Thủ lĩnh giấu mặt của Taliban được tiết lộ. Sự xuất hiện của Baradar - thủ lĩnh giấu mặt - là nguyên nhân của rất nhiều câu hỏi: liệu lãnh tụ một mắt Mullah Mohammed Omar đã chết? Baradar sẽ là một cơn ác mộng mới của người Mỹ, hay là người mang tới một giải pháp hòa bình? Những nhận định của Tạp chí Newsweek.
Lính Mỹ đi tuần ở tỉnh Farah. (Ảnh: Reuters) |
Mạng lưới khủng bố Taliban thường gắn với cái tên Mullah Mohammed Omar. Nhưng 3 năm trở lại đây, người ta không còn thấy sự hiện diện của Omar trước công chúng quốc tế. Trong quãng thời gian vừa qua, người thực sự khiến Mỹ và quân đồng minh điêu đứng lại có tên là Baradar. Một kẻ ma mãnh, ít khi được nhắc tới, nhưng nguy hiểm hơn Omar gấp nhiều lần.
Thủ lĩnh giấu mặt là ai?
Baradar, tên đầy đủ là Mullah Abdul Ghani Baradar, từng là bạn chiến đấu với thủ lĩnh Omar khi quân Xô Viết có mặt ở Afghanistan. Chục năm sau đó, hai tên này cùng nhau về quê hương Omar ở Maiwand. Zaeef, người từng chiến đấu với Omar và Baradar ở Minwand nói rằng: “Quan hệ giữa 2 người khăng khít hơn bất cứ mối quan hệ trong gia đình nào”.
Sau khi Xô viết tan rã và chính quyền thân Liên Xô ở Kabul sụp đổ, Omar và Baradar đã cùng nhau tạo dựng một trường tôn giáo của riêng mình ở Maiwand. Ghê tởm với hành vi bắt cóc và hãm hiếp trẻ con của tên lãnh chúa ở đây, Omar đã lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại với khoảng 30 người, và Baradar lại nằm trong số những người đầu tiên gia nhập đội quân. Phong trào phát triển rộng khắp cho tới khi Omar nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ Afganishtan.
Baradar trở thành cánh tay phải đắc lực của Omar. Con đường “thăng quan tiến chức của Baradar” lên như diều gặp gió, từ chỉ huy trưởng quân đoàn Afganistan ở phía Tây, sau đó là chỉ huy đồn Kabul - nơi mà hắn chỉ đạo cuộc chiến chống lại các tay súng quân mujahedin ở phương Bắc. Muttawakil – một chỉ huy quân du kích cho hay Baradar trở thành người mà Omar tin tưởng và coi trọng nhất. Ngược lại, Baradar tỏ ra rất trung thành với Omar. Trong đợt Mỹ ném bom phá tan trụ sở đầu não Kandahar của Taliban vào tháng 11/2001, chính Baradar đã một mình lái xe môtô đưa Omar tới nơi an toàn.
Baradar – người đại diện của quyền lực cũ hay sự xuất hiện của quyền lực mới?
Trong số hơn 20 cuộc phỏng vấn với các phần tử Taliban, tất cả bọn họ đều nói rằng Baradar không chỉ đơn thuần là người đại diện của thủ lĩnh Omar đang trốn tránh đâu đó. Baradar có quyền lực hơn thế.
Hắn ta có quyền chỉ định hoặc sa thải các sĩ quan chỉ huy và quan chức của Taliban, là tổng chỉ huy Hội đồng Quân sự cấp cao, và chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Shura ở Quetta – thành phố nằm phía Tây Nam Pakistan, nơi mà phần lớn các thủ lĩnh Taliban cấp cao đều đóng tại đây. Có khá nhiều phát ngôn về các chính sách quan trọng được đưa ra dưới tên của Baradar. Quan trọng hơn cả, hắn nắm quyền kiểm soát tài chính của Taliban trị giá hàng triệu USD. “Ông ta là tổng chỉ huy, trên tất cả các mặt: quân sự, chính trị, tôn giáo và cả tài chính”, một chỉ huy du kích cấp dưới ở tỉnh Helmand cho hay.
Baradar đang nỗ lực xây dựng lại Taliban thành mạng tổ chức thiện chiến hơn. Lần hắn xuất hiện gần đây nhất là tháng 12 năm ngoái khi chỉ trích các báo cáo “vô căn cứ” về đàm phán hòa bình của Chính phủ Afganistan và một lần nữa yêu cầu Mỹ và NATO rút quân khỏi nước này. Nhiều phần tử Taliban cho rằng Omar đã chết nhưng Baradar một mực khẳng định “Thủ lĩnh rất khỏe mạnh và vẫn đang dẫn đường cho chúng ta”. Muttawakil, người phụ trách ngoại giao cấp cao đã về hưu của Taliban cho hay “Omar đặt Baradar vào vị trí lãnh đạo. Đây là ý tưởng của chính Omar. Chính sách của ông ta là ông ta sẽ “nằm im” ở một nơi an toàn, vì ông ta là mục tiêu săn đuổi của quân đội Mỹ, và để Baradar ra mặt”.
Baradar không có văn phòng riêng hay làm việc ở một nơi ở cố định. Làm việc 18 tiếng 1 ngày, hắn hiếm khi ngủ 2 lần ở cùng 1 chỗ. Hắn thường di chuyển bằng một chiếc ô tô con, ngoài vỏ xe vẽ biểu trưng của chế độ Taliban đã suy tàn, tiểu vương quốc Afganistan Hồi giáo. Baradar giải quyết mọi công việc trên xe, bao gồm việc đưa ra mệnh lệnh cho cấp dưới, giải ngân cho các hóa đơn, chỉ định và sa thải các thành viên. Mặc dù có thể bị công nghệ nghe trộm của Mỹ phát hiện, Baradar vẫn sử dụng điện thoại di động và thay sim liên tục.
Cơn ác mộng hay giải pháp hòa bình?
“Có nhiều dấu hiệu cho thấy Baradar là một chỉ huy xuất sắc”, giáo sư Thomas Johnson, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Afganistan, đồng thời là cố vấn cho quân đồng minh cho hay. “Hắn ta là một người rất có khả năng, có uy với người khác và hiểu về con người và mảnh đất ở đây hơn rất nhiều so với chúng ta. Hắn quả là một đối thủ đáng gờm”. Các phần tử Taliban cũng đồng ý với nhận định trên. Phần lớn họ cho hay họ thích cách chỉ huy mới của Baradar: hiện đại và hiệu quả hơn. Baradar cũng là thủ lĩnh biết lắng nghe và suy nghĩ thấu đáo hơn Omar.
Baradar quyết định phần lớn các chính sách của Taliban. Cuối năm 2007, hắn ra lệnh cho các cuộc tấn công tập trung vào việc cắt đứt nguồn cung quân sự của Mỹ và NATO. Mùa xuân năm nay, hắn lại đưa ra một kế hoạch mới, mang tên “Nusrat” - nghĩa là “Chiến thắng” nhằm tấn công các vùng Kunduz, Takhar và Badakhshan là nơi trung chuyển vũ khí quân sự từ Uzbekistan và Tajikistan tới. Baradar từng tuyên bố hắn chỉ mong muốn 1 điều duy nhất: gây càng nhiều thiệt hại cho quân đội Mỹ càng tốt. Số binh sĩ Mỹ tử nạn đã lên đến con số “không thể ngờ tới” là 120 người tính đến thời điểm này năm nay, so với 155 người cả năm 2008.
Thế nhưng, những động thái của Baradar lại mở ra hi vọng cho một cuộc đàm phán hòa bình. Vào năm 2004, Baradar đã cử một đoàn đại biểu của Taliban tới gặp Karzai với một đề nghị hòa bình. Cuộc đàm phán không thành công nhưng đầu năm nay, Baradar lại gửi 2 sứ giả hòa bình tới gặp Qayyum Karzai, anh trai của Tổng thống Afganistan.
Một viên tình báo của Taliban cũng cho rằng “Ông ấy không phải là người cực đoan như những thủ lĩnh khác. Nếu cần nói chuyện thương lượng thì Baradar là người tốt nhất mà Mỹ có thể gặp”. Hơn nữa, Baradar cũng là người rất có uy tín trong cộng đồng người Popalzai - tộc lớn và có ảnh hưởng nhất ở Afganistan. Do đó, khi ông ta lên tiếng, ông ta có thể kêu gọi rất nhiều các thủ lĩnh khác tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên khá nhiều người vẫn đang hoài nghi liệu Baradar có thực sự muốn hòa bình hay không. Baradar nói với tờ Newsweek rằng: “Chúng tôi không thấy Afganistan hay thế giới Hồi giáo có được lợi ích gì từ các cuộc nói chuyện như thế này cả”.
-
Ngoc Diệp (Theo Newsweek)