221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1238523
Châu Á gồng mình đón "siêu bão" mới
1
Article
null
Châu Á gồng mình đón 'siêu bão' mới
,
Trong khi đang chật vật khắc phục hậu quả của cơn bão Ketsana, một số nước ở châu Á đã phải lên kế hoạch đối phó với một trận cuồng phong mới có tên Parma đang di chuyển về phía Philippines.

Một ngôi làng thuộc tỉnh Riza, Philippines, tan hoang sau bão Ketsana.
Một ngôi làng Philippines tan hoang sau bão Ketsana. (Ảnh: AP)

Các nhà chức trách Philippines đang khẩn trương lên kế hoạch sơ tán bắt buộc đối với hàng chục nghìn dân để tránh bão. Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội Philippines Esperanza Cabral cho biết, quyết định sơ tán có thể sẽ được thực hiện trong ngày mai (2/10).

Theo dự báo khí tượng thủy văn, bão Parma mạnh hơn nhiều so với Ketsana. "Chúng tôi đang đối mặt với một cơn bão lớn. Có khả năng nó sẽ còn tập hợp thêm sức mạnh", Nathaniel Cruz - Giám đốc Cơ quan Dự báo thời tiết Philippines - nói về Parma. "Chúng ta hãy cùng cầu nguyện". 

Sáng nay, bão Parma còn cách Philippines 650km, đang di chuyển về phía bờ biển phía bắc nơi Ketsana tấn công. Dự báo vào thứ Bảy (3/10), bão sẽ đổ bộ vào nước này nhưng hiện nay đã gây mưa lớn cho nhiều tỉnh ven biển miền đông.

Ông Cruz cho hay, Parma có thể tăng cường thành một "siêu bão" - một cụm từ chỉ các trận bão có sức gió trên 200km/h. Nó sẽ mang theo ít mưa hơn so với Ketsana nhưng gió mạnh có thể gây thiệt hại vô cùng lớn. Theo ông Cruz, nếu đột ngột đổi hướng, Parma sẽ bỏ qua Phillipines.

Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang khắc phục hậu quả của hai trận động đất lớn. Tổng số nạn nhân thiệt mạng vì sóng thần do động đất gây ra ở Nam Thái Bình Dương đã lên tới 140 người. Indonesia cho hay, số người tử vong được xác định trong trận động đất 7,6 độ Richter chiều tối ngày 30/9 đã vượt quá ít nhất 529 người.

Hôm nay, Manila hứng chịu trận mưa xối xả sau nhiều ngày trời quang đãng, khiến cho tình trạng của hơn 2 triệu nạn nhân bão Ketsana thêm khốn khổ. Nhà cửa của họ bị phủ đầy bùn sau trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 4 thập niên qua. Thông tin về cơn bão mới càng khiến cho nhiều người lo lắng.

"Tôi mong sao cơn bão đổ bộ vào nơi khác", Glen Juban, một người mất nhà trong trận lụt vừa qua bày tỏ. Anh cùng vợ và cậu con trai 13 tuổi sống sót nhưng cô con gái 4 tuổi thì bị chết chìm. "Chúng tôi đã quá khổ rồi. Tình hình bây giờ rất khó khăn. Chúng tôi không biết liệu có trụ nổi thêm một tai họa nữa không". 
 

Ở Campuchia và Việt Nam, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn sau bão. Tuy nhiên, nhiều làng mạc vẫn còn bị cô lập vì đường sá bị cắt đứt do bùn đất và lụt lội.  

Một máy bay của quân đội Việt Nam đã thả mì ăn liền xuống cho người dân ở một số làng mạc bị cô lập thuộc tỉnh Kon Tum trong khi các nhà chức trách tỉnh Quảng Ngãi sử dụng xuồng máy để phân phát thực phẩm và nước đóng chai cho các nạn nhân ở hai huyện miền núi bị ảnh hưởng.

Tại Campuchia, mưa rơi như trút nước ở các thị trấn thuộc tỉnh Siem Reap vốn đã chìm trong lụt lội. Trường học, chợ và các hoạt động kinh doanh khác buộc phải ngưng lại, Phó chỉ huy cảnh sát Kan Sambath cho biết. Bốn cây lớn ở khu đền Angkor Thom nổi tiếng bị bão đánh đổ song không gây thiệt hại, theo ông này.

 Thông tấn xã KPL của Lào đưa tin, các tỉnh phía nam nước này đang chịu đựng cảnh lụt lội và tình trạng hư hỏng của đường sá, cầu cống và hệ thống liên lạc. Nhà cửa và nhiều cánh đồng lúa bị tàn phá khi bão tấn công nước này sáng ngày 30/9 song không gây thương vong về người.

Tính đến nay, tổng số nạn nhân thiệt mạng vì bão Ketsana ở ba nước Philippines, Việt Nam và Campuchia là 383 người, trong đó nặng nhất là Philippines với 277 người.
  • Thanh Hảo (Theo AP)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,