp tốt trong ASEAN+3 gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay ASEAN+6 thêm Australia, New Zealand và Ấn Độ, thì Mỹ có nguy cơ rất lớn phải đứng ngoài rìa thị trường châu Á về nhiều phương diện. Ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á của Nhật Bản hay Cộng đồng Thái Bình Dương của Australia lại càng khiến Mỹ có cảm giác là kẻ ngoài cuộc hơn.
Cuối cùng, TPP cho phép Mỹ góp mặt tại châu nền kinh tế châu Á theo cách tốt hơn mà tất cả những lựa chọn khác không thể. Nó thể hiện là cơ sở gắn kết có ý nghĩa hơn là chỉ duy trì nguyên trạng và đơn thuần chỉ "dỗ ngọt" APEC phải nỗ lực nhiều hơn.
Kết quả là, Mỹ phải quyết định đẩy mạnh đàm phán trong TPP. Các cuộc đàm phán này sẽ không hề dễ dàng. Obama phải thuyết phục dân chúng và quốc hội cho phép các nước tiếp cận thị trường nhiều hơn và hợp lý hóa các quy định hiện tại về thương mại. Mỹ sẽ không thể phỉnh phờ các đối tác TPP chấp nhận các điều mặc cả về một số khoản này hay khoản kia, như lao động hay các quy định về môi trường. Và cuối cùng, Mỹ sẽ phải đưa ra gói các điều kiện đủ hấp dẫn để khuyến khích các nước khác tham gia các cuộc đàm phán sau này, bởi nếu TPP chỉ bao gồm 8 nước như hiện tại thì, nó sẽ không dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc kinh tế châu Á Thái Bình Dương mà những người ủng hộ muốn đạt được.
-
Đình Ngân (Theo East Asia Forum)