Sau khi tiếp phái đoàn cấp cao của Trung Quốc đến thăm, CHDCND Triều Tiên đã tỏ ý sẵn sàng trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Kim Yong-il đã ra sân bay Sunan đón đoàn đại biểu Trung Quốc. Ảnh Reuters.
Cụ thể, ngày Chủ Nhật, 4/10, trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, lãnh đạo Triều Tiên đã tỏ ý sẵn sàng trở lại bàn đàm phán 6 bên hoặc đàm phán song phương về vấn đề hạt nhân.
"CHDCND Triều Tiên chưa bao giờ khép lại cánh cửa đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, Triều Tiên sẵn sàng đàm phán song phương hoặc đa phương”, Thủ tướng CHDCND Triều Tiên phát biểu.
Như vậy thông điệp của lại càng trở nên rõ ràng hơn: Triều Tiên đã sẵn sàng trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Tháng trước, lãnh đạo cao cấp nhất của Triều Tiên là Kim Yong-il cũng tỏ ý với một phái đoàn Trung Quốc đến thăm Bình Nhưỡng rằng nước này sẵn lòng trở lại bàn đàm phán.
"Chúng tôi ủng hộ tinh thần này, điều có thể bảo đảm cho hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như vùng Đông Bắc Á. Điều này cũng hài hoà với lợi ích của tất cả các bên liên quan, trong đó có CHDCND Triều Tiên”, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đáp lời.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm 4/10 đã đặt chân đến thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên trong chuyến thăm ba ngày được cho là sẽ tập trung vào việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân liên quan đến nước này.
Cùng đi với Thủ tướng Ôn Gia Bảo có Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ cùng một số quan chức cấp cao khác.
Trong thời gian ở thăm, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tham dự các hoạt động kỷ niệm 60 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và "Năm Trung Quốc-Triều Tiên".
Sáng 4/10, nhà lãnh đạo Kim Yong-il đã ra sân bay Sunan đón đoàn đại biểu Trung Quốc. Chiều 4/10, hai nước đã ký một loạt hiệp định hợp tác.
Thủ tướng Trung Quốc chuẩn bị thăm Triều Tiên trong bối cảnh mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang có dấu hiệu ấm lên.
Gần đây, quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang có vẻ bớt lạnh và đặc biệt ấm hơn sau việc cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tới thăm Triều Tiên và hoàn thành sứ mệnh thuyết phục Bình Nhưỡng thả tự do cho hai phóng viên Mỹ cũng bị bắt hồi tháng 3 vì tình nghi xâm nhập trái phép.
Cùng lúc đó, Triều Tiên đã có những tuyên bố và động thái mềm dịu hơn với Hàn Quốc như thả tự do cho một công nhân Hàn Quốc bị bắt giữ gần bốn tháng qua, dỡ bỏ hạn chế biên giới và chấp nhận nối lại các dự án chung, cử đoàn đại biểu cấp cao tới thăm Seoul để viếng cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung…
Những động thái mới này đang làm dấy lên hy vọng cho người dân hai miền về một quan hệ nồng ấm hơn giữa hai miền Triều Tiên.
Tuy vậy, trong những động thái mới đó, người ta thấy thiếu vắng vai trò truyền thống của người láng giềng khổng lồ của Triều Tiên là Trung Quốc.
-
Nhật Vy (Theo AP, CNN, THX, Reuters)