221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1205224
Động cơ chính đằng sau vụ thử hạt nhân Triều Tiên
1
Article
null
Động cơ chính đằng sau vụ thử hạt nhân Triều Tiên
,

Khi Triều Tiên đột ngột tuyên bố đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai hôm 25/5, quan điểm ban đầu trong khu vực là hành động đó đồng nghĩa với một nước cờ nữa để đòi nhiều nhượng bộ hơn từ Washington. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng động cơ chính là vấn đề người kế nhiệm Kim Jong-il.


Ảnh Rian
Động cơ chính

Theo các chuyên gia phân tích về Triều Tiên, đó là đường lối được lặp lại nhiều lần trong quá khứ và cũng là một trong những động cơ của vụ thử mới nhất. Tuy nhiên, lần này, cuộc khủng hoảng lãnh đạo kế nhiệm ở Triều Tiên là động cơ chính.

Một số chuyên gia cho rằng vụ thử hạt nhân thứ hai là một cuộc biểu dương sức mạnh nhằm thể hiện sự đoàn kết với quân đội có nhiều quyền lực ở Triều Tiên. Sự ủng hộ của quân đội sẽ có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho quyết định lựa chọn người kế nhiệm của ông Kim. Gần đây, tin đồn về người kế nhiệm ông Kim Jong-il đổ dồn vào con trai út là Kim Jong-un, người có thể tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của gia đình Kim sang thế hệ thứ ba.

Nói cách khác, chính phủ Triều Tiên hy vọng vụ thử hạt nhân sẽ đảm bảo sự chuyển tiếp quyền lực suôn sẻ và rằng ông Kim vẫn có khả năng lãnh đạo, ít nhất là hiện nay. Theo GS Kim Sung-han về quan hệ quốc tế tại ĐH Hàn Quốc, tháng trước, con rể của Kim Jong-il là Jang Seong-taek, đã được bổ nhiệm vào Ủy ban quốc phòng - nhóm mạnh nhất trong chính phủ Triều Tiên. Việc thăng chức cho ông Jang có thể là một động thái đảm bảo sự ủng hộ của quân đội đối với Kim Jong-un khi sức khỏe của ông Kim xấu đi.

Giáo sư Kim Sung-han nói thêm rằng ông Jang cũng có thể làm lãnh đạo lâm thời cho tới khi Kim Jong-un đủ chín chắn để nắm quyền lực trong một xã hội trọng thâm niên của Triều Tiên. Tháng 4/2009, báo chí Hàn Quốc đưa tin Kim Jong-un, hiện ở độ tuổi 20, đã được bổ nhiệm vào một vị trí cấp thấp trong Ủy ban quốc phòng. "Cuộc thử hạt nhân này là dấu hiệu về việc ông Kim Jong-il muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với quân đội. Quân đội là chìa khóa đối với sự kế nhiệm của con trai ông Kim".

Lá bài với Mỹ

Ngoài ra, vụ thử hôm 25/5 là đỉnh điểm của sự chuyển hướng sang một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Dường như chính sách này đã bắt đầu không lâu sau khi các quan chức Mỹ và Hàn Quốc tin rằng lãnh đạo Kim Jong-il bị đột quỵ hồi tháng 8/2008. Hầu hết các nhà quan sát Triều Tiên nhất trí rằng Bình Nhưỡng vẫn muốn sử dụng lá bài hạt nhân để nhận được càng nhiều nhượng bộ càng tốt từ Washington, trong chiến lược "thử và thật".

Cụ thể là Triều Tiên hy vọng vụ thử sẽ buộc Mỹ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, giống như Mỹ đã làm với Ấn Độ, và cuối cùng bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã dùng chiến lược này năm 1998 khi bắn một tên lửa đa tầng trên bầu trời Nhật Bản. Nhiều tháng sau, Bình Nhưỡng đề xuất ngừng các cuộc thử tên lửa tầm xa. Những nhượng bộ đó đã khiến tan băng trong quan hệ với Washington, dẫn tới chuyến thăm hai năm sau đó của Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright.

Vấn đề là những cải thiện về quan hệ này thường không mấy bền lâu. Chỉ cách đây một năm, Triều Tiên đã phá hủy tháp làm lạnh tại nhà máy hạt nhân chính ở Yongbyong sau khi nhất trí từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã bội ước hồi tháng 4, tái khởi động chương trình hạt nhân để trả đũa việc LHQ tăng cường cấm vận sau khi Triều Tiên thử tên lửa tầm xa.

Cũng có một số nhà phân tích cho rằng mục đích chính của vụ thử hạt nhân thứ hai chỉ là để thúc đẩy công nghệ hạt nhân, xây dựng khả năng phòng vệ độc lập như Israel hoặc Pakistan. Một số chuyên gia khác, chẳng hạn như nhà khoa học chính trị Masao Okonogi thuộc ĐH Keio ở Tokyo, cho rằng Triều Tiên thử hạt nhân chỉ nhằm thu hút sự chú ý của Washington. Theo ông, các lãnh đạo Triều Tiên cho rằng quốc gia này đứng ở vị trí thấp trong nấc thang ưu tiên của chính quyền Obama.

Chạy đua vũ trang khu vực

Chưa hết, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã làm dấy lên nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực. Chắc chắn Nhật Bản xem xét lại chương trình quốc phòng do Nhật Bản cảm thấy bị các tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đe dọa. Về mặt chính trị, Nhật Bản sẽ tranh cãi liệu họ có nên phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai gần hay không do diễn biến vừa qua ở Triều Tiên.

Giải pháp

Douglas H. Paal, cựu thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ và một cựu phân tích kỳ cựu tại CIA cho rằng các cuộc đàm phán sáu bên có lẽ là cơ chế duy nhất giải quyết vấn đề hiện nay. Tuy nhiên, Triều Tiên đã rút khỏi các cuộc đàm phán này và Trung Quốc sẽ rất khó khăn khi thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Lại một lần nữa, khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên lại lún sâu thêm vào bế tắc.

  • Minh Sơn (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,