Vào một ngày đầu tháng, sau một năm rưỡi trải qua các trại giam của Mỹ, kẻ tình nghi bị tạm giam mang số 318360 đã được trao lá thư mang nội dung gửi trả anh cho mẹ.
“Chúng tôi chúc mừng bà về việc con bà được tha”, bức thư viết, có dấu niêm phong của Bộ Quốc phòng Mỹ đóng ngoài và viết bằng chữ Ả rập. “Trường hợp của anh ấy đã được kết luận và chúng tôi quyết định trả tự do cho cậu ta".
Khoảng 90.000 người Iraq đã được tự do từ Trại Cropper và các trung tâm giam giữ khác của Mỹ trong sáu năm qua (Ảnh Nytimes)
Với quyết định đó, cùng 25 USD tiền mặt và một bộ quần áo thường dân mới, Alaq Khleirallah, 27 tuổi, được quay lại với đường phố Baghdad. Anh là một trong gần 90.000 người bị tình nghi được phóng thích khỏi các trung tâm giam giữ của Mỹ trong 6 năm qua. Gần 10.000 người khác vẫn còn trong tù.
Và, thứ họ nhận được khi trở về cuộc sống tự do là sự lạnh nhạt. Nhiều người trở lại gia đình với các khoản nợ khổng lồ. Các phần tử nổi dậy hoặc Mật vụ Mỹ xem họ như tân binh tiềm năng. Bè bạn cũ, hàng xóm và thậm chí cả họ hàng từ chối tiếp nhận họ trở về cộng đồng, nghi ngờ về lai lịch hoặc lo lắng rằng, vài phút trò chuyện với họ có thể bị liên đới.
Những người khốn khổ
Tất cả các nhân tố này càng trầm trọng thêm khi những người được trả tự do không thể tìm được việc làm phù hợp bởi thị trường lao động khó khăn, bởi sự ngờ vực.
“Y như Jean Valjean”, Abdulhassan Jabr, người đã đọc “Những người khốn khổ” trong suốt 15 tháng ở trại Bucca, trung tâm giam giữ lớn nhất của Mỹ tại Iraq nói. “Một anh chàng vô tội bị ném vào tù, anh ấy mất việc, gia đình đi tới chỗ đói khát và ra tù thì không thể có việc làm. Dĩ nhiên anh ấy sẽ lâm vào cảnh tồi tệ”.
Jabr hiện làm việc tại một trung tâm cai nghiện ở thành phố Sadr được các quan chức Mỹ và một lãnh tụ hồi giáo địa phương thành lập, tài chính do Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ cung cấp. Trung tâm này tổ chức lớp học nghề và các buổi tư vấn.
Vài người ở trung tâm cho hay, họ tham dự chỉ cốt để nhận được chứng chỉ khi học xong. Khóa học kết thúc hồi tháng 5 và các cựu tù binh vẫn không kiếm ra tiền. Kỹ năng là vô dụng nếu không có việc làm.
Khleirallah, người phải nuôi vợ và bốn con, là một cảnh sát khi anh và ba anh em trai bị bắt giữ năm 2007, không lâu sau đó, cha anh và hai người anh em khác bị sát hại.
Công việc cũ của Khleirallah không còn khi anh ra tù. Khleirallah kể, cảnh sát nói với họ có luật cấm họ tham gia lực lượng an ninh trong vòng 18 tháng được tự do. Nhưng theo một vài quan chức tư pháp cấp cao của Iraq, luật lệ đó không tồn tại.
Vào tù giản đơn, ra tù không lối bước
Các quan chức Iraq thường xuyên đổ trách nhiệm các vụ tấn công cho những người bị tạm giam được thử tự do. Tuy nhiên, theo David E. Quantock, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 134, đơn vị giám sát hệ thống nhà tù tại Iraq của Mỹ thì, những số liệu thống kê xác thực về sự tái phạm là không thể có, một phần hệ thống trại giam không có trung tâm dữ liệu. Nhưng trong số 9.286 người bị Mỹ giam giữ năm 2008, chưa đầy 2% từng ở trong tù trước đó.
Trong những năm đầu chiến tranh, nhiều người tình nghi bị tạm giam chỉ đơn giản là những người ở những địa điểm sai lầm, vào một thời điểm sai lầm.
Năm 2005, Iesa Muayad al-Khayat chứng kiến cha anh, người làm việc cho một công ty Mỹ, bị bắn chết trước cửa nhà. Gia đình dọn khỏi Adhamiya, và mẹ anh tái hôn. Khayat, 17 tuổi, đã ở lại để ngăn không cho ngôi nhà của gia đình rơi vào tay những kẻ xấu.
Đương đầu với những đe dọa hàng ngày, anh cố gắng giữ lấy ngôi nhà bằng mọi cách. Một buổi chiều, có người hàng xóm với những mối quan hệ mờ ám hỏi vay Khayat 70 USD. Khi quân đội Mỹ khám xét bất ngờ nhà Khayat đầu năm 2007, họ tìm thấy giấy cho vay và bắt luôn anh.
Trong tù, anh bị nghi là gián điệp và thỉnh thoảng bị những người tù khác đánh do anh nói được tiếng Anh. Trong suốt 11 tháng cầm tù, anh chỉ nhận được duy nhất một lá thư từ bên ngoài gửi vào. Đó là thư của mẹ anh, nói cho anh biết rằng gia đình lại chuyển đi.
Tháng 3/2008, Khayat trở lại quê nhà một mình và thấy nhà anh trống trơn. Đường phố lại an toàn hơn nhiều — phần nào bởi các cuộc vây bắt mà anh từng là một nạn nhân trong đó. Tuy nhiên, hàng xóm nói với anh rằng, Khayat thật may mắn khi ở trong tù. Những người anh biết đã bị giết thời gian đó.
Sau đấy Khayat cùng một người bà con dọn nhà tới một vùng khác trong thị trấn. Nỗ lực để có được việc làm là phiên dịch cho người Mỹ đã thất bại. Sau gần một năm thất nghiệp, anh tìm được công việc cho một hãng sản xuất vô tuyến truyền hình của Anh, và anh đang chờ đợi, hy vọng được cấp visa vào Mỹ để rời khỏi Iraq.
-
Kỳ Thư (Theo NYtimes)