Trung Quốc có khả năng làm suy yếu nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran khi trở thành nguồn cung cấp xăng cho quốc gia Trung Đông này.
Là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới nhưng khả năng lọc dầu của Iran lại có giới hạn (Ảnh StraitsTimes) |
Bắc Kinh cung cấp xăng cho Iran
Trong tháng 9, các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã bắt đầu bán xăng cho Iran và hiện giờ chiếm 1/3 lượng nhập khẩu nhiên liệu của nước cộng hoà Hồi giáo này.
Bước đi trên của Trung Quốc có thể làm tổn hại đến kế hoạch cắt nguồn cung cấp nhiên liệu cần thiết cho nền kinh tế Iran của Mỹ.
Việc cung cấp xăng cho Iran được Bắc Kinh triển khai bất chấp việc một số công ty quốc tế, gồm cả BP và Reliance của Ấn Độ, ngừng bán xăng cho Iran. Các thương nhân và chủ ngân hàng nắm rõ thông tin mua bán của Iran cho biết, khoảng trống mà các nhà cung cấp dài hạn bỏ lại đã được xăng Trung Quốc đổ đầy.
Trong khi Iran là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới thì nước này lại phải nhập các sản phẩm tinh chế như xăng do thiếu khả năng lọc dầu.
Các thương nhân bán dầu cho biết, công ty dầu khí của Trung Quốc bán xăng cho Iran thông qua trung gian. Việc bán như vậy là hợp pháp vì nhập khẩu nhiên liệu không phải là điều bị cấm trong lệnh trừng phạt chống Iran. Một số công ty dầu khí ở châu Á và châu Âu cũng bán xăng cho Tehran.
Lawrence Eagles, trưởng nhóm nghiên cứu hàng hoá của công ty JPMorgan nói: "Dựa trên các thông tin nắm bắt được trên thị trường, chúng tôi ước tính, mỗi ngày có 30.000 tới 40.000 thùng xăng của Trung Quốc tới Iran thông qua một bên thứ ba". Nhận xét này phản ánh quan điểm của một số thương nhân hàng đầu chuyên cung cấp xăng cho Iran.
Thường thường, Iran nhập 120.000 thùng xăng/ngày. Các thương nhân không tiết lộ tên các công ty Trung Quốc lẫn tên bên thứ 3. Trước đây, xăng Trung Quốc được tái bán thông qua các trung gian trong châu Á.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc hợp tác
Hôm nay (23/9), ngoại trưởng từ một số quốc gia lớn trên thế giới đã nhóm họp tại New York để thảo luận cách thuyết phục Iran ngừng chương trình hạt nhân, chương trình mà Iran luôn khẳng định là nó được triển khai vì mục đích hoà bình.
Nhà Trắng hôm 22/9 cho biết, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Mỹ Obama đã mạnh mẽ kêu gọi Bắc Kinh hợp tác hơn nữa trong vấn đề liên quan tới Iran.
Về phần mình, một quan chức Trung Quốc tại Washington tuyên bố: "Các công ty của Trung Quốc chỉ tiến hành quan hệ thương mại bình thường với Iran, tuân thủ nghiêm túc nghị quyết của LHQ. Về phía LHQ, lập trường của chính phủ Trung Quốc về vấn đề Iran luôn nhất quán và rõ ràng - Trung Quốc luôn hợp tác với các bên liên quan để đưa ra giải pháp hoà bình cho vấn đề thông qua ngoại giao".
Mỹ và một số đồng minh muốn ngăn Tehran nhập khẩu xăng. Xăng đã từ lâu được mô tả là điểm dễ chọc thủng nhất trong nền kinh tế của Iran.
Tổng thống Mỹ Obama đã phê chuẩn mục tiêu trên trước khi nhậm chức. Các nhà ngoại giao Mỹ cũng đã thảo luận việc đề xuất cấm bán xăng cho Iran tại một cuộc họp mới của Hội đồng Bảo an LHQ bàn về trừng phạt Iran. Dự luật trừng phạt các công ty quốc tế bán xăng cho Iran đã được phần đông các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ ủng hộ.
Tuy nhiên, do khó thuyết phục Nga và Trung Quốc ủng hộ nghị quyết trừng phạt Iran và nguy cơ làm các đồng minh khác bực mình, đặc biệt là Pháp (khi nhằm vào các công ty bán xăng cho Iran mà không phải là công ty Mỹ), quan chức Mỹ hiện đang ngầm thuyết phục các công ty năng lượng không cung cấp xăng cho Iran. Chiến lược này được triển khai sau khi Washington khá thành công khi thuyết phục các ngân hàng quốc tế ngừng làm ăn với Iran.
-
Hoài Linh (Theo Financial Times)