221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1192280
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên: "Sân chơi" của các ông lớn
1
Article
null
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên: 'Sân chơi' của các ông lớn
,

Không có gì bất ngờ khi cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên bị thất bại vì trước đó cuộc đàm phán này đã bị đình hoãn gần 12 tiếng đồng hồ do bất đồng về địa điểm và khuôn khổ hội nghị.

Các quan chức Hàn Quốc tham dự hội nghị liên Triều (Ảnh: Reuters)

Cuộc họp liên Triều như vậy là đã khởi đầu khó khăn và kết cục chưa có gặt hái cụ thể nào, thậm chí còn làm căng thẳng thêm quan hệ hai nước do những rắc rối xảy ra tại khu kỹ nghệ Kaesong. Điều này là dễ hiểu vì quan hệ liên Triều vốn nằm trong một bộ hồ sơ phức tạp, liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên nói riêng, an ninh ở khu vực Đông Bắc Á và an ninh toàn cầu nói chung.

CHDCND Triều Tiên đã đưa ra đề nghị đàm phán về các vấn đề liên quan đến khu công nghiệp liên Triều chỉ một ngày sau khi nước này cảnh cáo Hàn Quốc đừng tham gia vào kế hoạch an ninh của Mỹ nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí tàn sát quy mô toàn cầu (PSI). Một quan chức quân sự CHDCND Triều tiên đã nói sự tham gia của Hàn Quốc vào kế hoạch này sẽ được xem là hành động tuyên chiến.

Tuyên bố căng như vậy nhưng CHDCND Triều Tiên vẫn chủ động đưa ra đề nghị đàm phán. Điều này cho thấy những dzích dzắc trong các động thái ngoại giao của CHDCND Triều Tiên, nhất là sau khi nước này đã thử nghiệm bắn tên lửa vào đầu tháng.

Thực chất, hành động dùng "lá bài" tên lửa này chỉ là một sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Chính sách này là gì? Đó là Bình Nhưỡng muốn đảm bảo an ninh cho đất nước vốn đang bị cô lập, muốn được cung cấp viện trợ và được bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Nhật và phương Tây, mặt khác cũng muốn nâng cấp quan hệ với các đối tác quan trọng khác của nước này như Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc.

Chỉ có điều trong lần nắn gân các ông lớn này, về động thái thì CHDCND Triều Tiên tuyên bố chỉ phóng vệ tinh viễn thông thôi, nhưng lại tuyên bố vào thời điểm nước Mỹ thay đổi chính quyền. Và sự thay đổi này dường như bắt đầu làm ló dạng một số nét chấm phá mới trong đường lối ngoại giao của Mỹ và kéo theo đó là của nhiều cường quốc khác mà cả thế giới đang hồi hộp theo dõi.

Và như thường lệ, khi ở "chiếu trên" đang rục rịch có sự sắp xếp lại các ưu tiên trong chiến lược đối ngoại, đang có sự nhìn nhận lại các cách tiếp cận khác nhau trong việc giải quyết các công việc của thế giới, thì ở «chiếu dưới» các nước đều mong muốn chủ động triển khai những sáng kiến riêng, ngõ hầu chộp lấy thời cơ, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế để lo giải quyết các khó khăn chồng chất trong nước.

Xét từ góc độ này thì Bình Nhưỡng cũng không phải là ngoại lệ. 

 

Vùng biên giới giữa hai miền Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Nhưng trên thực tế chúng ta chưa biết “sáng kiến” của CHDCND Triều Tiên phát huy tác dụng đến đâu? Chỉ biết trong khi những rắc rối xung quanh mô hình hợp tác liên Triều đẻ số thì sự bất mãn của những nước có chân trong đàm phán 6 bên cũng gia tăng, nhất là sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa tầm xa hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, cho đến nay các bên liên quan đều không muốn cắt đứt liên hệ với Bình Nhưỡng, đều khẳng định thái độ kiên trì đàm phán với nước này.

Một sự đột phá trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ tùy thuộc vào những mặc cả sau hậu trường giữa các nước lớn, cũng như giữa các nước lớn với các bên Triều Tiên. Cách đây hai ngày, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Washington muốn tiếp tục các vòng đàm phán 6 bên, và kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên khoan nhượng trước thái độ “tiến thoái khó đoán” của Bình Nhưỡng, cần phải cứng rắn và kiên định đối với nước này. Trong trả lời báo Nikkei, ngoại trưởng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh hy vọng chính phủ của ông Obama sẽ làm việc trực tiếp với CHDCND Triều tiên; ông cũng kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán 6 bên.

Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh tin mấu chốt để tháo ngòi căng thẳng là một đề nghị mới được đưa ra cho Bình Nhưỡng từ phía Washington. Trong một hội kiến trước đó giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Yong-Il, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hy vọng các bên liên quan sẽ hành xử vì quyền lợi chung, giải quyết một cách thích hợp những khác biệt còn tồn tại, và thúc đẩy cho cuộc hoà đàm giữa 6 nước tiếp tục tiến bước.

Vấn đề hạt nhân của của Triều Tiên thực chất là "sân chơi" của các nước lớn. Chỉ có sự thỏa hiệp giữa các ông lớn, sự cân bằng lợi ích giữa họ với nhau, giữa họ với hai nước Triều Tiên thì tiến trình 6 bên mới đạt kết quả. Bất cứ một cặp song phương nào, dù đó là quan hệ giữa Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên “đặc biệt như môi với răng” cũng không thể quyết định và càng không thể thay thế các diễn đàn đa phương. Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của các cường quốc mới là tiếng nói cuối cùng trong các tranh chấp quốc tế.

  • Đinh Hoàng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,