Tổng thống Barack Obama sẽ tới Hàn Quốc ngày 18/11, chặng dừng chân cuối cùng của ông trong chuyến công du châu Á. Tại Seoul, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ hội đàm với người đồng nhiệm Lee Myung-bak, với vấn đề Triều Tiên cùng một thỏa thuận thương mại sẽ là tâm điểm trong nghị trình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP) |
Vấn đề Triều Tiên
Chính quyền Obama đã được cho là sẽ cử đặc sứ tới CHDCND Triều Tiên trong vài tuần tới trong một nỗ lực nhằm vực dậy các cuộc hội đàm quốc tế về giải trừ hạt nhân.
Tổng thống Lee ủng hộ động thái trên, và cả hai nhà lãnh đạo có thể sẽ nhất trí rằng họ không muốn hội đàm vì lợi ích của các cuộc hội đàm mà muốn Bình Nhưỡng có những bước đi thực sự để ngừng các chương trình hạt nhân.
Hai bên cũng muốn chứng kiến ít nhất là sự quay trở lại những cam kết đã đạt được năm 2005 theo một thỏa thuận hạt nhân sáu bên, theo đó Bình Nhưỡng tiếp tục dỡ bỏ nhà máy hạt nhân Yongbyon và cho phép thanh sát viên quốc tế xác minh các tuyên bố của Triều Tiên về hạt nhân.
Thỏa thuận thương mại tự do bị trì hoãn lâu nay
Có thể có một số tiến bộ song chỉ ít người cho rằng có đột phá trong thỏa thuận thương mại hai chiều đạt được cách đây 2 năm vốn vẫn chưa được các cơ quan lập pháp mỗi nước thông qua.
Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ thương lượng lại thỏa thuận mà ước tính có thể tăng thương mại song phương thêm hơn 20 tỷ USD từ con số 83 tỷ USD mỗi năm.
Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết, Seoul sẵn sàng bàn bạc về các lĩnh vực quan tâm mà chính quyền Obama đưa ra, trong đó có buôn bán ôtô.
Buôn bán ôtô
Thỏa thuận với Mỹ được cho là sẽ cắt giảm thuế quan và bỏ một loại thuế về thay thế động cơ mà các nhà sản xuất xe hơi Mỹ cho là sẽ ảnh hưởng tới doanh số bán của họ.
Các quan chức Mỹ thường than phiền về một số hàng rào phi thuế quan trong ngành này không được đề cập trong thỏa thuận.
Xe hơi ngoại chiếm khoảng 6% số lượng các phương tiện giao thông hoạt động ở Hàn Quốc. Giới phân tích cho rằng, cho dù tất cả các hàng rào được dỡ bỏ thì xe Mỹ cũng không chiếm được thị phần lớn một quốc gia mà hàng nhập khẩu từ Đức và Nhật Bản có ưu thế vững vàng từ lâu và người dân địa phương không mấy chuộng hàng Mỹ.
Tầm quan trọng của thương mại
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Washington, trong khi Mỹ là đối tác lớn thứ 3 của Seoul.
Theo văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, đầu tư nước ngoài trực tiếp ở Hàn Quốc đạt 27 tỷ USD trong năm 2007.
Kể từ khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại, Hàn Quốc đã cũng ký nhiều thỏa thuận thương mại khác với Liên minh châu Âu và Ấn Độ.
Các vấn đề khác
Tổng thống Obama và người đồng nhiệm Lee sẽ tái khẳng định liên minh quân sự song phương.
Mỹ hiện có 28.000 binh lính ở Hàn Quốc với mục đích ngăn chặn một cuộc tấn công từ CHDCND Triều Tiên. Hai bên đã ký một thỏa thuận về chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến vào năm 2012.
Theo thoả thuận hiện thời, binh sĩ Hàn Quốc nằm dưới sự chỉ huy của quân đội Mỹ nếu xảy ra chiến tranh trên bán đảo.
- Thanh Hảo (Theo Reuters)