221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1225052
Quan hệ Mỹ - Ấn nồng ấm hơn, có phần vì Trung Quốc?
0
Article
null
Quan hệ Mỹ - Ấn nồng ấm hơn, có phần vì Trung Quốc?
,

- Những lời “có cánh” của bà Clinton dành cho Ấn Độ dịp cuối tuần này lại làm dấy lên những dự đoán rằng, Mỹ muốn nâng cao quan hệ với Ấn Độ vì mục tiêu chiến lược là kìm hãm Trung Quốc.

Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đến thăm Ấn Độ. Ảnh Reuters.


Những lời “có cánh” của bà Clinton dành cho Ấn Độ

Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tối ngày 17/7 đã đến Mumbai, bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ ba ngày nhằm thắt chặt các mối quan hệ chiến lược với quốc gia Nam Á này.

Ngày 18/7, bà Clinton tới thủ đô New Delhi để hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao nước chủ nhà, trong đó có Thủ Tướng Manmohan Singh, về phương thức hợp tác chiến lược được bắt đầu bằng hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự năm 2005.

Các cuộc hội đàm này đề cập tới những vấn đề như: chính sách ngoại giao, y tế, giáo dục, kinh tế, biến đổi khí hậu và năng lượng. Tất nhiên, vấn đề không thể thiếu trong các cuộc hội đàm là cùng chung sức chống lại khủng bố.

"Hôm qua chúng ta lại vừa chứng kiến bom nổ ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Điều đó một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, nguy cơ khủng bố cực đoan vẫn hiện hữu rất gần và do đó cần chung sức chống lại, ngăn chặn chúng”, bà Clinton phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô New Delhi.

Bà Clinton cũng không ngần ngại ca ngợi Ấn Độ với vai trò toàn cầu về thương mại, kiểm soát vũ khí và biến đổi khí hậu và do vậy có lợi ích gắn bó với nước Mỹ.

"Chúng ta có chung nhận thức về tình đoàn kết và sự cảm thông. Chúng ta đã chia sẻ và vượt qua những ngày khó khăn, như đã từng chia sẻ sau vụ 11/9", bà Clinton phát biểu.

Quan hệ Mỹ - Ấn nồng ấm hơn, có phần vì Trung Quốc?

Phía Ấn Độ gần đây đã có lần tỏ ý rằng kể từ khi ông Obama lên nắm quyền, nước Mỹ có phần lạnh nhạt với Ấn Độ.

Đáp lại, với chuyến thăm và những lời “có cánh” của bà Clinton lúc này, thông điệp đã khá rõ ràng với Ấn Độ, và với cả thế giới, rằng Mỹ vẫn coi Ấn Độ là một trong số ít những đối tác toàn cầu, hợp tác trong cả những lĩnh vực gai góc và nhạy cảm nhất, trong đó có cả chống khủng bố.

Mỹ đang và sẽ mở rộng hơn nữa quan hệ với Ấn Độ, dường như không phải chỉ vì họ “có chung nhận thức về tình đoàn kết và sự cảm thông”, như lời bà Clinton vừa nói.

Mỹ đề cao quan hệ với Ấn Độ trong bối cảnh, Ấn Độ đang là thế lực mới, khá to lớn và có tiềm năng mạnh mẽ, là đối trọng gần như duy nhất tại châu Á có đủ sức để so vai với Trung Quốc – một thế lực mới mà Mỹ không ngừng quan tâm, và cả lo ngại, trong nhiều năm gần đây.

Trên thực tế thì nhiều năm trở lại đây, sự tiến bộ của Trung Quốc gần như được nhắc tới cùng lúc với những gì đang xảy ra ở Ấn Độ.

Chẳng hạn, Trung Quốc tăng trưởng kinh tế nhanh thì Ấn Độ cũng phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí nhiều lĩnh vực không có chỗ cho Trung Quốc cạnh tranh, chẳng hạn phát triển phần mềm. Trung Quốc có tàu ngầm mới thì Ấn Độ cũng nâng cấp các hạm đội viễn dương âm thầm mà liên tục. Trung Quốc ngày càng gắn bó với Nga thì Ấn Độ cũng không để Nga quên đi mối quan hệ truyền thống có từ thời Chiến tranh lạnh giữa Ấn Độ với quốc gia Xô viết…

Có thể nói, ở châu Á nhiều biến động, Ấn Độ có nhiều nét tương đồng nhưng cũng là đối trọng đủ sức nhất có thể kìm hãm được Trung Quốc.

Do vậy, có những dự đoán rằng, Mỹ muốn nâng cao quan hệ với Ấn Độ còn có một mục tiêu chiến lược khác, đó chính là kìm hãm sức mạnh càng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Ấn Độ Dương là con đường huyết mạch vận chuyển năng lượng của Mỹ đồng thời lại là phạm vi thế lực của Ấn Độ. Do đó, Mỹ và Ấn Độ không lúc nào ngơi mắt theo dõi các động thái của Trung Quốc trên vùng biển Ấn Độ Dương và những vùng lân cận.

Và với lợi ích gần gũi với nhau như thế, đã dần hiện ra những động thái phối hợp dần dần giữa Mỹ và Ấn Độ để ngăn chặn từ xa những ảnh hưởng có thể xảy ra mà Mỹ và Ấn không mong muốn.

Chuyến thăm và những lời “có cánh” của bà Clinton có thể là động thái rõ nét nhất trong thời gian qua.

Vậy nên bây giờ thế giới có lẽ đang chờ đợi phản ứng của Trung Quốc hơn là chờ nghe những tuyên bố chung mà chắc chắn Mỹ - Ấn sẽ đạt được vào cuối chuyến thăm của bà Clinton.

  • Nhật Vy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,