Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hoá không quân và lên kế hoạch trình diễn thành tựu trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng này.
Khu trưng bày máy bay chiến đấu tại Bảo tàng Hàng không Trung Quốc ở Bắc Kinh (Ảnh THX).
Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù nỗ lực đổi mới, cải tiến công nghệ diện rộng để gia tăng khả năng của không quân, thì lực lượng này vẫn kém xa với đối thủ chính là Mỹ.
Không quân thuộc Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc vào ngày 15/11 tới sẽ mở cửa triển lãm trưng bày các thành tựu trong phát triển vũ khí và thiết bị của họ nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng (11/11). Trong triển lãm, người tham quan sẽ được chứng kiến một số kiểu máy bay chiến đấu mới thay thế hàng trăm chiếc MIG lỗi thời.
Theo Cheung Tai Ming, một chuyên gia quân sự Trung Quốc tại Đại học California, San Diego thì: “Về phương diện khí tài, không quân Trung Quốc đã tiến bước xa nhưng vẫn còn con đường dài trước mặt”.
Hải quân và Không quân Trung Quốc là những lực lượng hưởng lợi đầu tiên từ việc gia tăng ngân sách quốc phòng khổng lồ. Theo tuyên bố của Bắc Kinh, trong hơn 15 năm qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi tiêu quân sự. Năm 2009, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 70,3 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2008. Nhưng các quan chức Mỹ cho rằng, con số thực thế lên đến 139 tỷ USD.
Máy bay tiếp dầu, hệ thống báo và điểu khiển trên không cùng nhiều máy bay hỗ trợ khác đã được tăng cường để mở rộng phạm vi và hiệu quả của các máy bay mà không quân Trung Quốc sử dụng như Sukhoi (Nga) và chiến đấu cơ nội địa J-10.
Lực lượng này hiện có hơn 600.000 thành viên và khoảng 2.000 máy bay - số lượng lớn nhất châu Á – nhưng vẫn còn kém đội bay của Không quân Mỹ với hơn 5.500 chiếc.
Không quân Trung Quốc diễn tập chuẩn bị cho lễ chào mừng 60 năm thành lập lực lượng. (Ảnh AP)
Vẫn tụt hậu dù đã được cải thiện
Việc cải thiện khả năng của Không quân Trung Quốc trước hết có thể thấy ở sự tăng cường sứ mệnh chủ chốt của lực lượng này là bảo vệ biên giới đại lục.
Nhưng những vấn đề chính còn tồn tại với không quân Trung Quốc là thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn, kỹ năng đào tạo và chiến thuật lỗi thời. Đồng thời, họ còn thiếu sự tương tác với lực lượng hải quân và bộ binh, khả năng giám sát và am hiểu hạn chế cùng những vấn đề trong tuyển mộ cũng như đào tạo phi công.
Thêm vào đó, lực lượng Không quân Trung Quốc không đủ máy bay để vận chuyển thiết bị, hàng cung cấp lớn trong điều kiện có chiến dịch chiến đấu hay cứu trợ lớn. Chính thực tế đã cản trở mong muốn của đại lục là được đóng vai trò lớn hơn ở khu vực với những chiến dịch cứu trợ nhân đạo.
Trong khi không quân được huy động lớn để đối phó với trận động đất Tứ Xuyên năm ngoái, thì thời tiết xấu đã buộc lực lượng này phải huỷ bỏ nỗ lực vận chuyển người và thiết bị cho vùng thảm hoạ. Một sứ mệnh được quảng cáo rầm rộ là triển khai lính dù cũng không mang lại kết quả.
An toàn bay là một vấn đề khác, nhiều thảm hoạ xảy ra gần đây đã khiến quân đội sa thải một số quan chức hàng đầu, cho dù thông tin cụ thể rất khó tiếp cận.
Cuộc triển lãm vào Chủ nhật tới sẽ bao gồm cả việc trưng bày máy bay chiến đấu J-7 và J-10 cùng nhiều máy bay trực thăng khác.
Đây là sự kiện “trình diễn” quân sự lớn thứ ba của Trung Quốc trong năm nay tiếp theo một cuộc thao diễn hải quân quốc tế và cuộc diễu binh trong ngày quốc khánh của đại lục với sự tham gia của hàng trăm xe tăng, xe bọc thép…
Bắc Kinh luôn khẳng định mọi sự kiện trên chỉ nhằm mục đích tăng cường sự tự hào và niềm tin của người dân với lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, có không ít quan ngại về những mục tiêu căn bản của việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
-
Kỳ Thư (Theo AP)