- Barack Obama và Dmitri Medvedev, hai tổng thống của hai đối thủ thời chiến tranh lạnh, đã chào đón nhau như những người bạn cũ vào ngày 6/7 và trò chuyện vui vẻ về thời tiết.
Tổng thống Obama và người đồng cấp Medvedev tại Moscow. (Ảnh: AP) |
“Thậm chí thời tiết cũng ủng hộ mối hữu hảo giữa chúng ta”, Tổng thống Nga nói tại phòng khách của điện Kremlin, với một giọng điệu đầy lạc quan trong một ngày mưa phùn ở Moscow. Ông Obama cũng đáp lại: “Công việc của chúng ta cũng sẽ tốt đẹp trong ngày hôm nay”.
Vì vậy quan hệ Nga-Mỹ trong suốt năm sẽ như sau: mỗi một trở ngại xảy ra sẽ được coi như một cơ hội thúc đấy quan hệ hai bên. Cuộc đối đầu trước đây trở thành những thách thức “đáng trọng”, cơn mưa dông lại thành một lý do khác để mỉm cười. Tiếp sau những thập kỷ đối đầu thời chiến tranh lạnh và những hậu quả của nó, Obama và Medvedev, bằng nỗ lực của mình, đã có những bước đi chính trị đáng kể để hàn gắn quan hệ giữa Washington và Moscow và vượt lên trên trận chiến của quá khứ. Obama nói về việc ấn nút “tái khởi động” trong quan hệ Nga-Mỹ; còn người đồng cấp thì tìm kiếm một mức độ hợp tác “thực sự xứng đáng của thế kỷ 21”.
Vào cuối ngày, nắng đã chiếu vàng rực rỡ và sau 3 giờ đàm đạo với nhau, 2 nhà lãnh đạo đã ký 3 thỏa thuận, 3 bản tuyên bố chung và việc lập ra một ủy ban song phương với trọng trách “thiết lập cơ sở mới” cho sự hợp tác đôi bên. Medvedev đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu một số loại gia cầm của Mỹ, và cả 2 nước đều cam kết sẽ tiếp tục đàm phán từ dịch cúm A/H1N1 và vấn đề CHDCND Triều Tiên cho đến kho tên lửa hạt nhân và những tù binh từ thời chiến tranh thế giới thứ 2.
Đáp ứng những ưu tiên tức thời của Mỹ, có một hiệp định quan trọng cho phép 4.500 chuyến bay quân sự của Mỹ được bay qua Nga để cung cấp vũ khí cho NATO thực hiện chiến dịch ở Afghanistan – đường trung chuyển chính hiện nay là đi qua Pakistan và rất nguy hiểm vì Taliban có thể tấn công bất cứ lúc nào.
Ngoài ra Mỹ cũng đã cố gắng thuyết phục Nga giúp đỡ trong việc gây sức ép lên chương trình hạt nhân của Iran và hai bên cũng bàn đến vấn đề các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ như Grudia và Ukraine muốn gia nhập NATO.
Tổng thống Mỹ nói: “Tôi khẳng định lại rằng cần phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Grudia. Mặc dù chúng tôi đã bàn đến những bất đồng về biên giới Grudia, chúng tôi cũng nhất trí rằng không ai muốn phát động một chiến dịch quân sự tại đây”.
Những tin tức về những tiến bộ trong quan hệ Nga-Mỹ dày đặc đến mức người ta quên mất những bất đồng xưa cũ vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước như thế nào. Phần lớn những diễn biến trong quan hệ giữa họ tập trung xung quanh hiệp cước cắt giảm vũ khí, một tàn dư của chiến tranh lạnh. Rất nhiều những điểm bất đồng giữa Nga và Mỹ từ thời họ còn là địch thủ vẫn đang tiếp diễn.
“Về cơ bản, hiệp ước kiểm soát vũ khí đã điều khiển mối quan hệ đối địch giữa hai bên và kiểu quan hệ này vẫn tiếp diễn 20 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc," giám đốc trung tâm Mosocw Carnegie, Dmitri Trenin nhận định.
Nhưng cả hai nhà lãnh đạo đã tìm cách gác lại những thực tế cay đắng này. Trong chính sách của mình với Nga, Obama tập trung nhiều hơn vào những giải pháp được tính toán trên cơ sở lợi ích của cả hai bên. “Đây không phải là Chiến tranh lạnh. Đây cũng không phải là mối quan hệ kiểu đối đầu”, Michael McFaul, chuyên gia hàng đầu về Nga của Obama nói.
Việc hàn gắn quan hệ Nga-Mỹ đòi hỏi phải tìm kiếm những điểm hợp tác và ngày càng mở rộng sự hợp tác này. Những bất đồng sẽ được giải quyết sau đó, với hy vọng rằng sự hợp tác sẽ tạo được sự hiểu biết chung để có thể giải quyết được những căng thẳng. Đúng như tổng thống Medvedev đã nói trong một đoạn video trên blog trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, “Ngày hôm nay không phải lúc để tìm ra ai đang gặp khó khăn hơn ai hay ai là kẻ mạnh hơn”. Đây là thời điểm của sự hợp tác và gác lại quá khứ giữa hai cường quốc này.
-
Hạnh Khuê (theo Time)