221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1208508
Gordon Brown và cỗ xe ngựa đã trật bánh
1
Article
null
Gordon Brown và cỗ xe ngựa đã trật bánh
,

Khi các quân, quan đã lần lượt ra đi thì vị tướng còn cầm cương ngựa được bao lâu nữa. Đó chính là tình thế của Thủ tướng Anh Gordon Brown vào lúc này.

Thủ tướng Anh Gordon Brown (Ảnh: The Economist)

Từng người một ra đi. Ngay trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu ngày 4/6, nội các của Thủ tướng Brown đã tan vỡ. Ngày 2/6, Bộ trưởng Nội vụ Jauecqui Smith tuyên bố bà sẽ từ chức cùng với hai thứ trưởng nữa. Tiếp đó, 3/6, bà Hazel Blears, thành viên nội các phụ trách chính quyền địa phương cũng ra đi. Gần như chắc chắn rằng Bộ trưởng tài chính Alistair Darling sẽ ra đi trong vài ngày nữa.

Tất cả 3 người này đều bị tai tiếng vì đã lạm dụng chi tiêu quốc hội, nhưng sự bất tín nhiệm đối với chính phủ còn lớn hơn nhiều.

Câu hỏi hiện giờ là liệu thủ tướng có bị cuốn vào cơn lốc từ chức này hay không? Rõ ràng là ông Brown đang gặp rắc rối lớn cho dù sự ra đi của các thành viên nội các này đã được dự đoán trước.

Ông Brown cũng đã dự định sẽ cải tổ nội các vào cuối tuần này, sau cuộc bầu cử của EU. Tuy nhiên thời điểm chọn từ chức của bà Smith và sau đó là Blears dường như là để gây thêm khó khăn cho ông Brown. Bà Blears cương quyết từ chối nói bất cứ một từ tốt đẹp nào về thủ tướng của mình khi bà từ chức.

Ông Brown đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy uy tín Công đảng đang bị sụt giảm chưa từng thấy, phần vì tỷ lệ thất nghiệp cao và kinh tế ảm đạm, phần vì sự chán chường của người dân đối với một đảng đã cầm quyền cả hơn chục năm.

Bản thân người Anh cũng không mấy yêu thích ông Brown bởi họ thấy ông là người thiếu quyết đoán và khả năng giao tiếp kém, cho dù công luận nước ngoài lại đánh giá cao ông trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.  

Trên một số khía cạnh, vấn đề hiện tại của ông Brown bắt nguồn từ việc các thành viên của Công đảng đã thất bại trong nỗ lực hạ bệ ông. Ông Brown kế nhiệm Tony Blair vào năm 2007 mà không phải trải qua một cuộc bầu cử nào, dù là tổng tuyển cử hay là tranh cử trong nội bộ đảng. Vầng hào quang quanh ông nhanh chóng tan biến và rất ít người tin rằng ông có thể lãnh đạo Công đảng chiến thắng nhiệm kỳ thứ 4 (cuộc bầu cử tới dự định diễn ra vào tháng 5/2010).

Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã tạm thời củng cố vị thế của ông: Kinh nghiệm của một bộ trưởng tài chính suốt 10 năm của ông đã khiến nhiều người tin rằng ông có thể là một nhà lãnh đạo đầy sức mạnh trong thời điểm kinh tế lao đao.

Dù sao đi nữa, ông Brown vẫn còn có thể tại vị được thêm một vài tháng nữa. Có rất ít khả năng rằng sẽ có một người nào đó thay thế ông trước cuộc bầu cử tới đây. Và dù người ta đã nhìn thấy một người thay thế tiềm năng ở ông bộ trưởng y tế lịch thiệp Alan Johnson thì chắc gì ông Brown đã chịu từ chức.

Cho đến giờ, chưa có ai trong nội các chính phủ Anh sẵn sàng thách thức vị trí lãnh đạo của ông Brown trong Công đảng. Có thể có một nhóm người trong đảng vốn tức giận vì cho rằng ông Brown đã phản bội ông Blair sẽ muốn ông Brown mất chức.

Nhưng bất kể người nào thay thế ông Brown hiện giờ cũng sẽ phải đối mặt với một áp lực rất lớn về việc phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm mà ở đó Công đảng có rất ít cơ hội chiến thắng.

  • Hạnh Khuê (theo The Economist)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,