221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1212534
Iran - Cuộc đấu lớn vẫn còn ở phía trước
1
Article
null
Iran - Cuộc đấu lớn vẫn còn ở phía trước
,

Mặc dù cuộc bầu cử cuối tuần qua đã biến Iran thành một bãi chiến trường nhưng cuộc đấu cam go nhất vẫn còn ở phía trước, khi mà xã hội Iran đã lộ ra những mâu thuẫn sâu sắc. 

Mâu thuẫn khiến bầu cử ở Iran biến thành một cuộc bạo loạn (Ảnh: Reuters)

Cải cách hay giữ nguyên trạng?

Mâu thuẫn trước hết là ở giới chính trị cầm quyền Iran. Cả hai ứng cử viên Mahmud Ahmadinejad và người được cho là có đường lối ôn hòa Mir Hossein Mousavi đều do Hội đồng bảo vệ gồm những giáo sĩ bảo thủ chọn ra nhưng rút cục họ lại là kình địch “không đội trời chung” cho dù chẳng ai biết khi lên nắm quyền, đường lối lãnh đạo của họ có thực sự khác nhau hay không.

Tổng thống Ahmadinejad vốn là cái gai trong mắt phương Tây vì sự cứng rắn nhưng ông Mousavi cũng chẳng tỏ ta là một nhà cải cách. Ông cam kết sẽ tự do hóa kinh tế và xã hội nhưng ông không hề muốn đối chọi với hệ thống chính trị ở Iran hiện giờ, hệ thống đã chọn ra ông và ở đó người lãnh đạo thực thụ là lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei. Nếu không có sự thay đổi từ chính những giáo sĩ hà khắc, cuộc cải cách của ông Mousavi sẽ đi đến đâu? 

Mâu thuẫn thứ hai chính là giữa làn sóng những người trẻ tuổi muốn thay đổi và những người nông dân nghèo muốn một thứ gì đó chắc chắn và ổn định. 

Chính vì thế khi ứng cử viên Mousavi dám nắm tay vợ chụp hình poster cho chiến dịch tranh cử, nó đã gửi đi một bức thông điệp mạnh mẽ cho những người phụ nữ có đầu óc cải cách và giới trẻ Iran. Phụ nữ và giới trẻ ở Tehran và các thành phố khác rầm rộ đổ xuống đường. Họ biến cả thủ đô thành một biển xanh với băng rôn, khăn trùm đầu, khăn tay đều mầu xanh. Tất cả giống như một cuộc nổi loạn công khai, một sự bùng nổ sau rất nhiều tháng ngày nén lại. Họ thậm chí còn hét lên: “Chấm dứt độc tài”, “Chấm dứt chính phủ”. 

Không mầu mè và ầm ĩ như vậy nhưng những người nghèo chiếm đa số ở Iran lại tạo cho Ahmdinejad chiến thắng tuyệt đối. Họ yêu thích ông bởi ông nói thứ ngôn ngữ của những người bình dân Iran, những thị dân nghèo và những người sống ở nông thôn, hàng ngày phải đối mặt với thất nghiệp và thiếu ăn trong thời buổi kinh tế khó khăn này. Dù bị lên án là đã tiêu rất nhiều trong quỹ dự trữ từ dầu mỏ của Iran, nhưng Ahmedinejad đã biết cấp khoai tây cho người nghèo, buộc các ngân hàng phải cho họ vay với tỷ lệ lãi suất thấp và cải tạo rất tốt cơ sở hạ tầng ở nông thôn. 

Ahmadinejad còn giành được cả sự ủng hộ của rất nhiều người Hồi giáo trên thế giới vì đã dám lớn tiếng trong quan hệ với Mỹ, Israel. Nói đúng hơn, ông đã khôi phục lòng tự hào của người Iran trong lúc họ luôn mặc cảm là cộng đồng quốc tế chống lại họ. 

Đã đến lúc phải ôn hòa 

Những mâu thuẫn này sẽ là thách thức lớn nhất với tổng thống tái đắc cử Ahmadinejad trong nhiệm kỳ tới. Làm sao để đáp ứng được những yêu cầu của những người muốn cải cách nếu ông vẫn tiếp tục giữ đường lối cứng rắn của mình? 

Thêm vào đó, Iran đang ở trong tình trạng rất khó khăn về kinh tế. Với những chính sách kinh tế không hiệu quả, lạm phát ở đây đã lên tới 30% tháng 11 năm ngoái và giá cả liên tục tăng cao gây khó khăn cho đời sống người dân. Ngân hàng trung ương cũng đã cắt giảm lãi suất 15% nhưng các nhà kinh tế trong nước dự đoán rằng điều này cũng chẳng mang lại lợi ích gì nếu không có những cải cách cơ bản. Trong nhiệm kỳ 2 của mình, ông Ahmadinejad chắc chắn sẽ phải đặt kinh tế lên làm ưu tiên số một của mình.

 Muốn đối nội được êm thấm thì đối ngoại cũng phải được cải thiện. Để quay trở lại với cộng đồng quốc tế, vấn đề Ahmadinejad phải giải quyết gấp chính là sự thẳng thắn về chương trình năng lượng nguyên tử của nước này. Việc chơi trò mèo vờn chuột với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và cộng đồng quốc tế không phải là sách lược hay. 

Để những người ủng hộ cải cách ở Iran thấy một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn, ông cũng cần đưa ra những chính sách đối ngoại mới, nhẹ nhàng hơn và bớt những ngôn từ gây sốc hơn. Những căng thẳng với các quốc gia vùng Vịnh cũng cần được giải quyết qua đàm phán chứ không phải đối đầu. Với Mỹ, trong khi chính phủ nước này sẵn sàng đối thoại, ông có thể có bước đi đầu tiên là đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình ở Iraq. 

Nếu tạo ra được những đột phá này khi bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình, ông Ahmadinejad không chỉ mang lại bầu không khí mới cho Iran mà còn góp phần tích cực vào hòa bình ở Trung Đông. 

  • Hạnh Khuê (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,