Các cuộc biểu tình của nhân viên đường sắt Thái Lan đã bước sang ngày thứ hai, làm tê liệt các dịch vụ của ngành trên toàn quốc và khiến hàng trăm ngàn hành khách bị mắc kẹt.
Các hành khách bị mắc kẹt vì biểu tình của công nhân đường sắt tại ga tàu hoả Hua Lampong, Bangkok (Ảnh AFP)
Theo cơ quan đường sắt quốc gia Thái Lan (SRT), khoảng 200.000 hành khách đã bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống lại các kế hoạch hiện đại hoá ngành dịch vụ vận tải đã 100 năm tuổi này.
Công đoàn đường sắt Thái Lan đang phát động biểu tình phản đối cái mà họ gọi là các dự án tư nhân hoá ngành đường sắt của chính phủ. Các công nhân cũng yêu cầu được tham gia vào tất cả các quá trình của kế hoạch.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Sopon Zarum đã bác bỏ thông tin cho rằng dự án hiện đại hoá ngành đường sắt bao gồm cả quá trình tư nhân hoá. Phát biểu trước báo giới trước một cuộc gặp hàng tuần của nội các, ông Sopon khẳng định "đây là kế hoạch khôi phục chứ không phải tư nhân hoá ngành đường sắt" và chính phủ sẽ chi 72 tỉ Baht (2 tỉ USD) để tài trợ cho dự án này.
Bộ trưởng Giao thông cũng lên tiếng chỉ trích công đoàn ngành đường sắt tăng cường biểu tình mà không cảnh báo trước. Ông tuyên bố sẵn sàng thương lượng với những người chống đối.
Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva dự kiến sẽ chủ trì một cuộc họp trong ngày hôm nay (23/6) để quyết định về cách giải quyết các yêu cầu của công đoàn ngành đường sắt.
Theo phát ngôn viên ngành đường sắt, chỉ có một nhóm nhỏ công nhân tham gia biểu tình nhưng họ đã ngăn cản các công nhân khác thực hiện công việc hàng ngày. Tính đến tối 22/6, 90 tàu chở hành khách và 50 tàu chở hàng trên khắp cả nước đã buộc phải ngừng hoạt động.
Cuộc biểu tình khắp toàn quốc gần đây nhất của công nhân đường sắt diễn ra vào tháng 8/2008. Động thái diễn ra sau khi một lãnh đạo công đoàn ngành đường sắt kêu gọi hành động hưởng ứng chiến dịch biểu tình của phe áo vàng chống các đồng minh của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong chính phủ.
-
Thanh Bình (theo AFP, Straits Times)