221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1188816
Khủng hoảng Thái Lan - Không ai thắng cuộc
1
Article
null
Khủng hoảng Thái Lan - Không ai thắng cuộc
,

Không phe nào được lợi. Đó là kết luận duy nhất có thể rút ra từ những sự kiện hỗn loạn tại Thái Lan trong vài ngày qua.

2 người chết, 123 người bị thương khi đụng độ nổ ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình áo đỏ. (Ảnh: AFP)

Chắc chắn phe được lợi không phải là Mặt trận thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD) hay còn gọi là phe áo đỏ ủng hộ Thaksin- những người cố gắng thực hiện một cuộc nổi dậy nhưng lại biến nó thành hàng loạt cuộc đụng độ hỗn loạn với quân đội và gây ra cảnh tàn phá trên các đường phố Bangkok. 

Người thắng cũng không phải Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Dù ông Abhisit thu về khá nhiều uy quyền qua sự thành công của chiến dịch giải tán người biểu tình UDD thì cam kết thúc đẩy hoà giải mà nhà lãnh đạo này đưa ra khi lên nắm quyền cách đây 4 tháng có vẻ không đi tới đâu. 

Người thắng cũng không phải là quân đội, lực lượng vừa tiến hành một chiến dịch càn quét đường phố mà chỉ gây ra thương vong thấp một cách đáng ngạc nhiên.

Quyết định giải tán người biểu tình của quân đội vừa qua dường như là sự chế giễu đối với chính tuyên bố của họ: "quân đội là lực lượng trung lập". Trước đây, khi cuộc biểu tình của lực lượng áo vàng chống Thaksin (còn gọi là Liên minh nhân dân vì dân chủ - PAD) diễn ra và cũng gây ra những tổn thất tương tự, quân đội chỉ đứng ngoài nhìn. Cuộc đảo chính lật đổ Thaksin năm 2006 cũng làm hình ảnh của quân đội bị xấu đi trong mắt của một phần không nhỏ dân số Thái Lan.

Người thắng cũng không phải là cảnh sát, một lực lượng đang bị thu nhỏ và mất tinh thần, lực lượng mà không ai ở Thái hy vọng họ sẽ giữ vai trò nào đó trong những bất ổn gần đây. Khi đối đầu với vài nghìn người biểu tình không vũ trang tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Pattaya, cảnh sát chỉ kháng cự yếu ớt. Tại Bangkok, lực lượng này dường như là vô hình.

Và cuối cùng, người thắng cũng không phải là Thaksin Shinawatra, nhân vật thường xuyên tuôn ra những lời kêu gọi nổi dậy, đang lưu vong và không có một nơi nương náu an toàn. 

Phân cực lộ rõ

Phe áo vàng (Ảnh: AFP)
Xung đột chính trị kéo dài 3 năm qua đã làm suy yếu Thái Lan. Một số sự kiện tồi tệ nhất diễn ra trong vài ngày qua không liên quan tới quân đội, nó xảy ra khi dân địa phương xuất hiện, đối đầu với lực lượng áo đỏ. Đạn rời nòng súng, hai người chết, một số người khác bị đánh đập.

Rất khó để lý giải tại sao Thái Lan - một đất nước từng có lúc được coi là hình mẫu của ổn định và hoà hợp xã hội, lại trở nên phân cực như vậy.

Sự phân chia giữa Vàng và Đỏ đã cắt qua nhiều ranh giới, nó không chỉ đơn giản xuất hiện ở cuộc đối đầu giữa nông thôn và thành thị, hay giữa giàu và nghèo. Nếu dành một thời gian đủ dài với một trong hai nhóm, bạn có thể gặp nhiều người tới từ nhiều tầng lớp. Vàng - những người chống đối Thaksin thường mặc áo vàng. Đỏ - lực lượng ủng hộ Thaksin hay mặc áo đỏ.

Tuy nhiên, có một vấn đề cho thấy sự chia rẽ rõ ràng giữa vàng và đỏ.

Vấn đề chính là Thaksin Shinawatra, người đàn ông đã phá vỡ những truyền thống của chính trị Thái bằng các chiến dịch tranh cử nổi bật của mình và giành 2 chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 2001 và 2005.

Không phải tất cả những người áo đỏ đều yêu thích Thaksin - một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, họ chỉ nghĩ rằng Thaksin bị lật đổ một cách không công bằng trong cuộc đảo chính năm 2006, thêm nữa, hàng loạt vụ xét xử được tiến hành để chống lại ông là không hợp lý. Họ cũng tin vào sức mạnh của chương trình nghị sự dân tuý của cựu lãnh đạo này, yếu tố chủ chốt khiến Thaksin được nhiều người ủng hộ.

Theo các nhà kinh tế, dù còn nhiều điều phải bàn về những lợi ích và hiệu quả lâu dài nhưng các chính sách dân tuý của Thaksin không chỉ cải thiện số phận của người nghèo ở nông thôn mà lần đầu tiên nó tạo cho đối tượng này cảm giác lá phiếu của họ có ý nghĩa, rằng họ bỏ phiếu cho một cương lĩnh chính sách đặc biệt có thể đem lại cho họ những lợi ích hữu hình.

Thaksin vẫn có được ủng hộ lớn từ người nghèo. (Ảnh: AP)

Người nghèo chính là lý do khiến Thaksin có được thắng lợi trong các cuộc bầu cử, lý do mà những đồng minh của ông này có thể quay lại nắm quyền vào năm 2007 - cuộc tuyển cử đầu tiên sau đảo chính năm 2006, dù Thaksin và 110 thành viên đảng Thai Rak Thai đã bị cấm tham gia tranh cử.

Người nghèo hiện là nền tảng của phong trào áo đỏ. Và họ tin rằng, phe áo đỏ bị đối xử không công bằng.

Hình ảnh đất nước xấu đi

Các cuộc biểu tình kéo dài của cả hai phe vàng và đỏ, chống và ủng hộ Thaksin có khả năng chưa kết thúc. Nó đang dần xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư, du khách và của chính người dân Thái vào một tương lai ổn định của đất nước.

Cho tới giờ, vẫn chưa có một nhân vật nào xuất chúng, người có thể giành được sự tôn trọng của cả hai phe. Nhân vật này chắc chắn không phải Thủ tướng Abhisit, người thường tỏ ra không thoải mái khi xuất hiện ở những khu vực nông thôn, khu trung tâm của lực lượng áo đỏ ở phía bắc và đông bắc đất nước.

Cách mà nhà lãnh đạo này đối xử với các lãnh đạo phe áo đỏ và việc nó sẽ được so sánh thế nào với cách mà phe áo vàng được đối xử, sẽ là một cuộc thử nghiệm quan trọng đối với cam kết duy trì sự không thiên vị của luật pháp mà ông Abhisit từng đưa ra.

  • Hoài Linh (Theo BBC)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,