Trung Quốc tìm mọi cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi không chỉ nhằm giành đặc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản của lục địa đen, mà còn nhắm tới các thị trường tiêu dùng tiềm năng lớn ở đây.
Ngày 20/10, Trung Quốc thông báo sẽ xóa 150 khoản nợ chính phủ đã đến kỳ hạn phải thanh toán của 32 quốc gia châu Phi đối với nước này. Tuyên bố được phát đi chỉ vài ngày trước một cuộc gặp giữa nhà lập pháp hàng đầu Trung Quốc Ngô Bang Quốc và Kenneth Marende, Chủ tịch Quốc hội Kenya, nhằm thảo luận về sự hợp tác giữa hai nước. Thêm vào đó, ngày 8/11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 của Diễn đàn hợp tác Trung - Phi tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập.
Các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa giới lãnh đạo Trung Quốc và những người đồng cấp châu Phi thường xuyên được tổ chức ít nhất một lần mỗi tháng. Bắc Kinh đang hướng tới điều gì? Khi Trung Quốc tuyên bố năm 2006 là "Năm châu Phi", tiếp đón đại diện 48 nước châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh Trung - Phi thường niên vào năm 2006 và trải thảm đỏ đón chào 17 nguyên thủ châu Phi, chúng ta kết luận rằng tất cả những việc làm đó nhằm giành lấy việc tiếp cận các nguồn dầu mỏ và khoáng sản giúp tăng cường sự phát triển kinh tế vũ bão của Trung Quốc.
Dẫu vậy, còn có nhiều thứ đang diễn ra bên ngoài các cuộc gặp gỡ, chào mừng. Trung Quốc đang có những kế hoạch và tham vọng kinh tế lớn ở châu Phi, vượt ra ngoài các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản. Trong khi phần lớn thế giới vẫn xem châu Phi là một lục địa kém cỏi, Bắc Kinh lại nghĩ trước và bận rộn với việc thiết lập một chỗ đứng vững chắc ở các thị trường tiêu dùng tiềm năng lớn của châu Phi.
Ấn tượng chung của chúng ta về châu Phi phụ thuộc nhiều vào tác phẩm "Trái tim của bóng tối" của Joseph Conrad hơn chúng ta muốn thừa nhận: châu Phi bí hiểm, hoang dã, nguyên thủy và lạc hậu hàng thập kỷ so với thời hiện đại. Giống như các doanh nhân châu Âu trong cuốn tiểu thuyết năm 1902 của Conrad, chúng ta cho rằng các tài sản suy nhất của châu Phi đến từ đất hoặc ở phía dưới nó. Trong "Trái tim của bóng tối", đó là các đồ bằng ngà. Hiện tại, đó là dầu mỏ và các khoáng sản.
Tuy nhiên, Trung Quốc nắm được điều gì đó vượt quá tầm hiểu biết của hầu hết các chính phủ và công ty ở phương Tây. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Trung Quốc tin rằng những người tiêu dùng châu Phi có thể là một mỏ vàng khổng lồ chưa được khai thác. Cam kết của Bắc Kinh với các lãnh đạo và chính phủ ở châu Phi ngày càng hướng tới việc đảm bảo rằng các công ty Trung Quốc có được vị trí thuận lợi nhất trong việc bán sản phẩm của họ khi người châu Phi bắt đầu vung tiền mua sắm.
Trong khi Ấn Độ được đánh giá là một thị trường tiêu dùng khổng lồ, đầy tiềm năng trong tương lai thì các con số thống kê đối với châu Phi (nếu được coi là một thực thể) cũng gần tương tự. Ví dụ như nền kinh tế châu Phi đã trải qua tỉ lệ tăng trưởng 6-7% tương tự như của Ấn Độ trong một thập niên qua, và sẽ có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng 3-4% trong năm 2009 - một con số ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu hiện tại. GDP trung bình đầu người ở châu Phi tương đương như ở Ấn Độ và giống như Ấn Độ, dân số châu Phi đang tăng lên và sẽ tương đương về quy mô dân số với Trung Quốc trong vài thập niên tới.
Vijay Mahajan, tác giả cuốn "Châu Phi trỗi dậy", cho rằng có 50-150 triệu người giàu ở châu Phi có quyền lực chi tiêu tương tự các tầng lớp trung lưu ở phương Tây. Quan trọng hơn, có 350-500 triệu người thuộc các tầng lớp đang phát triển mạnh mẽ, từ các hộ gia đình với nghề nghiệp ổn định. Họ cũng giống những người cùng tầng lớp ở Trung Quốc và Ấn Độ vốn đang bị các công ty phương Tây lôi kéo. Những người châu Phi đầy khao khát này uống Coca-Cola, muốn có điện thoại di động và ao ước sở hữu một chiếc xe hơi hoặc xe gắn máy.
Phương Tây hiện tập trung vào nửa dân số dưới đáy của châu Phi, những người đang sống trong cảnh nghèo đói kinh hoàng. Trong khi đó, Bắc Kinh lại hướng tới nửa dân số còn lại, những người có thể sớm mua các áo phông, giày dép và xe đạp do Trung Quốc sản xuất.
Thông qua các ngân hàng và đại lý xuất khẩu, Bộ Thương mại Trung Quốc đang chào mời những khoản vay và tín dụng xuất khẩu lãi suất thấp dành cho những doanh nghiệp quốc doanh của nước này muốn xây dựng cơ sở ở châu Phi. Ngoài ưu đãi cho các công ty thăm dò và xây dựng, các biện pháp khuyến khích cũng được dành cho giới doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ của Trung Quốc.
Để đổi lại cái gọi là các khoản vay lãi suất thấp và viện trợ "không ràng buộc" cho các nước châu Phi, Trung Quốc hy vọng sẽ được đặc quyền tiếp cận dầu mỏ và các nguồn tài nguyên ở lục địa đen cũng như sự ủng hộ về chính trị trong các cơ quan như Liên Hợp Quốc và các chính phủ châu Phi - dù tốt, xấu hay chuyên chế - về việc trao cho các công ty Trung Quốc những cơ hội trước tiên để tiếp cận các thị trường tiêu dùng địa phương.
Dẫu vậy, vẫn có những yếu điểm trong kế hoạch lớn của Bắc Kinh. Ví dụ như việc các hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập châu Phi đã khiến châu lục này phải hi sinh nhiều việc làm, dẫn tới phản ứng dữ dội chống lại sự hiện diện của Trung Quốc. Nạn tham nhũng nghiêm trọng, các cơ quan yếu kém và nguy cơ chính trị ở nhiều nước châu Phi vẫn còn cao, đồng nghĩa với sự hiện hữu khả năng xảy ra quá trình sụp đổ về kinh tế và xã hội ở những nơi này.
Sẽ không ai đánh cược vào sự tiếp tục tăng trưởng ở nhiều nước châu Phi. Tuy nhiên, phương Tây nên lưu ý: Trung Quốc đã có kế hoạch nắm lấy lợi thế khi thị trường tiêu dùng của châu Phi cất cánh.
-
Thanh Bình (Theo Time)