Ngày 20/7, Mỹ và Ấn Độ đã đồng ý ký kết một hiệp ước quân sự mà theo đó Mỹ sẽ bán các loại vũ khí tối tân cho quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ dự định chi 30 tỷ USD để hiện đại hoá quân đội trong 5 năm tới. (Ảnh AFP) |
Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna cho biết hiệp định này cho phép Ấn Độ mua kỹ thuật và thiết bị quốc phòng của Mỹ cho quá trình hiện đại hoá quân đội.
Được biết đến với tên gọi hiệp ước "giám sát sử dụng cuối cùng" và bắt buộc theo luật pháp Mỹ đối với việc buôn bán các loại vũ khí, hiệp ước này sẽ cho phép Washington kiểm tra việc New Delhi sử dụng bất cứ loại vũ khí nào cho mục đích đã định và ngăn cản việc "rò rỉ" công nghệ sang các quốc gia khác.
Ấn Độ dự định chi hơn 30 tỷ USD để nâng cấp hệ thống quân đội trong vòng 5 năm tới, trong đó khoảng 10 tỷ dùng để mua 126 máy bay chiến đấu đa dụng.
Được biết, New Dehli cũng cho phép công ty Mỹ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ấn Độ.
Các thoả thuận này được coi là thành tựu của lớn bà Hillary Clinton trong chuyến công du Ấn Độ đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ và cũng phản ánh cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama nâng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trên trường quốc tế.
Ngoài ra, chúng cũng mang lại những lợi ích lớn cho các công ty của Mỹ như tập đoàn Lockheed Martin và Boeing.
Hai công ty quốc phòng này của Mỹ vẫn đang cạnh tranh với nhiều công ty quân sự ở nhiều quốc gia Nga, Pháp, Thuỵ Điển, Anh… để cung cấp 126 máy bay chiến đấu đa chức năng cho Ấn Độ. Đây sẽ là một trong những hợp đồng vũ khí lớn nhất trên thế giới khi Ấn Độ tiến hành hiện đại hoá kho vũ khí lớn do Nga sản xuất của mình.
Ngoài ra, hai nhà máy hạt nhân chiếm hứa hẹn những bản hợp đồng có trị giá lên tới 10 tỷ USD cho công ty xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Mỹ như General Electric và Westinghouse Electric, một chi nhánh của Tập đoàn Toshiba của Nhật.
-
Nhật Vy (Theo Reuters, BBC, AFP)