221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1219457
Liệu tên lửa Triều Tiên có chạm tới Hawaii?
0
Article
null
Liệu tên lửa Triều Tiên có chạm tới Hawaii?
,
CHDCND Triều Tiên, hôm 2/7, đã bắn thử một số tên lửa tầm ngắn. Tuy nhiên, thành tựu về công nghệ tên lửa tầm xa của nước này vẫn còn rất hạn chế.

Người dân ở Seoul xem tin tức về một vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên trên truyền hình hôm 2/7. (Ảnh: AP)

Liệu CHDCND Triều Tiên có thể dùng tên lửa tấn công Hawaii nếu nước này muốn? Về mặt lý thuyết, câu trả lời là Có thể.

Bình Nhưỡng có công nghệ tên lửa đạn đạo mà về mặt kỹ thuật, nếu đạt tới sự hoàn hảo, nó có thể đẩy một lượng nhỏ chất nổ qua 7.100km hoặc một khoảng cách tương đương từ bán đảo Triều Tiên tới Honolulu, theo một báo cáo của Ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS).

Tuy nhiên, Triều Tiên mới bắn thử các tên lửa tầm xa tiên tiến của nước này vài lần và ở mỗi một trường hợp lại có vấn đề nào đó chưa chuẩn.

Đầu nổ tên lửa quá nhỏ nên nó chỉ gây rất ít thiệt hại. (Đầu nổ chưa phải loại hạt nhân. Triều Tiên còn mất nhiều năm nữa mới có thể phát triển được khả năng này". Độ chính xác cũng là một vấn đề còn phải bàn.

Như vậy, vào lúc này, cơ hội Triều Tiên gây nguy hiểm cho Hawaii hoặc bất cứ một vùng lãnh thổ nào của Mỹ là rất nhỏ.

Tháng trước, báo chí Nhật Bản đưa tin Bình Nhưỡng có thể bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa (ICBM) hướng tới Hawaii vào khoảng 4/7, ngày Quốc khánh Mỹ. Ngay sau đó, Lầu Năm Góc đã cho triển khai các lá chắn tên lửa và một trạm radar trên biển gần Hawaii.

Trong một lần trả lời phỏng vấn hồi cuối tháng 6, Tổng thống Barack Obama tuyên bố  quân đội Mỹ "đã chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ một sự kiện bất ngờ nào".

Sau đó, hôm 2/7, Triều Tiên bắn thử một loạt 4 tên lửa tầm ngắn, đổ thêm dầu vào chảo lửa khu vực. Xét cho cùng, Hàn Quốc và Nhật Bản - chưa kể các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam và Okinawa - nằm gần Triều Tiên hơn rất nhiều so với bất kỳ một bang nào của Mỹ.

Tham vọng tên lửa của Bình Nhưỡng

CHDCND Triều Tiên bắt đầu tập trung phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung từ cuối những năm 1980, theo các báo cáo tình báo Mỹ.  Vào đầu thập niên 1990, nước này bắt đầu phát triển hai loại ICBM tầm xa trọng yếu, được biết đến là Taepodong-1 và Taepodong-2.

Trong năm 1998, Ủy Ban Đánh giá Mối đe dọa Tên lửa đạn đạo nhằm vào Mỹ, do Donald Rumsfeld đứng đầu, dự đoán Triều Tiên và Iran có thể gây thiệt hại lớn trên đất Mỹ trong vòng 5 năm khi nắm được công nghệ ICBM. Báo cáo này ngụ ý rằng kim đồng hồ đã chạy.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là Triều Tiên vẫn tiếp tục tìm kiếm công nghệ tên lửa tầm xa, theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Tình báo quốc gia Mỹ.

Các thử nghiệm thất bại

Phát triển được một ICBM là một công việc không hề dễ dàng. Những nước thành công đã phải phóng thử nhiều lần để hoàn thiện công nghệ.

Nỗ lực chế tạo tên lửa tầm xa nhất của Triều Tiên, Taepodong-2, mới được thử nghiệm 2 lần. Lần đầu, vào năm 2002, đã thất bại sau 40 giây. Lần thứ hai, vào tháng 4 năm nay, dường như không thành công trong nhiệm vụ đưa một vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo trái đất.

Tên lửa này đã di chuyển thành công một khoảng cách 3.200km từ bãi phóng. Nhưng tầng 3 của nó bị rơi xuống Thái Bình Dương.

Taepodong-1 đã đạt được thành tích thử nghiệm tốt hơn nhưng không nhiều lắm. Tên lửa này có tầm bắn ước tính vào khoảng 3.800km tới 5.900km, chạm tới các căn cứ Mỹ ở Guam và Okinawa, theo CRS. Tuy nhiên, khoảng cách này phụ thuộc vào kích cỡ đầu nổ tên lửa. Một lượng chất nổ 1.000kg có thể làm giảm tầm bắn xuống một nửa.

Thực tế, Taepodong-2 có thể mang một lượng chất nổ lớn vượt qua khoảng cách ước tính từ 4.000 tới 4.300km, theo CRS. Tuy nhiên, Honolulu nằm cách Triều Tiên 7.100km; Seattle cách 7.900km còn Washington là 10.700km.

Để tấn công Hawaii và các mục tiêu trên đất Mỹ, "theo các nhà phân tích, lượng chất nổ của Taepodong-2 cần phải giảm xuống còn 200-300kg", CRS kết luận trong một báo cáo được cập nhật hồi tháng 2/2009.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vụ thử hồi tháng 4 của Triều Tiên liên quan đến công nghệ tân tiến hơn. Tuy vậy, ngay cả khi nước này đã tiếp cận được công nghệ tinh vi hơn, Mỹ và các đồng Minh vẫn có thể dễ dàng kiềm chế Bình Nhưỡng phát triển thêm về tên lửa.

Nếu Triều Tiên dựa vào các nguồn lực nước ngoài để có được các bộ phận quan trọng, điều đó có nghĩa là chương trình phát triển tên lửa ở trong nước của Triều Tiên vẫn hạn chế hơn nhiều so với vẻ bên ngoài", theo ông Wright thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học UCS.

  • Thanh Hảo (Theo SCMonitor)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,