Trong dịp Ramadan, tháng thần thánh của người Hồi giáo, người bán trái cây tại Ai Cập đã lấy tên Tổng thống Mỹ Obama để đặt tên cho những quả chà là chất lượng tốt nhất.
Tại Ai Cập, các cửa hàng có xu thế mới là đặt tên cho những quả chà là chất lượng tốt nhất, xấu nhất nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng và tăng cường tiêu thụ sản phẩm.
Biển chữ Ảrập, nghĩa là chà là loại "Obama" (Ảnh AP)
Vào dịp Ramadan, từ hửng sáng tới khi mặt trời lặn hẳn, người Hồi giáo đều tự giác chấm dứt việc ăn, uống nước, hút thuốc và cả... sinh hoạt nam nữ. Sau một ngày trời “nhịn hoàn toàn”, các gia đình tụ tập để ăn bữa tối, bữa đầu tiên và quan trọng nhất trong ngày, gọi là “Iftah”, sau đó đi nhà thờ, rồi lại về nhà chuẩn bị bữa ăn đêm và bữa sáng sớm ngày hôm sau trước khi mặt trời mọc.
Iftar thường bắt đầu bằng quả chà là và đồ uống ngọt để nhanh chóng cung cấp lại năng lượng.
Ý tưởng lấy tên Obama đặt tên cho hàng chà là tốt nhất tại Ai Cập xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ có bài phát biểu tại Cairo hồi tháng 6, nói rằng ông muốn cải thiện quan hệ giữa Mỹ và người Hồi giáo khắp thế giới. Mối quan hệ này đã trở nên rất căng thẳng trong thời người tiền nhiệm của Obama, George W. Bush. Tên ông Bush đã được đặt cho loại chà là chất lượng tệ nhất trong tháng Ramadan trước tại Ai Cập.
"Chúng tôi yêu quý Obama nên chúng tôi đặt tên ông ấy cho ngày tốt nhất của mình”, Atif Hashim tại cửa hàng bận rộn ở khu mua sắm Cairo cho biết. “Chúng tôi mong muốn ông ấy sẽ góp phần mang lại hoà bình cho thế giới, rằng chúng tôi hy vọng nhiều vào ông ấy".
Những thùng chà là lớn trong cửa hàng của anh có dòng chữ “chà là Obama” bán với giá 5 USD/kg. Thêm một đô la nữa, có thể có loại hàng chất lượng tốt hơn gọi là “siêu Obama”. Hashim đặt tên cho những loại chà là chất lượng kém là “Avidgor Lieberman”, hay “Tzipi Livni” và “Bush”. Tất cả loại này có giá 36 cent/kg.
Năm 2006, rất nhiều người bán hàng ở Ai Cập đã đặt tên loại chà là tốt nhất của họ là Hassan Nasrallah, lãnh đạo nhóm Hezbollah, sau khi danh tiếng ông nổi như cồn với người Ảrập vì các chiến binh Hezbollah đã có trận chiến với Israel.
Năm nay, lần đầu tiên sau 33 năm, Ramadan bắt đầu trong tháng 8. Ngày nhịn ăn bắt đầu từ thứ Bảy ở hầu khắp Trung Đông và châu Á cho dù có Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và một số cộng đồng người Shiite ở Lebanon bắt đầu ngày này từ thứ Sáu.
Ở thị trấn Ramallah, Bờ Tây, người Palestine đã trang hoàng nhà cửa với các ngọn đèn hình trăng lưỡi liềm, hình ngôi sao. Những cửa hàng thì bắt đầu chuẩn bị loại bánh bột đặc biệt và các đồ uống truyền thống trong dịp Ramadan như kharoub, làm từ hạt carob. Quân đội Israel tuyên bố sẽ kéo dài thời gian làm việc ở các điểm kiểm tra để cho phép thêm nhiều người qua lại.
Tại Thành phố Gaza, biển chữ “Chào mừng Ramadan" treo khắp nơi, nhà thờ được cung cấp các tấm thảm lớn để đáp ứng số lượng tín đồ tới cầu nguyện ngày một gia tăng.
Trong khi đó ở Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà thờ lớn còn dựng bếp ăn riêng cung cấp bữa tối cho người nghèo.
-
Kỳ Thư (Theo AP)