Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak phát biểu tại một cuộc họp báo ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Sau nhiều tháng đe dọa một cuộc chiến tranh hạt nhân, tiến hành thử hạt nhân cùng nhiều tên lửa, mới đây, Triều Tiên bắt đầu giảm bớt những lời lẽ giận giữ và tỏ ý muốn tham gia các cuộc hội đàm giải trừ hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn của một nhóm phóng viên khi kết thúc hội nghị kinh tế G20 ở thành phố Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania của Mỹ, Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng Triều Tiên phải quay trở lại bàn đàm phán "với một thái độ thành khẩn", cho dù lý do nào khiến nước này muốn tiếp xúc với thế giới trong vài tuần trở lại đây.
"Nếu họ thành thật, chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho họ bất cứ điều gì cần thiết", ông Lee nói thông qua một thông dịch viên.
Tuy nhiên, Tổng thống Lee - một chính trị gia bảo thủ thân Mỹ, ưa các chính sách cứng rắn đối với Bình Nhưỡng - cũng đưa ra cảnh báo về chiến thuật đàm phán của Triều Tiên.
"Trước kia, chúng tôi biết rằng đàm phán với Triều Tiên luôn là một tiến trình mà chúng tôi tiến một bước thì lùi hai bước, và chúng tôi cứ hết tiến lại lùi, không đạt được nhiều kết quả cho lắm", trích lời người đứng đầu chính phủ Hàn Quốc.
Theo ông, sẽ rất khó xác định được "ý định thật sự" của Triều Tiên song thế giới có thể thấy rõ rằng nước này sẽ không dễ dàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Vì vậy, các nhà đàm phán phải hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo Bình Nhưỡng "không còn lựa chọn nào" ngoài giải giáp hạt nhân, Tổng thống Lee nhấn mạnh.
Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đang cố gắng thuyết phục CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên về giải trừ hạt nhân. Bình Nhưỡng đã rút khỏi tiến trình này hồi tháng 4 để phản đối thế giới chỉ trích nước này phóng một tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các quan chức Triều Tiên đã phát đi nhiều tín hiệu về khả năng quay lại bàn đàm phán.
Triều Tiên coi chương trình hạt nhân của mình là một sự đảm bảo an ninh trước những gì mà nước này tuyên bố là các kế hoạch tấn công từ phía Mỹ.
Để khởi động lại đàm phán hạt nhân, Tổng thống Lee đề xuất cái mà ông gọi là "một món hời lớn". Ông đề nghị trao cho Triều Tiên các ưu đãi về chính trị và kinh tế, trong đó có sự đảm bảo về an ninh, để đổi lấy việc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Không giống như các thỏa thuận trước kia, Tổng thống Lee kêu gọi Bình Nhưỡng giải giáp toàn bộ chương trình hạt nhân chỉ một lần chứ không theo từng giai đoạn.
- Thanh Hảo (Theo AP)