Nhà thầu 52 tuổi không còn hy vọng cứu vãn được công việc kinh doanh. Không thể trả lương công nhân và đương đầu với nguy cơ phá sản, Ausencio C. G. - người mà cảnh sát Tây Ban Nha nhận dạng, đã tới ngân hàng - nhưng không phải để vay tiền.
Đeo găng tay, mang mặt nạ, mặc chiếc áo vet rộng nhằm che hình ảnh trên các camera an ninh, nhà thầu đã lấy đi 80.000 euro từ bốn ngân hàng trước khi bị bắt vào lúc cố đột nhập ngân hàng thứ năm ở gần Barcelona hồi tháng 2.
Cảnh sát bắt giữ kẻ tình nghi trộm cướp ngân hàng (Ảnh nytimes)
Tổng cộng gần 115.000 USD - một nửa số này là của vụ đầu tiên, và được dùng để trả lương cho công nhân, anh ta khai với cảnh sát.
Hiện nằm trong tù để chờ xét xử, nhà thầu đến từ Lleida, một thị trấn cách Barcelona khoảng 150 km về phía Tây, được cho là thành viên một nhóm đang hoạt động tích cực nhất ở quốc gia kiệt quệ vì suy thoái này - nhóm trộm cướp nhà băng.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Tây Ban Nha, các vụ trộm cướp ngân hàng năm 2009 vượt xa so với năm 2007 trong bối cảnh nước này hiện có tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 20%, cao nhất tại châu Âu, nền kinh tế dự báo suy giảm tới 4,2% trong 2009.
“Trong mấy tháng gần đây, rõ ràng rằng Tây Ban Nha đang đối đầu với nạn cướp ngân hàng ngày càng gia tăng”, Francisco Pérez Abellán, Trưởng khoa Tội phạm học thuộc trường Đại học Camilo José Cela ở Madrid nói. “Chúng ta đang chứng mọi người phạm tội vì quá khó khăn,. người trộm cắp lần đầu không thể tiếp tục duy trì cuộc sống và tay đã nhúng chàm”.
Ở khu vực Barcelona, chỉ có 7% số vụ cướp ngân hàng là do những kẻ phạm tội lần đầu thực hiện năm 2008, theo José Luis Trapero, phụ trách đội cảnh sát điều tra khu vực. Con số này đã nhảy vọt lên 20% tới thời điểm này năm nay.
Mặc dù các nhà điều hành ngân hàng cho rằng, chẳng có liên quan nào giữa suy thoái kinh tế với sự gia tăng trộm cướp nhà băng nhưng nhiều nhiều người Tây Ban Nha lại khẳng định, chiều hướng này diễn ra rõ ràng hơn là trùng lặp. Nghiệp đoàn đại diện các nhân viên ngân hàng mới đây đã thuyết phục chính phủ xếp trộm cướp ngân hàng như một nguy cơ nghề nghiệp.
“Người dân bị thất nghiệp, đói kém và tiền thì sẵn có trong ngân hàng, 3 nhân tố đó kết hợp với nhau”, José Manuel Murcia, quan chức của một trong những nghiệp đoàn Thương mại lớn nhất Tây Ban Nha nói. “Các ngần hàng thì từ chối cho vay, nên các công ty gặp vấn đề, và ngày khiến ngày càng nhiều người thất nghiệp. Thêm vào đó, mọi người không thể thanh toán được các khoản thế chấp và cướp ngân hàng là một chọn lựa”.
Lý lẽ nhà điều hành
Bất chấp việc ngày càng có nhiều kẻ phạm tội mới vào nghề như nhà thầu nói trên, các vị lãnh đạo ngân hàng vẫn cố hạ thấp thực tế này, thậm chí còn coi mọi người đã cố phóng đại lên giống John Dillinger - một nhân vật hư cấu từ sức tưởng tượng của công chúng (John Dillinger là nhân vật trong bộ phim Kẻ thù Quốc gia. Đó là tên cướp ngân hàng huyền thoại với những cuộc tấn công như sấm chớp và là người hùng của dân nghèo).
“Đó là một câu chuyện tưởng tượng”, Eduardo Zamora, giám đốc an ninh của Banco Sabadell, ngân hàng lớn thứ tư ở Tây Ban Nha khẳng định. “Nó có thể gây ra hiệu ứng cho những phần khác của xã hội, nhưng tôi tin là khủng hoảng kinh tế không tác động tới nạn trộm cắp”.
Zamora nhấn mạnh, các vụ cướp nhà băng từng phổ biến hơn nhiều trong thời cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90. Theo ông, miễn sao tổng số các vụ cướp ngân hàng không vượt quá 500 vụ một năm, thì “đó là ổn định và kiểm soát được”.
Tổng cộng có 165 vụ cướp trong 4 tháng đầu năm 2009, theo Hiệp hội Ngân hàng Tây Ban Nha. Nhưng Murcia cho là con số thực tế cao hơn nhiều so với dữ liệu mà hiệp hội đưa ra.
Ausencio C. G. đã bám lấy các chi nhánh ngân hàng ít nhân viên, thường là nhân viên nữ và cẩn thận quan sát các động thái của họ và cơ ngơi ngân hàng trước khi hành động.
Kẻ tội phạm này khai với cảnh sát Tây Ban Nha rằng, vụ đột nhập đầu tiên là thành công nhất của hắn với khoản thu 50.000 euro, được chi trả lương nhân viên. Chiến lợi phẩm của các vụ cướp tiếp sau anh ta dùng chi trả cho nhu cầu của mình, phí tổn sinh hoạt gia đình kể cả khoản chu cấp cho con gái học ở London.
Trong khi “mẫu hình kẻ cướp nhà băng” thường là nam giới, sinh ra ở Tây Ban Nha, độ tuổi trên 35, thường hành động độc lập và nhằm vào các ngân hàng cách nhà không xa, thì theo ông Pérez Abellán, giáo sư khoa tội phạm học Madrid, hiện nay, một làn sóng cướp nhà băng mới cũng đang nổi lên.
Đây là những tên tội phạm xuất thân từ hàng triệu công nhân trình độ thấp, đến từ Mỹ Latin, Đông Âu và nhiều nơi khác trước khi làn sóng bùng nổ xây dựng ở Tây Ban Nha sụp đổ.
“Họ hình thành nên một kiểu mới với kỹ năng mới, làm gia tăng mức độ bạo lực và tốc độ trộm cướp ngân hàng”, Pérez Abellán nhận xét.
Một nhóm 4 thợ sơn tới từ Nam Mỹ đã tổ chức cướp nhà băng hồi tháng 3, bắt cóc một giám đốc ngân hàng cùng gia đình ông ta gần Barcelona và giữ họ qua đêm trước khi buộc ông giám đốc mở hầm nhà băng và chuyển cho chúng hơn 150.000 euro, tương đương với gần 215.000 USD.
Nhóm thợ sơn này, những kẻ chưa hề có hồ sơ phạm tội ở Tây Ban Nha, đến từ Brazil và Argentina. Họ bị bắt giữ tháng trước, vẫn mang đồng phục thợ sơn và đem theo một thùng sơn giấu súng săn, đạn và súng ngắn ở ghế sau xe khi cố gắng làm vụ cuối cùng trước khi trở lại Nam Mỹ cùng của cải cướp được.
Năm 2007, 87% số vụ cướp ngân hàng được làm sáng tỏ, so với 72% năm ngoái. Tới thời điểm này năm 2009, chỉ phân nửa số vụ có kết quả.
Trapero, nhà hoạt động kỳ cựu với 19 năm công tác đã rất kiên nhẫn theo dõi “con mồi” của mình. “Thường phải mất vài tháng hoặc thậm chí hàng năm để giải quyết một số vụ", ông cho hay. “Có một số tội phạm rất khôn ngoan, để ý gần như mọi chi tiết nhưng lại vấp sai lầm vào phút cuối”.
-
Kỳ Thư (Theo NYtimes)