221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1236918
Nơi tiềm ẩn xung đột Trung-Nga
1
Article
null
Nơi tiềm ẩn xung đột Trung-Nga
,

Khi quyền lực địa chính trị chuyển từ Moscow sang Bắc Kinh, một trong những điểm dễ xảy ra đối đầu nhất giữa hai nước láng giềng này là vùng Viễn Đông của Nga, một vùng đất giàu tài nguyên ở đông bắc.

Vùng Viễn Đông của Nga. (Ảnh: rosneft)

Dù thế nào đi nữa, Trung Quốc và Nga vẫn là hai cường quốc thế giới đi theo hướng đối nghịch nhau nếu xét về vị trí của họ trên vũ đài thế giới. Trung Quốc đã trỗi dậy với một nền kinh tế bùng nổ, một dân số khổng lồ và trang bị quân sự ngày càng hùng hậu. Trong khi đó, Nga vẫn đang phiêu dạt trong một thế giới thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Nói về tương lai của nước Nga thì không chỉ nói đến khát vọng địa chính trị mạnh mẽ mà cả những lo ngại về một dân số đang thu hẹp và một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào dự trữ dầu mỏ và khí (các sản phẩm năng lượng và nguyên liệu thô chiếm hơn 3/4 tổng lượng xuất khẩu của Nga).

Sự mờ nhạt của một cường quốc và sự nổi lên của một cường quốc khác dường như là một công thức cho một cuộc đối đầu, và nó rất có thể xảy ra khi hai nước đó cùng chung một đường biên giới gần 3.000 dặm. Khi quyền lực địa chính trị chuyển từ Moscow sang Bắc Kinh, một trong những điểm dễ xảy ra đối đầu nhất giữa hai nước láng giềng này là vùng Viễn Đông của Nga, một vùng đất giàu tài nguyên ở đông bắc Á. Đó là một thế giới tách biệt hẳn với Moscow, chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền của Nga và có khoảng 7 triệu người, chiếm 5% dân số Nga. Đây chính là nơi mà bên dưới những thảo nguyên và lãnh nguyên mênh mông là những mỏ dầu và khí của Nga.

Trong một thế giới khát năng lượng, vùng Viễn Đông của Nga là một phần thưởng khổng lồ, và Moscow hiểu rõ điều đó. Đó cũng là một phần lý do tại sao giới lãnh đạo Nga trong những năm qua đã rất lo lắng rằng một ngày nào đó họ sẽ để mất quyền kiểm soát khu vực này vào tay Trung Quốc. Một số xu hướng đang diễn ra cũng bổ sung cho những lo lắng này. Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, với việc ngôi sao kinh tế Trung Quốc ngày càng trỗi dậy, vùng Viễn Đông của Nga đang ngày một ngả về Bắc Kinh trong các hoạt động thương mại. Hiện nay, gần như tất cả các hàng hóa tiêu dùng ở vùng Viễn Đông này không phải đến từ Nga, mà là từ châu Á, và Trung Quốc đứng hàng đầu trong số những nước xuất khẩu vào khu vực này. Việc chuyển hoa quả, rau, thịt và các nông phẩm khác của Trung Quốc vào khu vực Viễn Đông của Nga cũng tăng đột biến những năm gần đây, tới mức mà một số nhà quan sát địa phương cho rằng Trung Quốc hiện kiểm soát an ninh lương thực của khu vực. "Người Trung Quốc hiện đang nắm giữ ngành nông nghiệp và cung cấp lương thực. Chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào họ", Lyudmila Erokhina, nghiên cứu viên tại Trường Đại học Vladivostok nói.

Điều đáng lo ngại hơn với Moscow là dân số của vùng Viễn Đông đang ngày càng ít người Nga hơn qua mỗi năm. Dân Trung Quốc nhập cư vào khu vực này tăng lên nhanh chóng, chiếm giữ những nông trại và cánh đồng mà rất nhiều người Nga bản xứ đã từ bỏ vì khí hậu quá khắc nghiệt.

Những biến đổi trong cơ cấu dân số ở khu vực đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo với lãnh đạo ở Moscow, những người đã nhận ra rằng đất nước họ đang phải đối phó với hiểm họa gì. Họ đã liên tục đưa ra những cảnh báo về cái mà họ nhận ra là sự xói mòn ảnh hưởng của Nga ở khu vực này. Trong chuyến thăm tới vùng Viễn Đông vào năm 2000, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng nếu tiếp tục không có hành động gì trong việc hiện đại hóa kinh tế địa phương và thúc đẩy tăng trưởng, nó sẽ có nghĩa là "thậm chí những người bản địa Nga cũng sẽ nói tiếng Nhật, Hàn và Trung Quốc trong vài thập kỷ nữa". Cùng thời điểm Putin đưa ra bức tranh ảm đạm về tương lai của vùng Viễn Đông thuộc Nga, cơ quan cung cấp tin tình báo Stratfor.com đưa ra một bản báo cáo cho rằng vào năm 2020, người Trung Quốc sẽ là nhóm dân tộc lớn nhất ở khu vực.

Nói một cách công bằng, việc Nga mất dần ảnh hưởng ở khu vực Viễn Đông vào tay Trung Quốc là do lỗi của Nga. Về mặt kinh tế, quan hệ giữa vùng Viễn Đông và Nga đã rất khó khăn do Nga chỉ mải tập trung vào quan hệ với phương Tây. Đường vận tải dài hàng nghìn dặm giữa Moscow và những tiền đồn lớn ở vùng Viễn Đông vẫn rất đắt đỏ và không hiệu quả trong nhiều năm qua, ngăn cản việc trao đổi hàng hóa và nguyên liệu thô giữa hai bên. Vùng viễn đông của Nga "hoàn toàn tách biệt khỏi phần còn lại của Nga", Maksim Perov, một chuyên gia về phát triển khu vực ở Nga nói.

Nếu không tạo một cú hích mới đối với sự phát triển trong khu vực, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã cảnh báo từ năm 2008 rằng "chúng ta có thể mất mọi thứ". Điều được ngụ ý trong lời cảnh báo này là cái mất của Nga có thể là cái được của Trung Quốc. Một số chuyên gia nghĩ rằng thậm chí nếu vùng Viễn Đông của Nga "chính thức" là một phần của Nga trong vài thập kỷ tới, dân số Đông Á đang bùng nổ đây cũng sẽ biến vùng Viễn Đông thành một siêu thị nguyên liệu thô phục vụ cho nền kinh tế Trung Quốc và sẽ biến khu vực này thành một phần của Trung Quốc trên thực tế.

"Khi bạn nhìn vào biên giới giữa Trung Quốc và Nga, vấn đề nhân khẩu học và nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên giống như là một thứ gì đó không tự nhiên trên bản đồ của khu vực này", Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter nói. "Ở một phía của đường biên là khoảng không gian rộng lớn, rộng bằng phần còn lại của châu Á với dân số 35 triệu người. Phía bên kia là phần còn lại của châu Á, có tới 3,5 tỷ người và 1,5 tỷ người trong số đó đang phát triển, giàu có hơn, quyền lực hơn và hiện đại hơn. Tình trạng này có kéo dài mãi không?".

Dường như là không. Nếu lãnh đạo Nga không thay đổi thái độ và quyết định đầu tư mạnh mẽ vào việc hiện đại hóa khu vực, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn lướt ảnh hưởng của Nga ở đây. Nhưng cho dù điều đó xảy ra cũng rất ít có khả năng sẽ diễn ra một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn để tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Viễn Đông. Sự chuyển đổi trong việc kiểm soát vùng Viễn Đông sẽ diễn ra tinh tế hơn. Rút cục, Nga và Trung Quốc vẫn gắn kết với nhau qua những hợp đồng thương mại và những liên minh khu vực kiểu như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Một sự đình trệ trong quan hệ giữa hai người láng giềng có hạt nhân sẽ không nằm trong lợi ích của ai cả.

Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng đông bắc Á có thể không "hung hăng" nhưng nó sẽ đảm bảo cho nước này một nguồn cung năng lượng chủ chốt khi cuộc đua giành dầu mỏ đang nóng lên trên toàn cầu. Khi mà những cường quốc công nghiệp trên thế giới lao vào cuộc đua để giành những nguồn năng lượng đang cạn kiệt trong những năm tới, sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông của Nga sẽ là một lời nhắc nhở trực tiếp cho an ninh năng lượng của Mỹ và các cường quốc khác trong tương lai và nó không nên bị bỏ qua. 

  • Hạnh Khuê (Theo Diplomatic Courier)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,