Khủng hoảng lương thực tấn công các nước đang phát triển vào năm ngoái có thể tái xuất sau suy thoái. Do đó, các quốc gia châu Á phải có biện pháp bảo vệ người nghèo trước giá cả tăng cao, một báo cáo của LHQ cho biết hôm 24/4.
Giá lương thực giảm nhưng thu nhập của người nghèo còn giảm nhiều hơn (Ảnh AFP) |
Báo cáo vừa được công bố ở Bangkok, Thái Lan kêu gọi chính phủ các nước châu Á thực thi các chính sách xã hội như trợ giúp bằng tiền mặt và triển khai những kế hoạch nhằm đảm bảo cho người nghèo có được lương thực trong thời buổi giá cả hàng hoá tăng cao.
Năm ngoái, giá gạo tăng cao và nỗi sợ thế giới thiếu lương thực đã làm bùng bạo động và biểu tình tại châu Phi, châu Á và Caribbe.
Uỷ ban Xã hội và kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương của LHQ đã nêu đề xuất trong báo cáo rằng, trong một giai đoạn ngắn, các nước nên thúc đẩy năng suất của những trang trại nhỏ bằng cách tạo điều kiện giúp họ đưa sản phẩm tới thị trường, giới thiệu các chương trình tín dụng nhỏ cho phép họ mua thiết bị mới, thực thi các chương trình bảo hiểm và đất đai nhằm giúp cộng đồng đối phó với thảm hoạ.
"Bản báo cáo nhắc nhở chúng tôi rằng trong khi thế giới tập trung chú ý vào khủng hoảng kinh tế, thì an ninh lương thực vẫn là một đe doạ thực tế", Noeleen Heyzer, uỷ viên Uỷ ban xã hội và kinh tế trên cho biết. "Với quy mô vấn đề ở châu Á-Thái Bình Dương, phản ứng của chúng tôi là xác định những vấn đề an ninh lương thực sẽ được giải quyết tổng thể như thế nào".
Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), không tham gia soạn thảo báo cáo trên, nhưng tháng 12/2008 nói, giá lương thực tăng cao đã đẩy số người đói trên thế giới lên tới gần 1 triệu, 2/3 trong số đó là ở châu Á.
Dù giá cả đã tụt khỏi mức cao lịch sử, nhưng FAO hôm 23/4 cảnh báo, giá lương thực ở các nước đang phát triển vẫn rất cao và tình trạng lương thực khẩn cấp vẫn đang diễn ra tại 32 quốc gia.
Kết qủa một cuộc phân tích về giá lương thực trong nước tại 58 quốc gia đang phát triển do FAO triển khai cho thấy, ở khoảng 80% số các quốc gia, giá lương thực đã tăng cao hơn một năm trước đây. Trong ba tháng gần đây, giá lương thực tăng cao hơn nữa ở 40% trong số 58 nước. Ngoài ra, 17% số nước được khảo sát, giá lương thực vọt lên mức kỷ lục.
Bà Heyzer nói, "với hàng triệu người nghèo trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khủng hoảng kinh tế cũng sẽ là khủng hoảng lương thực. Giá cả có thể giảm nhưng thu nhập của họ còn tụt nhiều hơn".
-
Hoài Linh (Theo AP)