221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1223070
Năm cột trụ trong chính sách đối ngoại của Obama
0
Article
null
Năm cột trụ trong chính sách đối ngoại của Obama
,

Bài phát biểu trước Quốc hội Ghana của tổng thống Obama đã cho thấy những điểm chính yếu trong tham vọng đối ngoại của ông. Với 4 bài phát biểu lớn về các vấn đề quốc tế và những chuyến công du nước ngoài, tạp chí Time cho rằng học thuyết đối ngoại Obama đã hé lộ.

 

Tổng thống Obama tại Quốc hội Ghana ngày 11/7 (Ảnh: Time)

Obama đã công du khắp thế giới, từ Riyadh cho đến Cairo, từ London cho đến Moscow, và ông đã dự định sẽ thăm Trung Quốc và những nước khác ở châu Á vào mùa thu tới, chỉ cho cả thế giới thấy tầm nhìn của ông trong các vấn đề quốc tế, những quyết tâm ngoại giao, và hình ảnh một nhà lãnh đạo đầy sức lôi cuốn. Ông đã thể hiện những cái mà ông hy vọng sẽ trở thành một đặc tính mới trước công chúng của nước Mỹ, không phải là một nhà lãnh đạo toàn cầu mà là một người hỗ trợ toàn cầu, không phải là một vị cứu tinh mà là một đối tác có trách nhiệm.

Điều chúng ta thấy rõ chính là một học thuyết Obama mới, gồm 5 điểm sau:

Vấn đề tiểu sử cá nhân

Trong chiến dịch tranh cử, Obama nói với cử tri Mỹ rằng nếu ông thắng cử, việc ông là tổng thống da màu đầu tiên của tổ tiên người da đen và lại được nuôi dưỡng ở nước ngoài sẽ làm thay đổi sự đa dạng về mặt địa chính trị của nước này. Kể từ khi thắng cử, ông đã làm việc không mệt mỏi để thực hiện tốt lời hứa này, liên tục nói về tiểu sử cá nhân của ông. Ở châu Phi, ông nói về việc ông nội người Kenya của ông đã phải trải qua sự hà khắc của chế độ thực dân như thế nào, và ở Cairo, ông nói về thời thơ ấu của mình ở Indonesia, một quốc gia hồi giáo đông dân nhất thế giới. Trên diễn đàn quốc tế cũng như trong nước, ông đều thể hiện mình là hiện thân của sự thành công của tài năng, điều có thể xảy ra trong những xã hội tự do và cởi mở. "Tôi có dòng máu của châu Phi chảy trong mình. Và câu chuyện của gia đình tôi chứa đựng cả những thảm kịch và vinh quang của một câu chuyện rộng lớn hơn về châu Phi", ông nói tại Ghana. Khó mà có thể quên được bức thông điệp của ông: Nếu tôi làm được, bạn cũng có thể làm được. Đó là bức thông điệp nhằm thẳng vào người dân trên khắp thế giới.

Tập trung vào sự tương đồng hơn là khác biệt

Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Obama chính là những bài học lý thuyết mà ông rút ra được từ khi là người chuyên hoạt động cộng đồng ở Chicago: lắng nghe những quan điểm khác nhau, hiểu những động cơ khác nhau và rồi tập trung vào sự tương đồng chứ không phải khác biệt. Ông nhắc đi nhắc lại điệp khúc này ở những nơi ông đến. "Nước Mỹ và Nga có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt", Obama nói tuần trước sau khi gặp tổng thống Dmitry Medvedev ở Kremlin. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 4 ở Trinidad, ông nói rõ về tư duy của mình, mô tả cách tiếp cận tập thể đối với các vấn đề ngoại giao có thể loại bỏ "những định kiến cũ rích hoặc những thứ giáo điều về hệ tư tưởng". "Các nước sẽ có những mối quan tâm khác nhau. Và những thay đổi trong cách tiếp cận về đối ngoại của tôi sẽ không khiến cho những mối quan tâm vốn khác với chung tôi biến mất. Mà nó có nghĩa là họ sẽ muốn hợp tác hơn là không hợp tác".

Chủ nghĩa thực dụng thường chiếm ưu thế hơn lý tưởng chủ nghĩa

Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu vừa rồi, khi được hỏi ông sẽ giải quyết thế nào đối với sự xung đột về mặt tư tưởng giữa việc tôn trọng chủ quyền quốc gia và việc can thiệp vào nước khác để bảo về quyền của những con người bị áp bức, ông đã nói: "Cái ngưỡng mà sự can thiệp quốc tế có thể được coi là hợp lý phải rất cao. Phải có sự vi phạm quốc tế mạnh mẽ đối với những thứ đang diễn ra ở quốc gia đó. Đó không phải lúc nào cũng là một quyết định rõ ràng". Cách tiếp cận đàm phán của Obama cũng cho thấy sự thực dụng hiển hiện. Ông đã loại bỏ thói quen của tổng thống Bush là trừng phạt những hành động mà Mỹ cho là sai trái của nước ngoài bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao hoặc đe dọa chấm dứt đối thoại trực tiếp. Vài tuần sau bạo loạn ở Iran, tổng thống nói rằng ông vẫn hy vọng các nhà lãnh đạo của nước này sẽ gặp ông tại bàn đàm phán trước tháng 9 để thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran.

Mỹ chỉ là một trong số nhiều nước

Ông Obama luôn cho rằng số phận của Mỹ gắn chặt với số phận của các nước đang phát triển. Ông cũng nói rằng mặc dù Mỹ luôn hướng tới một xã họi cởi mở, nước Mỹ sẽ không áp đặt quan điểm điều hành đất nước của họ lên nước khác. Tại Strasbourg, Pháp, hồi tháng 4, ông Obama đã mô tả quan điểm này, cho rằng chẳng ảnh hưởng gì tới vị trí ngoại hạng của Mỹ trên thế giới khi nói rằng nước Mỹ không dẫn đầu thế giới. "Cái thực tế là tôi tự hào về đất nước tôi và tôi nghĩ rằng chúng tôi có rất nhiều thứ mang lại cho thế giới, không làm giảm mối quan tâm của tôi đối với việc thừa nhận những giá trị và phẩm chất tuyệt vời của các nước khác, hoặc thừa nhận rằng không phải lúc nào chúng tôi cũng đúng, và rằng người khác có thể có ý kiến hay và để tất cả có thể làm việc với nhau, các bên đều phải thương lượng, cả chúng tôi cũng vậy".

Thu hút giới trẻ

Tổng thống Obama đã hành xử giống như một thủ lĩnh tinh thần của giới trẻ. Đến bất cứ nước nào, ông cũng thu hút được thanh niên, thường nói chuyện trực tiếp với họ. "Bạn phải quyết định điều gì sẽ diễn ra. Bạn phải lựa chọn sự thay đổi sẽ đưa chúng ta đến đâu", ông nói ở Moscow. "Ở những nơi như Ghana, những người trẻ chiếm hơn nửa dân số. Thế giới do tay các bạn định đoạt", Obama nói tại châu Phi. Trong chính trị, nói chuyện với giới trẻ là một chiêu thức không mới. Nhưng đối với Obama, nó cho thấy một niềm hy vọng lớn hơn: những thay đổi mà ông nói tới sẽ thành hiện thực và sẽ bền vững.

  • Quang Thuận (theo Time)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,