221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1240080
Ủy ban Nobel Nauy đang đánh cược?
0
Article
null
Ủy ban Nobel Nauy đang đánh cược?
,
"Những nỗ lực phi thường của ông nhằm thúc đẩy ngoại giao và hợp tác quốc tế giữa các dân tộc" là lý do mà Ủy ban Nobel Nauy đưa ra khi trao giải Nobel Hòa bình 2009 cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

EPA
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: EPA)

Theo Ủy ban này, rất hiếm có người đạt được những thành tựu tầm cỡ như của Obama. Ông đã thu hút được sự chú ý của cả thế giới và gieo trong lòng mọi người hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Như vậy, Obama đã nhận được giải thưởng cao quý khi ông lên làm Tổng thống Mỹ chưa đầy 9 tháng. Quyết định trên khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi đến nay nhà lãnh đạo này vẫn chưa đạt được một thành công đáng kể nào về chính sách ngoại giao.

Ngay từ giây phút đầu tiên bước vào Phòng Bầu Dục, Obama đã tuyên bố rõ ràng rằng giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của mình.

Cuộc điện thoại đầu tiên của Obama là tới Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Bài phát biểu tại Cairo của ông cũng khẳng định Mỹ sẽ giữ vai trò kiến tạo hòa bình ở Thánh Địa. Ngay sau đó, ông còn cam kết sẽ đàm phán một hiệp ước mới về giải trừ hạt nhân với Nga.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Obama vẫn chưa đạt được một thành tựu cụ thể nào.

So với cách nay 9 tháng khi Obama lên nhậm chức, người Israel và người Palestine vẫn chưa nhích được bước nào tới một thỏa thuận chung. Trái lại, bạo lực ở Jerusalem đang làm tăng khả năng về một phong trào du kích mới của người Palestine: Một sự kiện có thể làm đảo chiều tiến trình hòa bình trong khu vực.

Và mặc dầu Mỹ và Nga đã bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giải giáp mới, hai bên vẫn chưa tiến tới một hiệp ước nào. 

Lời giải thích có thể duy nhất đối với quyết định của Ủy ban Nobel Nauy là có thể họ đang đánh cược vào những thành tựu trong tương lai của Obama. Họ nghĩ, Tổng thống Mỹ có thể sẽ đảm bảo được một thỏa thuận hòa bình giữa  Israel và Palestine cũng như một hiệp ước giải giáp với Nga.

Nếu như trước kia, giải Nobel Hòa bình thường được trao cho các nhà lãnh đạo đã đạt được những thỏa thuận thực sự nhằm giải quyết các cuộc xung đột, thì năm nay, các "thẩm phán" của Ủy ban Nobel Nauy dường như ưu tiên hơn cho các nỗ lực và thành tích có thể trong tương lai.

Vậy họ có thực tế?

Tất nhiên là có cơ hội tốt để Mỹ và Nga dàn xếp được một thỏa thuận khác về cắt giảm vũ khí hạt nhân. Đó là vì một lý do đơn giản: kho hạt nhân của Kremlin đang giảm giá trị nhanh chóng và một thỏa thuận giải giáp mới mang lại cho người Nga cơ hội giữ được vị trí ngang hàng về hạt nhân với Mỹ.

Ký kết hiệp ước này sẽ là một thành tích thực sự đối với Obama - nhưng trước đó đã có 3 thỏa thuận về giải trừ hạt nhân và nó sẽ làm biến đổi cán cán cân quyền lực trên thế giới.

Trong khi đó, các cơ hội đạt được một thỏa thuận giữa người Israel và Palestine vẫn rất xa xăm. Vấn đề gai góc nhất tại tâm điểm cuộc xung đột này có thể gói gọn trong 4 từ: biên giới, người định cư, người tị nạn và Jerusalem.

Obama phải sắp đặt một thỏa thuận hòa bình quyết định được đường biên giới của Nhà nước Palestine, số phận của người định cư Do Thái sinh sống ở Bờ Tây, tương lai của người tị nạn Palestine và phân chia Jerusalem thành hai thủ đô của hai nước.

Những nỗ lực lặp đi lặp lại nhằm giải quyết vấn đề này, đáng chú ý là tại hội nghị Trại David năm 2000, luôn thất bại, chủ yếu là những nhượng bộ mà cả hai bên đòi hỏi đều không được chấp nhận. Và đến nay, họ vẫn giữ nguyên lập trường đó.

Tuy nhiên, Ủy ban Nobel Nauy dường như đánh cược rằng Obama có thể vượt qua mọi trở ngại và giải quyết được tất cả trong vòng vài năm nữa. Nhưng bất cứ ai theo sát các sự kiện ở Trung Đông có lẽ không hoàn toàn tin tưởng vào sự lạc quan này.

  • Thanh Hảo (Theo Telegraph, Reuters)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,