Phiên điều trần chính thức về cuộc chiến Iraq đưa đến thông tin rằng, các quan chức Anh và Mỹ từng tổ chức đàm phán bí mật về việc lật đổ Saddam Hussein hai năm trước khi xâm lược Iraq và vài tháng trước khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9.
Quan chức chính phủ cấp cao nói rằng, Washington đã rục rịch kế hoạch lật đổ ngay sau tổng thống Mỹ George W. Bush thắng cử, giữa lúc có quan ngại rằng, các lệnh trừng phạt đối với chế độ Saddam là không hiệu quả và làm mất sự ủng hộ từ quốc tế. Theo thông tin từ phiên điều trần, việc lật đổ nhà lãnh đạo Iraq đã được Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Foreign and Commonwealth Office) xem xét năm 2001, nhưng bị gạt bỏ do không có căn cứ pháp lý.
Cơ quan điều trần về cuộc chiến Iraq đang làm việc trong Trung tâm hội nghị Queen Elizabeth II tại Westminster (Ảnh: www.iraqinquiry.org.uk)
Người thân của khoảng 179 nhân viên Anh bị giết tại Iraq đã tụ tập bên ngoài Trung tâm hội nghị Queen Elizabeth II tại Westminster trước phiên điều trần công khai đầu tiên ngày 24/11.
John Chilcot, chủ tịch ủy ban điều trần, nói rằng đó không phải là một phiên tòa hay cuộc xét xử và sẽ không kết luận ai có tội hay vô tội.
Thứ trưởng Ngoại giao Anh Peter Ricketts, khi đó là chủ tịch Hội đồng tình báo, nói trong cuộc điều trần rằng, năm 2001 ông đã từng biết được về các cuộc đàm phán tại Washington về việc lật đổ nhà lãnh đạo Iraq. "Tôi đã nghe đâu đó ở Washington về việc vũ trang hóa lực lượng đối lập, nhưng có vẻ như chiến lược này không tỏ ra hiệu quả".
Đầu năm 2001, có cảm nhận rõ ràng rằng, Saddam có ý định muốn sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Anh vẫn tiếp tục thúc giục Mỹ phải đưa ra "lệnh trừng phạt thông minh" như là cách tốt nhất ngăn chặn tham vọng của Saddam.
Tuy nhiên, cuộc tấn công ngày 11/9 vào Mỹ đã dẫn tới mối nghi ngờ rằng những kẻ khủng bố có thể đã sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Peter nói: "Chúng tôi được biết những người ở Washington cho rằng có thể có mối liên hệ giữa Saddam Hussein và Osama bin Laden. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta từng được thấy chứng nào về mối liên hệ đó".
William Patey, vụ Trung Đông của Bộ Ngoại giao Anh năm 2001, phát biểu, ngay cả trong những tháng đầu tiên của chính quyền Bush, những quan điểm diều hâu đã được thể hiện rõ: " Tháng 2/2001, chúng tôi được nghe về dự định đó từ Washington và đã thảo luận trong nội bộ về kế hoạch đó. Chính sách của chúng ta là không tham gia. Chúng tôi không nghĩ Saddam là điều gì đó tốt đẹp, và sẽ thật tốt nếu ông ta ra đi, nhưng chúng ta không có chính sách rõ ràng để loại bỏ ông ta".
William đã đề nghị nhân viên của mình xem xét tất cả các khả năng giải quyết mối đe dọa ngày một lớn từ Saddam. Trong số các lựa chọn có cả việc sẽ làm thay đổi chế độ - kiến nghị khi đó bị từ chối bởi "không có căn cứ pháp lý". Đó là thông tin hoàn toàn nội bộ. Chúng tôi không tiếp tục đi vào thảo luận làm thế nào để đạt được mục tiêu thay đổi chế độ đó. Cho tới khi tôi rời vị trí vào tháng 3/2002, tôi vẫn không thấy có sự quan tâm nào của các bộ trưởng anh về một hành động quân sự tại Iraq".
Simon Webb, khi đó là giám đốc chính sách của Bộ Quốc phòng, nói, ban đầu ông không thấy có bất cứ quan chức Anh nào ủng hộ thay đổi chế độ. "Sau đó, một số người nói rằng, chúng tôi không nên loại bỏ hoàn toàn chế độ này, vì chúng ta không hề có cơ sở pháp lý". Webb cho biết, trong suốt chuyến thăm Washington vào tháng 3/2001, vấn đề lật đổ Saddam cũng được đưa ra tại cuộc thảo luận với các quan chức Mỹ.
Michael Wood, Cố vấn pháp luận Bộ Ngoại giao giai đoạn 1999-2006, tiết lộ rằng, vấn đề được quan tâm của năm 2001 là về tính hợp pháp của việc tiếp tục duy trì vùng cấm bay trên vùng trời phía bắc và nam Iraq để cản trở Saddam tấn công vào chính dân mình. Anh đã biện minh cho vùng cấm bay- được đưa ra năm 1991 sau cuộc chiến vùng Vịnh- là hợp pháp với cơ sở rằng những vùng này rất cần thiết để giúp tránh một thảm họa nhân đạo.
Cuộc điều trần sẽ còn tiếp tục đối với các quan chức chính phủ, nhà ngoại giao và nhân viên quân sự cho tới trước lễ Giáng sinh. Các cựu thành viên và thành viên hiện tại của chính phủ, cùng các cố vấn chính trị của họ có thể cũng sẽ được điều trần vào năm tới. Báo cáo cuối cùng về cuộc điều trần này dự định sẽ hoàn thành trong năm 2010.
-
Đình Ngân (Theo Times Online)