Mô hình triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ. (Ảnh: Irsia.wordpress.com)
Quyết định trên được đưa ra sau khi Mỹ "xác định rằng chương trình tên lửa tầm xa của Iran không tiến triển nhanh như dự đoán trước đó, giảm bớt đe dọa nhằm vào Mỹ và các nước châu Âu", Tạp chí Phố Wall trích lời các quan chức Mỹ.
Chính quyền Bush đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh kế hoạch xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu để phòng thủ trước cái được gọi là khả năng Iran phát triển đầu đạn hạt nhân phù hợp với các tên lửa tầm xa của nước này.
Washington khẳng định kế hoạch lá chắn tên lửa không trực tiếp nhằm vào Nga song Moscow tuyên bố đó là một mối đe dọa đối với tên lửa của nước này.
Iran phủ nhận các cáo buộc của phương Tây rằng nước Cộng hòa Hồi giáo đang nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định các tên lửa của mình chỉ để phòng thủ.
Iran và sáu cường quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đối thoại diện rộng từ ngày 1/10 tới.
Theo Tạp chí Phố Wall, Washington "được cho là sẽ để ngỏ khả năng khởi động lại hệ thống phòng thủ ở Ba Lan và Cộng hòa Séc nếu Iran đạt tiến bộ về tên lửa tầm xa trong tương lai".
Chính quyền Obama cho biết, Mỹ muốn "cài đặt lại" các mối quan hệ với Nga, một đối thủ thời Chiến tranh Lạnh, vốn rất căng thẳng bởi hàng loạt các vấn đề như cuộc chiến giữa Nga và Grudia năm 2008 và đề xuất kết nạp thêm Grudia, Ukraine vào khối NATO.
Tạp chí Phố Wall cho biết, quyết định dừng kế hoạch phòng thủ tên lửa sẽ làm nóng dư luận ở Đông Âu, nơi nhiều người bày tỏ lo ngại rằng các nỗ lực của Mỹ cải thiện quan hệ với Nga sẽ được đánh đổi bằng các đồng minh của họ trong khu vực.
- Thanh Hảo (Theo Reuters)