Đưa người bị thương ra khỏi ngôi trường sập sau động đất ở Padang, Sumatra. (Ảnh: Reuters)
Ngoài hơn 400 người bị thương nặng, số nạn nhân thiệt mạng được xác nhận tới thời điểm này là gần 500 và sẽ tiếp tục tăng cao. Giám đốc Trung tâm Khủng hoảng Indonesia cho rằng con số này tối thiểu cũng phải 1.000 người.
Lực lượng cứu hộ chia làm nhiều đội đã được triển khai tới khu vực để tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, mưa to đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động của họ. Đó là chưa kể đến tình trạng mất điện và mất liên lạc viễn thông cộng với giao thông tê liệt do lở đất gây ra trên nhiều tuyến đường.
Các cơ quan cứu trợ quốc tế cũng chuẩn bị phát động một nỗ lực cứu trợ lớn khi hàng nghìn người phải qua đêm ở ngoài trời trong điều kiện thời tiết mưa như trút nước. Họ chẳng thể đi đâu vì nhà cửa khắp nơi bị đổ sập.
Bộ trưởng Y tế Siti Fadilah Supari thừa nhận "đây là một thảm họa quy mô lớn", đồng thời cho biết ông tin rằng cơn thiên tai còn khốc liệt hơn cả trận động đất ở Yogyakarta năm 2006 trên đảo Java với 3.000 người thiệt mạng.
Không khí ở Padang hiện nay rất hoảng loạn. "Trận động đất rất mạnh", một phụ nữ có tên Kasmiati sống ở ven biển kể lại. "Mọi người chạy lên chỗ đất cao. Nhà cửa bị hư hại nặng nề. Lúc đó tôi đang ở bên ngoài nên không hề hấn gì. Nhưng các con tôi ở nhà thì bị thương nặng".
Lo lắng về một thảm họa có thể xảy ra lại càng tăng cao sau khi Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta rằng nhà cửa, khách sạn, nhà thờ, trường học, cửa hiệu cùng nhiều công trình xây dựng khác đã bị phá hủy ở Padang - thành phố lớn nhất ở khu vực tây Sumatra.
Một khu vực bị động đất tàn phá ở Padang. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, truyền hình quốc gia phát đi những những hình ảnh về sự tàn phá, trong đó có bàn chân của một cậu bé mắc kẹt chìa ra từ đống gạch vỡ.
Priyadi Kardono, một phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia Indonesia, cho biết Cơ quan này đã nhận được báo cáo về thiệt hại ở Padang và thành phố Pariaman lân cận.
Hai bệnh viện ở Padang đã bị sập hoàn toàn nên một bệnh viện dã chiến đã được dựng lên để cứu giúp những người bị nạn. Một nhóm 40 bác sĩ trong đoàn cứu thương khẩn cấp từ Jakarta cũng đã tới khu vực.
Trong khi hầu hết sự chú ý ban đầu đổ dồn tới Padang, lo ngại cũng ngày càng tăng về số phận của các thị trấn và làng mạc ở các khu vực nông thôn lân cận. Ở những vùng như Maninjau, một người dân tên là Hafiz kể rằng anh đã chứng kiến nhà cửa bị chôn vùi trong một trận lở đất khi toàn bộ một ngọn đồi sập xuống.
Sức mạnh của trận động đất ở Sumatra có thể được cảm nhận được ở tận Singapore và Malaysia. Nó diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi một trận sóng thần lớn tấn công quần đảo Samoa. Trận sóng thần này - do động đất hơn 8 độ Richter gây ra - cũng san phẳng nhiều làng mạc và cuốn trôi nhiều người cùng xe cộ ra biển. Theo ước tính ban đầu, có hơn 100 người chết và hàng chục người mất tích ở Samoa.
- Thanh Hảo (Theo The Guandian, BBC)