221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1225401
Obama sẽ làm gì với "ngõ cụt" Trung Đông?
0
Article
null
Obama sẽ làm gì với 'ngõ cụt' Trung Đông?
,
Bước đầu tiên trong các nỗ lực của Tổng thống Barack Obama là khởi động tiến trình hòa bình Israel - Palestine, được gọi là giai đoạn tạo dựng lòng tin. Mặc dù kết quả không như mong đợi, ông chủ Nhà Trắng chẳng còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục dấn bước.

Một phụ nữ Palestine bước cạnh hàng rào an ninh gây tranh cãi của Israel ở al-Ram, Bờ Tây. (Ảnh: Reuters)
Một phụ nữ Palestine bước cạnh hàng rào an ninh gây tranh cãi của Israel ở al-Ram, Bờ Tây. (Ảnh: Reuters)

Phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ George Mitchell, sẽ tới khu vực trong tuần này giữa thời điểm có nhiều thông tin rằng Washington đang chuẩn bị phác thảo một tiến trình đàm phán mới, có thể là đặt ra biểu thời gian cố định để giải quyết các vấn đề.

Tuy nhiên, sự ngờ vực lẫn nhau giữa Israel và Palestine trong thời gian qua cho thấy họ chưa sẵn sàng bước vào đàm phán.

Nhận rõ tính khẩn thiết phải đạt được giải pháp hai nhà nước, Tổng thống Obama đã nhanh chóng khởi động một tiến trình hòa bình vốn đã lụi tàn dưới thời George W. Bush. Ông yêu cầu Israel phải tỏ thiện chí bằng cách ngừng xây dựng các khu định cư bên ngoài đường biên giới năm 1967 của nước này, và đề nghị các quốc gia Ảrập hợp tác bằng cách cho phép máy bay thương mại Israel sử dụng không phận của họ và nới lỏng các hạn chế visa.

Thế nhưng, kết quả của giai đoạn khởi động không như mong muốn.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thẳng thừng từ chối yêu cầu ngừng xây dựng các khu định cư và ông đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ trong nước về quyết định này.

Chuyến thăm của phái viên Mitchell là nhằm đạt được một thỏa thuận về vấn đề này để cả hai bên có thể chấp nhận - Israel muốn hoàn tất khoảng 2.500 căn nhà đang xây dở và không muốn ngừng xây dựng ở Đông Jerusalem.

Mặc dầu một cơ chế chia đôi Jerusalem là giải pháp "cuối cùng" mà tiến trình hòa bình đưa ra kể từ Hiệp ước Oslo, Thủ tướng Israel vẫn muốn hơn thế. Phản ứng trước áp lực của Mỹ phải ngừng kế hoạch xây dựng khu định cư ở phía đông của thành phố này, hôm 19/7, ông Netanyahu khẳng định rằng quyền kiểm soát của Israel đối với Jerusalem là không thể thương lượng.

Chưa rõ Washington có chấp nhận hay không. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người trước đó tuyên bố sẽ không có một ngoại lệ nào cho yêu cầu ngừng xây dựng khu định cư, đã nói rằng bà "chắc chắn sẽ không giẫm lên các cuộc đàm phán bằng bất cứ giá nào" cho đến khi có kết quả đàm phán chính thức.

Lời bình luận này cùng hàng loạt các dấu hiệu khác từ chính quyền Obama đã khiến nhiều người Israel và Palestine cho rằng Tổng thống Mỹ đã buộc phải nhượng bộ ở một mức độ nào đó.

Obama và Clinton, mới đây, nhấn mạnh rằng Washington đang vận động các quốc gia Ảrập nhượng bộ Israel song ngay cả các đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực dường như cũng không sẵn sàng mở lòng với nhà nước Do Thái chỉ đơn giản vì Tel Aviv tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo "lộ trình hòa bình" do ông Bush đề xuất năm 2003.

Sự nghi ngờ bao trùm các thủ đô Ảrập về cam kết của ông Netanyahu về vị thế một nhà nước Palestine - một nguyên tắc mà ông này chấp nhận một cách miễn cưỡng và có điều kiện do chịu áp lực từ Obama (và nhiều người còn tin rằng Netanyahu không có ý định thực hiện nó). Những phản ứng mới đây của Thủ tướng Israel càng làm cho sự nghi ngờ này gia tăng. 

Về phần mình, bản thân người Israel cũng không tin các ý định của phía Palestine.

Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Netanyahu, Uzi Arad, đã tỏ rõ sự coi thường trước các nỗ lực xúc tiến một giải pháp hai nhà nước của chính quyền Obama. Ông này nói rằng cuộc xung đột sẽ không thể kết thúc một sớm một chiều bởi vì người Palestine, trong đó có Tổng thống Mahmoud Abbas, không quyết tâm chấm dứt nó.

"Thậm chí cả những người ôn hòa trong số họ cũng không thực sự muốn một thỏa thuận", ông Arab bình luận. "Đa số họ đang cố gắng chỉ để tiếp tục đối đầu ở một vị thế tốt hơn".

Dù ý định của Tổng thống Abbas là gì, sự yếu kém về chính trị của ông cũng đã làm mất đi vai trò là một người đối thoại uy tín của mình. Ông đang dính vào cuộc đấu tranh quyền lực với Hamas, phong trào không chỉ kiểm soát Gaza mà còn là tổ chức điều hành cơ quan lập pháp  của Palestine. Không những thế, ảnh hưởng của Abbas trong chính đảng Fatah của ông cũng ngày một phai nhạt.

Giờ đây, trên bình diện quốc tế, dư luận tự thấy rằng không một tiến trình hòa bình nào đáng tin cậy nếu không có sự đồng ý của Hamas, tổ chức mà Israel đã phải chấp nhận đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và về yêu cầu trả tự do cho người lính Do Thái bị bắt cóc, Gilad Shalit.

Các lãnh đạo của phong trào này tin chắc Israel sẽ đạt tới một thỏa thuận với Hamas để có được tự do cho Shalit và nới lỏng lệnh phong tỏa Gaza bởi cả hai đều được lợi từ một thỏa thuận như vậy. Và thực tế, chẳng bên nào quan tâm nhiều đến việc liệu làm thế có khiến quyền lực của Abbas suy yếu hay không.

Các cuộc hội đàm do Ai Cập làm trung gian nhằm hòa giải Hamas và Fatah vẫn đang tiếp tục song được cho là sẽ đạt rất ít tiến bộ bởi Hamas không muốn nhượng bộ như Fatah yêu cầu.

Hamas tin rằng phong trào này có sự ủng hộ cả từ người Palestine và cộng đồng quốc tế. Ngay tuần vừa qua, có thông tin rằng Thomas Pickering, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã gặp các lãnh đạo Hamas mặc dầu chính quyền Obama luôn khẳng định họ sẽ không bắt tay với Hamas cho đến chừng nào tổ chức này từ bỏ bạo lực, công nhận Israel và tuân thủ các thỏa thuận được ký kết trước kia.

Trong khi đó, ông Abbas đang phải chịu sức ép rất lớn từ chính các lãnh đạo của Fatah. Ngay cả trong một viễn cảnh tốt nhất về sự hòa giải giữa Hamas và Fatah, người Palestine sẽ vẫn phải tổ chức bầu cử vào tháng 1 năm tới - và  có thể Hamas lại dễ dàng giữ được vị trí nắm quyền. (Netanyahu tuyên bố ông sẽ không làm việc với một chính quyền Palestine có Hamas).

Dù sao, chính quyền Obama cũng ý thức rất rõ rằng thời gian tiến tới một giải pháp hai nhà nước ngày càng rút ngắn trong khi người dân ở hai bờ xung đột mất niềm tin vào khái niệm này và vào trình đàm phán.

Sự hiện diện mỗi ngày một lớn của Israel ở Đông Jerusalem và Bờ Tây trong những năm gần đây đã bào mòn lòng tin về các triển vọng một nhà nước Palestine trong khu vực. Ý tưởng giải quyết cuộc xung đột dựa trên sự thành lập hai nhà nước - khái niệm đã đi vào xu thế chính trị chủ đạo từ cách nay gần 2 thập niên - có thể đã tới ngày mãn hạn.

Vì vậy, chính quyền Obama được cho là sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo cho dù Israel và Palestine không tin tưởng lẫn nhau. Giai đoạn đó đòi hỏi phải xác định một tiến trình đàm phán nào đó theo một biểu thời gian cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề then chốt: vạch đường biên giới chung giữa Israel và nhà nước Palestine, các điều kiện chủ quyền lãnh thổ Palestine, cách thức chia tách Jerusalem và số phận của người tị nạn Palestine.

Tuy nhiên, trước kia cả hai bên đã trải qua một tiến trình như vậy mà không đạt kết quả. Đối với nhiều nhà quan sát Trung Đông, câu hỏi chính là liệu Obama có đặt ra thời hạn chót cho những cuộc đàm phán như vậy hay không. Và kế hoạch của Washington là gì trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận.

  • Thanh Hảo (Theo TIME)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,