Mỹ và Trung Quốc đang khởi động - ít nhất là về mặt biểu tượng - mối quan hệ quân sự trước chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Barack Obama tới Trung Quốc vào giữa tháng 11 này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (trái) trong lễ tiếp đón tướng Từ Tài Hậu, Trung Quốc (Ảnh: Mark Wilson/Getty, Zimbio.com)
Cuối tháng 10, tướng Từ Tài Hậu, quan chức cấp cao thứ hai trong Lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), đã bắt đầu chuyến thăm dài ngày tới Mỹ. Ở tuổi 66, ông Từ là Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự Trung ương Trung Quốc (CMC), và là uỷ viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Từ Tài Hậu đã tới thăm các căn cứ quân sự của Mỹ cũng như Viện Hải quân Mỹ, và tại Lầu Năm Góc, ông đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates lần thứ hai. Họ gặp nhau lần đầu tiên tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm đầu tiên của ông Gates tới châu Á với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng năm 2007.
Sau khi rời Thủ đô Washington, ông Từ Tài Hậu bay tới trụ sở Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (US STRATCOM) bên Omaha, tại Nebraska ngày 28/10 và trở thành quan chức PLA đầu tiên tới thăm căn cứ quân sự Mỹ. Tướng không lực Mỹ Kevin Chilton, chỉ huy US STRATCOM đã có cuộc hội đàm với ông.
Abraham Denmark, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ ở Washington DC đã miêu tả chuyến thăm của ông Từ tới US STRATCOM là có khả năng thúc đẩy thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc về vũ trụ và các vấn đề công nghệ cao, bên cạnh vấn đề hạt nhân. Bởi vì đại tướng Yin Fanglong, Giám đốc bộ phận chính trị của Quân đoàn pháo binh thứ hai, cơ quan chỉ đạo các lực lượng tên lửa và hạt nhân Trung Quốc, cũng tham gia phái đoàn, nên có thể chiến lược hạt nhân và các vấn đề liên quan đến chính sách cũng đã được đưa ra trong chương trình nghị sự ở Nebraska.
Tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu PLA, trung tướng Zhao Keshi, chỉ huy quân sự khu vực Nam Kinh, và thiếu tướng Hải quân Jiang Weilie cũng đi cùng tướng Từ.
Denmark đánh giá "cuộc hội đàm kinh tế và chiến lược" giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc "gặp cấp cao" vì quan hệ quân sự Mỹ - Trung về cơ bản vẫn còn đang tụt lại phía sau khá xa so với những triển vọng quan hệ về kinh tế và chính trị, chủ yếu là do thiếu sự tin cậy chiến lược chung.
Theo Denmark, thái độ của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương đối lập sâu sắc với thái độ của chính nước này với vùng biển Đông và vùng phía tây Thái Bình Dương, những nơi tàu nổi Trung Quốc hoạt động một cách không chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm khi bơi gần các tàu Mỹ một cách rất nguy hiểm trong vùng nước quốc tế, và tàu ngầm Trung Quốc nổi lên bất ngờ rất gần tàu chở hàng Mỹ".
"Là một trong hai phó chủ tịch CMC, cấp bậc của tướng Từ chỉ sau Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Cuộc gặp của ông, chứ không phải của Liang Guanglie - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, và Gates về thực tế không phải là cuộc gặp của người đồng cấp - chứng tỏ sự quyết tâm của Trung Quốc trong việc thể hiện rằng sự minh bạch và cởi mở nằm trong lợi ích của nước này. Vấn đề là Trung Quốc tiếp tục coi sự minh bạch là giao dịch và công cụ của cường quốc với những nước yếu hơn. Cho tới khi thái độ này thay đổi thì những hy vọng sẽ còn rất hạn chế", Denmark nói.
Sau cuộc gặp giữa tướng Từ và ông Gates, hai nước đã tuyên bố rằng ông Gates sẽ tới thăm Trung Quốc vào năm sau và rằng tướng Trần Bỉnh Đức, Tham mưu trưởng PLA, và Đô đốc Hải quân Mỹ Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng sẽ trao đổi chuyến thăm.
Hai nước cũng tuyên bố diễn tập chung về tìm kiếm và giải cứu trên biển và tăng cường những đợt trao đổi quân sự ở tất cả các cấp, bao gồm cả các sự kiện văn hóa và thể thao. Ông Gates muốn những sự kiện như thế sẽ được tổ chức thường xuyên. Hay nói cách khác, Gates muốn duy trì thường xuyên các hoạt động quân sự quan trọng này nhiều hơn cả về số lần và phạm vi. Vòng tiếp theo của cuộc đàm phán thỏa thuận tư vấn quân sự về hàng hải dự kiến diễn ra vào tháng 12.
Tướng Từ đã có bài diễn văn quan trọng nhất trước công chúng Mỹ trong chuyến thăm tới Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Thủ đô Washington ngay trước cuộc gặp với Gates.
Trong bài phát biểu, ông nói: "Những trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ là quan trọng với hòa bình và sự phát triển của thế giới, cũng như với lợi ích căn bản của cả hai nước. Quân đội Trung Quốc rất lạc quan với việc phát triển quan hệ quân sự với quân đội Mỹ. Chúng tôi sẽ không quên rằng 60 năm qua, Trung Quốc và Mỹ vẫn chung vai sát cánh chiến đấu chống lại các thế lực phát-xít".
Tướng Từ cũng đề cập tới vấn đề nhạy cảm bao gồm những hoạt động có thể chấp nhận trên biển Đông, nơi từng có cuộc chạm trán chớp nhoáng giữa tàu hải quân Mỹ và tàu Trung Quốc. Ông nói: "Điều này là do nhiệm vụ do thám quá mức mà tàu hải quân Mỹ tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, xâm phạm lợi ích của Trung Quốc. Không ai trong số chúng ta muốn thấy cảnh này diễn ra thêm một lần nữa, vì thế, tôi rin rằng hải quân hai nước sẽ tiếp tục tham vấn và thảo luận về an ninh quân sự hàng hải trên tinh thần hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau".
Theo Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Thủ đô Washington, tướng Từ không đề cập điều gì mới. Ông chỉ đang cố gắng thể hiện rõ PLA là lực lượng quân đội nhân dân, tập trung vào MOOTW (hoạt động quân sự hơn là chiến tranh).
Glaser nói: "Những bất đồng vẫn còn đó về việc Mỹ tiến hành hoạt động thăm dò trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc coi những hoạt động này là thách thức đối với lợi ích cơ bản của mình, và nhấn mạnh rằng điều này phải được tôn trọng. Còn Mỹ lại coi tự do hàng hải là những lợi ích cơ bản của mình".
Theo Glaser cho biết thêm: "Mỹ và Trung Quốc có một danh sách khác nhau các vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết. Với Trung Quốc, đó là vấn đề Mỹ có quan hệ quân sự với Đài Loan và bán vũ khí cho Đài Loan, hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, cũng như là những quy định về Luật Ủy nhiệm quốc phòng Mỹ năm 2000, và những công khai về báo cáo sức mạnh quân sự của Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra. Mỹ lại quan tâm tới việc mở rộng quan hệ quân sự song phương, tăng cường hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Iran và Triều Tiên, thuyết phục Trung Quốc giải thích các chương trình quân sự của mình, đặc biệt là việc hiện đại hóa hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu biển. Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc giảm gia tăng quân sự chống Đài Loan".
Drew Thompson, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nixon, lại nhìn nhận quyết định của Trung Quốc khi cử tướng Từ đọc diễn văn trước công chúng trong chuyến thăm là "chỉ số" thể hiện tham vọng của Trung Quốc muốn "tham gia vào ngoại giao nhân dân và tạo dựng hình ảnh về PLA ở nước ngoài".
Thompson nói: "Chuyến thăm của ông này không hứa hẹn hay đánh dấu bước đột phá trong quan hệ quân sự Mỹ - Trung, nhưng lại cho thấy là một bước tiến trong cuộc đối thoại lâu dài vừa có được xu hướng lạc quan gần đây. Điều này có nghĩa là, vẫn có những lĩnh vực mất lòng tin sâu sắc sẽ không dễ giải quyết. Chừng nào một số những lợi ích không trùng này còn chưa được giải quyết thì triển vọng quan hệ quân mật thiết hơn sẽ vẫn rất hạn chế".
Richard Fisher, chuyên gia của Trung tâm Thẩm Định và Chiến lược Quốc tế tại Washington DC, đã lắng nghe bài diễn văn của tướng Từ, và thấy rằng trong đó thiếu những chi tiết quan trọng. Ông nói: "Không có đoạn nào trong bài diễn văn của tướng Từ thỏa mãn yêu cầu minh bạch trong các lĩnh vực quan tâm của Mỹ và các quốc gia láng giềng; không có những chi tiết nghiêm túc về vũ khí hạt nhân, dự định đối với Đài Loan, Nhật Bản hay kế hoạch về một cường quốc trong tương lai".
Theo Fisher, tướng Từ có vẻ không thực sự quan tâm giải quyết các quan ngại về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và về phạm vi triển khai lực lượng của PLA sẽ đến đâu.
Thiếu tướng Hải quân Mỹ đã về hưu Mc Vadon, Giám đốc Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Viện Phân tích chính sách đối ngoại nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trên biển trong các lĩnh vực thương mại và quân sự.
Ông viết: "Việc tham gia như vậy sẽ đặc biệt giúp giải quyết xung đột trong các tham vọng chiến lược của Mỹ và Trung Quốc khi Trung Quốc vươn lên về mặt kinh tế và quân sự".
Với một thế hệ mới các nhân viên quân sự và lãnh đạo hai nước, chuyến thăm của tướng Từ tới Mỹ chứng tỏ rằng thế kỷ 21 sẽ khác nhiều so với thế kỷ trước đó. Paul Smith, giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường Hải chiến Mỹ, nói: "Khi tôi dạy các thế hệ nhân viên Mỹ hiện nay, những người sinh ra sau thời kỳ chiến tranh lạnh, họ có vẻ không còn "nhiệt tình" lắm với việc cần thiết phải bảo vệ hay ủng hộ Đài Loan".
Trước khi về nước, điểm dừng chân cuối cùng của tướng Từ là Hawaii, sau khi thăm hải quân sân bay Mỹ tại San Diego, California. Ở Honolulu, tướng Từ dự kiến gặp gỡ Đô đốc Hải quân Mỹ Robert Willard, tướng Tư lệnh liên quân Thái Bình Dương của Mỹ. Dù kết quả các cuộc gặp này có như thế nào thì sự có mặt của thiếu tướng hải quân Jiang Weilie trong phái đoàn cũng cho thấy cuộc thảo luận các vấn đề hiện tại trong vùng biển quốc tế thêm phần quan trọng.
Willard nói: "Trung Quốc hiểu các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh thế khác với chúng ta, và khác với cả đa số các nước khác trên thế giới. Chúng tôi sẽ rất vui mừng ngồi lại và có những cuộc thảo luận nghiêm túc về những bất đồng của chúng ta".
Về vùng biển Đông, Willard nhấn mạnh nhiều lần rằng Mỹ sẽ cứng rắn và không bao giờ có ý định rời khỏi trong bất cứ trường hợp nào. Ông nói: "Mỹ đã hoạt động tại vùng biển này từ 150 năm trước và sẽ không có ý định hành động khác đi. Chúng tôi hoàn toàn có quyền hoạt động quân sự và tàu thương mại trong vùng nước quốc tế trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương."
Tuy nhiên, ông cũng rất hy vọng ở mối quan hệ tốt đẹp Mỹ - Trung. Ông nói: "Trung Quốc không phải là kẻ thù của chúng ta. Chúng tôi hy vọng một mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung quốc và những đóng góp xây dựng của họ tới an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Trong khi cả hai bên đều mong muốn cải thiện quan hệ nhưng chuyến thăm của tướng Từ về thực chất lại không có vẻ bàn bạc nhiều về một sự hợp tác quân sự giữa hai nước. Và chúng ta có thể sẽ còn phải chờ cho tới chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Trung Quốc để xem liệu sẽ có đột phá nào mang dấu ấn thế kỷ 21 hay không.
-
Đình Ngân (Theo Asia Times)