- "Khủng khiếp nhất có lẽ là ở các ngã ba hay ngã tư, nơi không có đèn giao thông, các phương tiện đi lại ngược xuôi, rẽ trái rẽ phải mà không theo một quy luật nào. Ở những nơi này mỗi người dường như tự tạo ra quy luật giao thông riêng cho chính mình".
Kinh hoàng giao thông Việt Nam. (Ảnh: vtv) |
Xin chào! Tôi là Franz, đến từ nước Đức. Tôi đã đến Việt Nam 2 lần, chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Theo tôi, Hà Nội là một thành phố tương đối thanh bình và ổn định về mặt chính trị so với một số nước khác ở khu vực Đông Nam Á.
Người dân thân thiện, cởi mở và rất hay cười, các món ăn cũng rất ngon ví dụ như phở hay bánh đa nem. Việt Nam cũng có rất nhiều danh lam thắng cảnh, và Sapa là điểm du lịch yêu thích nhất của tôi. Tuy nhiên ấn tượng đầu tiên làm tôi thật sự choáng ngợp pha lẫn sợ hãi đó là tình hình giao thông ở đây.
Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội là vào năm 2004, lúc đó luật đội mũ bảo hiểm vẫn chưa được áp dụng, tình trạng đi xe máy kẹp 3 trở lên diễn ra rất phổ biến, thậm chí đã có lần tôi nhìn thấy trên một chiếc xe máy rất bé nhỏ có tận 5 người ngồi trên đó. Thật đáng kinh ngạc! Ngồi trên xe taxi từ sân bay vào thành phố, tôi đã không biết bao nhiêu lần thót tim khi những chiếc xe máy uốn lượn trên đầu xe ô tô hoặc vượt phải một cách rất vô tư mà không cần nhìn trước nhìn sau. Lúc đó tôi nghĩ, bác tài xế này ắt hẳn là người lái xe rất giỏi và có dây thần kinh thép để có thể điều khiển xe trong tình trạng giao thông hỗn độn như thế này. Sau khoảng 30 phút chúng tôi đã đến đích và may mắn không có vụ tai nạn nào xảy ra, tôi đã rối rít cảm ơn bác lái xe về chuyến đi an toàn.
Một điều mà theo tôi, bất kì người Châu Âu nào đến Hà Nội đều thấy ngạc nhiên đó là những dòng xe máy và ô tô nối đuôi nhau tấp nập đi lại trên đường phố cùng với những tiếng còi không ngớt. Tôi không hiểu tại sao ở mọi nơi mọi chỗ, người điều khiển xe đều bấm còi inh ỏi, kể cả khi phương tiện giao thông phía trước còn cách xa họ hàng cây số. Có lẽ đó là một sở thích lạ lùng của người dân ở đây?
Khủng khiếp nhất có lẽ là ở các ngã ba hay ngã tư nơi không có đèn giao thông, các phương tiện đi lại ngược xuôi, rẽ trái rẽ phải mà không theo một quy luật nào. Ở những nơi này mỗi người dường như tự tạo ra quy luật giao thông riêng cho chính mình. Để sang được đường quả là một thách thức rất lớn đối với người đi bộ cho dù bạn có là người Việt Nam hay người nước ngoài đi nữa. Vạch kẻ dành cho người đi bộ hầu như đều bị phớt lờ bởi các loại phương tiện giao không khác. Có lẽ đó chính là lý do giải thích cho việc tại sao người đi bộ thường sang đường tùy ý, mọi nơi mọi chỗ.
Ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân cũng chưa được cao. Ví dụ nhiều người vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều hoặc đi trái đường để tiết kiệm một vài trăm mét đường vòng. Nguy hiểm hơn nữa là trên các đoạn đường cao tốc, nơi mà tốc độ giao thông thường 80 km/h thậm chí còn cao hơn nhiều so với tốc độ trong thành phố, những dải phân cách bằng sắt ở đây thường bị tháo trộm, hay cây trồng giữa hai luồng đường bị chặt để tiện cho việc sang đường của các hộ dân hai bên đường.
Những người bán hàng rong như bánh mỳ, trái cây cùng với những xe thồ hàng cồng kềnh đứng ngay cạnh rìa đường để chào mời người mua. Sau khoảng một tuần ở Hà Nội tôi đã quen dần với luật lệ giao thông ở đây, nếu bạn muốn sang đường thì cứ thế mà tiến, xe máy sẽ lạng lách để tránh bạn thôi, nhưng hãy coi chừng các loại xe ô tô, nhất là xe tải và xe buýt.
Lần mới đây tôi đến Hà Nội là tháng 2 vừa qua, tình trạng giao thông có chút đổi mới hơn so với 5 năm trước. Hiện tại người tham gia giao thông đều phải đội mũ bảo hiểm, phần lớn đã chấp hành quy định và cũng dừng lại ở các cột đèn đỏ. Một điều mà nước Đức cũng như các nước châu Âu cần học hỏi từ Việt Nam đó là hệ thống đèn giao thông đếm ngược cho người điều khiển xe biết thời gian họ phải chờ tại các cột đèn đỏ. Nhiều cầu vượt hay hầm dành cho người đi bộ đã được xây dựng. Tuy nhiên do đời sống được cải thiện, người dân có điều kiện mua thêm xe máy và ô tô, điều này làm cho tình trạng tắc đường tăng lên rõ rệt trong khi đường phố lại rất nhỏ hẹp.
Các thành phố lớn ở Việt Nam có mật độ dân số cao nhưng phương tiện giao thông công cộng vẫn còn rất hạn chế. Các bạn nên đầu tư nhiều hơn cho các tuyến xe buýt hay hệ thống tàu điện. Nên hạn chế việc đi lại bằng xe máy hay ô tô cá nhân nếu có thể và hãy sử dụng xe đạp nhiều hơn để bảo vệ môi trường mà mình đang sống. Lượng khí thải ra (như carbon monoxide) từ các loại xe gắn máy trong thành phố Hà Nội là rất lớn, có lẽ các bạn đã sống trong môi trường này lâu rồi nên không nhận ra được sự độc hại của nó, nhưng chỉ nửa tiếng đồng hồ đi lại trong thành phố đã làm cho tôi có cảm giác thiếu ôxy và nhức đầu cả một ngày trời.
Đối với các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông, cảnh sát và cơ quan chức năng cần phải xử phạt nghiêm minh. Ở nước tôi phí nộp phạt khi bạn vi phạm luật lệ giao thông thường rất cao. Ví dụ nếu bạn vượt đèn đỏ, tùy vào tình huống, bạn sẽ phải nộp phạt từ 50 đến 200€, đồng thời sẽ bị trừ từ 3 đến 4 điểm trong bằng lái xe (nếu bằng lái bị trừ 12 điểm, bạn sẽ bị cấm lái xe trong 6 tháng), hoặc bị tịch thu bằng lái trong vòng 1 tháng.
Theo tôi để hệ thống giao thông Việt Nam được nâng cao và phát triển thì ngoài những thay đổi tích cực từ phía chính phủ, người tham gia điều khiển giao thông cũng cần phải có ý thức tự giác và có trách nhiệm hơn. Giáo dục về luật lệ và an toàn giao thông nên được đưa vào chương trình học tại các trường học ngay từ cấp một. Tôi tin rằng trong vòng 10 hay 20 năm nữa tình hình giao thông tại Việt Nam sẽ được cải thiện một cách đáng kể.
Chúc các bạn thành công.
-
Franz (CHLB Đức)