Lang thang trên các con phố ở Seoul với hy vọng tìm ra một cửa hiệu xăm, thậm chí là ở khu vực ngoại ô của dân hippi, nơi hàng trăm thợ xăm mình đang sống, cũng chỉ tốn công vô ích. Bạn phải biết cách tìm. Ban đầu, bạn phải tìm kiếm trên mạng, sau đó móc nối với một thợ xăm mình để được chỉ dẫn tới một địa điểm bí mật và cuối cùng ngồi xuống ghế để được xăm.
Ngồi ở một cửa hiệu xăm mình dưới lòng đất với hai tay bắt chéo trước ngực, thợ xăm Kang Un, 37 tuổi giải thích tại sao mọi chuyện lại phải lòng vòng như vậy. Thực tế, ở Hàn Quốc không có luật cụ thể nào đề cập tới xăm nhưng luật y tế quy định chỉ có bác sĩ mới được phép chọc tiêm vào da ai đó. Nói một cách khác, để trở thành thợ xăm chính quy ở Hàn Quốc, bạn phải có bằng bác sĩ.
Ở Hàn Quốc, xăm mình đã từ lâu bị coi là một dấu hiệu của bạo lực, là thành viên của băng nhóm xã hội đen, hoặc ít nhất là nhằm tỏ ý thách thức văn hoá chính thống. Trong suốt một thời gian dài, số người muốn xăm không nhiều và việc xăm ở một cửa hiệu bất hợp pháp phần nào hợp với bản chất nổi loạn của nó.
Tuy vậy, trong những năm gần đây, nhiều người Hàn Quốc bắt đầu coi hình xăm là một công trình nghệ thuật và là một thông điệp thời trang. Các thợ xăm bắt đầu kêu gọi lập ra các quy định và hợp pháp hoá ngành này dù cho tới giờ, hầu hết các tiệm xăm đều hoạt động bất hợp pháp.
"Giữa thực tế và luật định là một khoảng cách rất lớn", Kang cho biết. Người này bắt đầu nghề xăm chuyên nghiệp cách đây 8 năm và hiện giờ là bậc thầy về lĩnh vực này.
Bất chấp lối vào giống như đường hầm với các bức tường phủ kín hình trang trí nghệ thuật kiểu graffito, studio của Kang được trang bị đầy đủ bàn làm việc và chỗ để xăm. Kang cho hay, mình là thợ xăm duy nhất có hai cửa hàng và một studio, nơi những người hướng dẫn có thể tổ chức lớp.
"Khi bắt đầu học xăm, tôi thậm chí còn giấu gia đình", Kang nhớ lại. Hoạ sĩ này cho biết, thái độ của mọi người với hình xăm đã thay đổi rất nhiều kể từ đó.
Theo Kang, một trong những thời điểm dẫn tới thay đổi quan niệm về hình xăm là năm 2002 khi Hàn Quốc là nước chủ nhà tổ chức World Cup. Việc chứng kiến các ngôi sao bóng đá nổi tiếng có hình xăm đã khiến mọi người nhận thấy rằng chả có gì sai nếu xăm mình.
Số khách hàng muốn xăm mình ngày nay cũng rất đa dạng, từ bác sĩ, ngôi sao tới cố vấn thương mại và thậm chí có cả những người lính. Gần đây, quân đội Hàn Quốc bắt đầu cho phép nam giới xăm mình được thực hiện nghĩa vụ quân sự song sự chấp nhận này cũng có giới hạn. Những người có hình xăm chiếm 2/3 cơ thể sẽ không được làm lính chính quy và được phái sang ngành khác.
"Những người có nhiều hình xăm thường có xu hướng gặp rủi ro cao khi tiếp xúc với vũ khí có tính sát thương và do đó chúng ta có xu hướng loại trừ họ, giống như chúng ta làm với tội phạm", Kwak Yu-suk, một quan chức thuộc Cục nhân sự quân đội cho hay.
Kang và lối vào cửa hiệu xăm mình |
Những suy nghĩ giống như vậy đang chết dần, nhưng Kang biết vẫn còn nhiều việc phải đương đầu. Cửa hàng của Kang và 400 thợ xăm khác ở quận Hongdae, được coi là khu vực văn hoá sôi động nhất ở Hàn Quốc.
Hiện, ở Hàn Quốc chưa có thống kê chính thức về số thợ xăm hình nhưng Kang và các thợ khác ước tính có khoảng 20.000 người. Con số này không bao gồm số thợ trang điểm chuyên nghiệp, khoảng 100.000 tới 200.000 người cũng đang hoạt động bất hợp pháp.
Nếu bị cơ quan hành pháp bắt gặp, mà cơ quan này thường xuyên tiến hành kiểm tra, chủ cửa hiệu xăm bất hợp pháp sẽ bị phạt từ 500 tới 10.000 USD.
Thứ mà người đàn ông 37 tuổi muốn là có một tiếng nói cho ngành xăm mình. Kang muốn chứng kiến ngày mà Hàn Quốc thiết lập một hệ thống cấp phép giống như Mỹ và cho phép tất cả các thợ xăm mình được hoạt động công khai.
Kang cho biết, anh lo ngại rằng với nhu cầu đang ngày càng tăng và số thợ xăm không được đào tạo mọc lên như nấm, các khách hàng sẽ đối mặt với mối nguy cao hơn.
Một trong số rất ít thợ xăm có bằng bác sĩ cũng đồng ý với Kang. Kwon Yong-hyun là bác sĩ chuyên khoa da liễu, bất ngờ bước sang nghề xăm mình khi vẫn còn theo học ở trường Y. Kwon hiện điều hành một phòng mạch chuyên về da liễu ở ngoại ô Seoul và cung cấp các dịch vụ như diệt lông bằng laser, các liệu pháp chống lão hoá và xăm.
Kwon cho hay, khoảng 5% số khách của anh tới để xăm và gần gấp 4 số đó muốn xoá hình xăm. Thông qua các hành khách, Kwon thấy được xu hướng đang thay đổi. Các mẫu xăm trở nên đẹp hơn, tỉ mỉ hơn và lý do để xăm thì có vô vàn.
Kwon nghĩ tại sao chỉ có bác sĩ mới được phép làm hình xăm cho khách một cách hợp pháp. Người này cho rằng chừng nào các quy định về an toàn và vệ sinh được đáp ứng thì không có lý do gì để hạn chế các thợ xăm hành nghề. Dù coi mình là may mắn khi có bằng cấp về y dược, Kwon thấy rằng ý tưởng đó không thực tế. "Nếu họ nói chỉ có bác sĩ mới có thể làm được, thì có nghĩa là không ai có thể làm được".Kwon học nghề từ một thợ xăm ở quận Hongdae nhưng có rất nhiều người cũng có thể học nghề này.
"Nếu mọi thứ không thay đổi, chúng ta sẽ thấy có nhiều nạn nhân", Kang nói.
Kang có nhiều ý tưởng về cách hợp pháp hoá ngành này và đã đổ sức nghiên cứu cả luật xăm hình ở các nước khác. "Văn hoá xăm đang trong giai đoạn chuyển giao. Nhưng vấn đề là tôi không rõ sẽ mất bao nhiêu năm để nó được hợp pháp hoá".
-
Hoài Linh (Theo Global Post)