221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1226778
Mỹ xuống giọng, Trung không lên mặt
0
Article
null
Mỹ xuống giọng, Trung không lên mặt
,

 - Có một câu chuyện ngày nay vẫn được nhắc đến trong nghệ thuật ứng xử ngoại giao. Đó là tại một buổi tiệc ở một nước nọ, khi bày món có để sẵn trước mặt mỗi người một bát nước nóng để thực khách tự tráng thìa nĩa nếu thích. Một vị khách nước ngoài tưởng nước uống nên bưng lên làm một ngụm.

Ngay lập tức, vị khách đối diện tự nâng bát của mình uống theo. Nhiều người khác trong mâm cũng làm theo và vị khách ngoại quốc kia tránh được một phen khó xử vì đã uống nhầm nước tráng thìa nĩa.

Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Washington. Ảnh AP 

Có nét gì đó giống câu chuyện đang diễn ra ở Washington, nơi đang diễn ra cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung rất được chú ý. Mỹ có vẻ “mất phong độ” nhưng không vì thế mà Trung Quốc cười nhạo.

Trước cuộc hội đàm lịch sử lần này tại Washington, cuộc đối thoại đầu tiên trong cơ chế mới được thành lập theo thỏa thuận giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hồi tháng 4 vừa qua, ai cũng hiểu thế và lực của Mỹ giờ đây đã khác nhiều hơn trước nên sẽ khó có những lời lẽ hùng hồn với một Trung Quốc đang chống chọi có phần tốt hơn trong khủng hoảng.

Vấn đề thế giới quan tâm là thái độ Trung Quốc sẽ ra sao trong bối cảnh đó? Tận dụng cơ hội để ra oai, để thuyết giảng lại cho Mỹ những bài học về kinh tế, tài chính, về đồng USD, như Mỹ đã từng thuyết giảng nhiều năm qua với Trung Quốc?

Không. Trung Quốc không hề tỏ ra kiêu căng khi vị thế của đối thủ đã có phần sa sút trong khi Trung Quốc đang có phần vững vàng hơn trong cơn phong ba thế kỷ. Ngược lại, có thể nói khi thấy người Mỹ uống một bát nước tráng, người Trung Quốc không cười ồ mà lại tự nhấc bát nước tráng của mình để uống cùng, giúp đối tác đỡ ngượng và tỏ sự thân thiện.

“Thế cuộc giờ như một con thuyền bập bềnh giữa muôn vàn sóng gió khắc nghiệt và chúng ta đang ngồi chung trên con thuyền đó, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay trong khi lợi ích đan xen nhau”, Ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc phát biểu một cách hết sức bóng bẩy.

Và khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình thế kỷ 21 và hai nước cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn hoàn toàn tán đồng và nói rõ thiện chí rằng, “với việc Trung Quốc ngày càng mở rộng và cải cách kinh tế, hợp tác và quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ gần gũi hơn”.

Đó là cử chỉ của những người sẵn lòng làm bạn của nhau, thân thiết hơn. Rõ ràng, Trung Quốc đang muốn làm bạn với Mỹ với mức độ cao hơn.

Quay trở lại bàn nghị sự, lần này hai bên thảo luận hàng loạt vấn đề mang ý nghĩa chiến lược, tổng thể, và lâu dài, không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ song phương mà cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Các cuộc hội đàm xoay quanh những chủ đề như chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran cũng như biến đổi khí hậu. Có thể thấy là hầu hết đều là vấn đề không quá đụng chạm tới các vấn đề nhạy cảm của mỗi bên.

Giữa hai bên vẫn còn nhiều điểm bất đồng. Song Mỹ không còn gay gắt thúc giục Trung Quốc định giá lại đồng nhân dân tệ để tránh làm Mỹ thâm hụt thương mại, và ngược lại, Trung Quốc cũng làm Mỹ yên lòng với những đề cập đến việc có thể mua thêm trái phiếu Mỹ. Hiện Trung Quốc đang nắm giữ một lượng đáng kể khoản nợ của Mỹ, với việc giữ hơn 800 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.

Phía Mỹ dù có nhắc đến vấn đề nhân quyền - vấn đề gai góc trong quan hệ hai nước – song cũng hết sức nhẹ nhàng và ý tứ, khi khẳng định “cả hai nước đều tin rằng cần phải tôn trọng quyền tín ngưỡng và văn hóa của người dân”. Điều này cho thấy Mỹ đã “nhịn” Trung Quốc hơn.

Điều đáng nói là Trung Quốc đã không tỏ ra kẻ cả dù Mỹ đang nhịn và một góc độ nào đó Mỹ đang phụ thuộc vào Trung Quốc về khoản trái phiếu, rất lo ngại Trung Quốc bán ra trái phiếu của mình. Ngược lại, Trung Quốc đã bày tỏ sự chia sẻ rất thân tình.

Có thể thấy cả Trung Quốc và Mỹ lúc này đều ràng buộc kinh tế với nhau chặt chẽ. Điều đó không có nghĩa là họ luôn nhất trí trong mọi vấn đề, nhất là thương mại, nhưng nó có nghĩa, họ chấp nhận gạt bớt những khác biệt khi đối thoại tại những diễn đàn như thế này.

Dường như Trung Quốc đang chủ động làm một người bạn tốt của Mỹ, không lên mặt với Mỹ lúc bạn Mỹ khó khăn. Sau này khi Trung Quốc lâm vào những tình thế nhạy cảm, chắc hẳn Mỹ sẽ nhớ tới “ân tình” của ngày hôm nay và không có những hành động làm khó cho Trung Quốc?

  • Nhật Vy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,