Phe trung hữu đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu tại Pháp, Đức và một số nước khác. Đây cũng là thông điệp cho thấy các cử tri muốn trừng phạt các đảng thiên tả.
Đảng trung hữu Đại chúng ở Tây Ban Nha ăn mừng chiến thắng (Ảnh AFP) |
Các đảng cực hữu, chống người nhập cư cũng giành được lợi thế. Số cử tri đi bỏ phiếu giảm xuống 43-44%.
Công đảng ở Anh, đảng Dân chủ xã hội ở Đức và đảng Xã hội - Pháp, đã hứng chịu những thất bại lịch sử. Các nhà quan sát cho biết, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu có nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm quyền ở Nghị viện châu Âu.
Ông Jose Munuel Barroso, người có khả năng sẽ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ 2 sau những chiến thắng của phe trung hữu, đã cảm ơn các cử tri và khẳng định rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe.
"Về tổng thể, những kết quả đó là một chiến thắng không thể chối cãi với các đảng, các ứng viên ủng hộ dự án của châu Âu và muốn Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các chính sách nhằm đáp lại các lo ngại hàng ngày của họ", ông Barroso tuyên bố.
Một số đảng thiên hữu lập luận, kết quả trên đã chứng minh rằng việc họ đã đúng khi ngần ngại chi thêm tiền để cứu các công ty và kích thích tài chính để chống lại khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
EU cho biết, các đảng trung hữu có thể giành được nhiều ghế, 267 trong tổng số 736 ghế tại Nghị viện EU. Các đảng thiên tả có thể đạt 159 ghế. Phần còn lại sẽ thuộc về các nhóm nhỏ.
Trong những cuộc bỏ phiếu vừa qua, các nhóm cực đoan dường như cũng có lợi. Theo đó, các đảng cực hữu và chống người nhập cư cũng giành được ghế tại Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Slovakia và Hungary. Đảng Dân tộc Anh cũng giành được hai ghế - thắng lợi lớn đầu tiên của đảng này trong một cuộc bầu cử quy mô toàn quốc.
Đảng những kẻ cướp của Thuỵ Điển, muốn hợp pháp hoá việc chia sẻ file trên internet, đã giành được 7% phiếu bầu trong nước và chiếm 1 trong tổng số 18 ghế của nước này tại Nghị viện châu Âu.
Trong bầu cử Nghị viện châu Âu, cử tri đã chọn đại diện chủ yếu từ các đảng trong nước, những người này sau đó sẽ gia nhập những nhóm lớn hơn có cùng quan điểm từ các nước khác. Những nhóm lớn nhất trong vòng 5 năm qua là đảng trung hữu EPP, đảng thiên tả PES và đảng tự do ALDE.
Số liệu tạm thời do EU đưa ra cho thấy, số lượng cử tri đi bỏ phiếu ở một số nước là thấp nhất trong mọi lần, gồm Pháp 40,5% và Đức 42,2%.
-
Hoài Linh (Theo AP, BBC)