Vụ đánh bom kép ở Baghdad chiều 25/10 là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Iraq trong hơn 2 năm qua. Nó cướp đi mạng sống của 147 người và làm bị thương hơn 700 người khác.
Khói bốc lên từ tòa nhà Bộ Tư pháp Iraq sau vụ tấn công chiều 25/10. (Ảnh: Reuters)
Thế nhưng các diễn biến của chúng chẳng có gì khác biệt hoặc quá bất ngờ.
Về hình thức, đó vẫn là thể loại tấn công quá quen thuộc ở Iraq: hai vụ nổ, vụ thứ 2 diễn ra ngay sau vụ thứ nhất, nhằm vào lực lượng an ninh và các cơ quan cứu hộ khẩn cấp khi họ tới hiện trường.
Việc sử dụng xe ô tô chở thiết bị nổ cũng không phải là mới lạ ở Iraq.
Mục tiêu bị nhắm tới là các bộ của Iraq khi mới ngày 19/8 vừa qua, họ cũng bị tấn công với khoảng 100 người thiệt mạng. Chính phủ Iraq quy kết vụ đánh bom đó cho Syria, nói rằng Damascus đang cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các tay súng nước ngoài và quân nổi dậy phá hoại Iraq.
Chính phủ Syria bác bỏ cáo buộc này, nhưng ở Baghdad, các nhân vật nổi bật trong chính phủ Iraq đã kết nối hai cuộc tấn công nói trên với nhau vì chúng quá giống nhau.
Không như các hành động bạo lực nhằm vào thánh đường, chợ hay nhà hàng để kích động xung đột giáo phái, sự việc hôm qua có mục đích phá hoại sự tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki, người đã đặt cược tương lai chính trị của mình vào tiến trình phục hồi an ninh ở Iraq.
Cũng giống như hồi tháng 8, các cuộc tấn công này dường như đã đạt được mục tiêu đề ra, chứng tỏ sự yếu kém của chính phủ trong công tác bảo vệ thủ đô Baghdad. Hiện tại, Thủ tướng Maliki đang phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng chính quyền của ông đã hành động quá sớm khi giảm bớt các biện pháp an ninh ở Baghdad vài ngày trước.
Sau vụ tấn công hồi tháng 8, chính phủ của ông Maliki đã bắt giữ nhiều sĩ quan cảnh sát và quân đội vì tội lơ là trách nhiệm. Các nhà chức trách còn dự định bắt giữ một số thủ phạm và phát sóng cảnh báo một người đàn ông tự nhận đã lên kế hoạch tấn công. Thế nhưng, phía Mỹ sau đó đã bày tỏ nghi ngờ về độ tin cậy của các vụ bắt giữ hoặc lời thú tội trên.
Nhiều người tỏ ra lo sợ rằng những cuộc tấn công như vậy sẽ trở nên thường xuyên hơn khi quân nổi dậy tìm mọi cách gây bất ổn trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Iraq vào giữa tháng 1 tới.
Và khi trèo lên một đống đổ nát tại hiện trường vụ đánh bom hôm 25/10, Thủ tướng Nouri Maliki cáo buộc al-Qaeda và những người trung thành với cựu Tổng thống Saddam Hussein là thủ phạm.
"Những vụ tấn công khủng bố này sẽ không thể ảnh hưởng tới quyết tâm của nhân dân Iraq trên con đường đấu tranh chống lại tàn dư của chế độ cũ đã sụp đổ và chống al-Qaeda", ông al-Maliki quả quyết trong một thông báo.
Từ Washington, Barack Obama nói rằng ông rất giận dữ trước những gì vừa xảy ra ở Baghdad. Ông nói đó là một nỗ lực nhằm làm trật bánh con tàu tiến bộ ở Iraq.
Thế nhưng, có một vấn đề đang đặt ra đối với Tổng thống Mỹ.
Hiện nay, Mỹ đang duy trì sự hiện diện của khoảng 120.000 quân ở Iraq. Ông Obama muốn tất cả lính chiến Mỹ ra khỏi nước này vào cuối tháng 8/2010 để chuẩn bị cho việc rút lui hoàn toàn vào năm 2012. Tuy nhiên, nếu tình hình xấu đi, ông có thể sẽ phải xem xét lại kế hoạch đó.
Cả người Iraq và người Mỹ hiện nay đang tỏ ra nghi ngờ về khả năng của lực lượng an ninh Iraq: liệu họ thể đảm bảo an ninh cho đất nước mình? Và liệu họ có "miễn nhiễm" trước sự tấn công của quân nổi dậy?
Sau vụ tấn công hôm 25/10, sẽ có nhiều người cho rằng: "Không" là câu trả lời cho những câu hỏi trên.
- Thanh Hảo (Theo BBC, FT)