221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1186496
Nhân suy thoái, Trung Quốc mạnh tay mua tài sản nước ngoài
1
Article
null
Nhân suy thoái, Trung Quốc mạnh tay mua tài sản nước ngoài
,

Các công ty Trung Quốc đang "đổ dồn" mua tài sản tại những hãng nước ngoài trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Họ chi hàng chục tỉ USD mua những nguồn tài sản lớn chủ yếu là dầu, khoáng sản tại Iran, Brazil, Venezuela, Nga, Australia và Pháp.

Tổng Giám đốc Rio Tinto, Tom Albanese ký hợp đồng với Chủ tịch Chinalco, Xiao Yaqing. (Ảnh: Reuters)

Những hợp đồng này cho phép Trung Quốc kiểm soát nguồn cung cấp dầu mỏ, khoáng sản, kim loại và các nguồn tài nguyên tự nhiên chiến lược khác mà nước này cần để "tiếp nhiên liệu" cho tăng trưởng.

Quy mô lớn của những thỏa thuận này đánh dấu sự chuyển dịch trong tài chính toàn cầu, khuấy động các thị trường năng lượng và làm gia tăng lo lắng về khả năng tiện ích và giá cả của các loại hàng hóa này trong tương lai ở những nước cạnh tranh với Trung Quốc, trong đó có Mỹ.

Chỉ vài tháng trước, nhiều nước chào đón những lời đề nghị từ Trung Quốc với sự hoài nghi. Ngày nay, khi các tập đoàn và nhà băng trên thế giới đang miễn cưỡng hay không thể cung cấp tiền giải quyết khó khăn của nhiều công ty, thì Trung Quốc giàu tiền mặt lại trở thành lực lượng chính dẫn đầu xu thế cho vay và đầu tư mới.

Ngày 12/2, tập đoàn kim loại lớn của Trung Quốc do nhà nước sở hữu đã ký hợp đồng trị giá 19,5 tỉ USD với Rio Tinto của Australia. Hợp đồng này cho phép phía Trung Quốc tăng gấp đôi cổ phần ở công ty khai mỏ lớn thứ hai thế giới.

Trong ba trường hợp khác, Trung Quốc đã sử dụng hình thức cho vay là cách để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng. Ngày 17 và 18/2, China National Petroleum ký các thỏa thuận riêng rẽ với Nga và Venezuela. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp 25 tỉ USD và 4 tỉ USD trị giá các khoản vay, để đổi lại cam kết cung cấp dầu mỏ trong dài hạn. Ngày 19/2, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc có một thỏa thuận tương tự với Petrobras, Công ty dầu khí Brazil với thỏa thuận cho vay 10 tỉ USD để đổi lấy dầu mỏ.

Sau đó, Iran tuyên bố đã ký thỏa thuận 3,2 tỉ USD với một tập đoàn Trung Quốc để phát triển khu vực ở đáy biển vùng Vịnh Persian. Khu vực này được cho là chiếm khoảng 8% trữ lượng khí tự nhiên của thế giới.

Khi dòng tài chính toàn cầu chạy chậm lại trong mọi lĩnh vực, Trung Quốc lại đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài. Theo hãng nghiên cứu Dealogic, năm 2008, các thỏa thuận sáp nhập và mua lại tập đoàn mà Trung Quốc có được đạt giá trị 52,1 tỉ USD - một con số kỷ lục.

Trong hai tháng đầu năm nay, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 16,3 tỉ USD ở nước ngoài, nghĩa là nếu tốc độ này được duy trì, thì tổng mức đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi năm ngoái.

Tính trên phạm vi toàn cầu, giá trị hợp đồng sáp nhập và thỏa thuận mua lại tính đến thời điểm này trong năm nay giảm 35% xuống còn 384 tỉ USD. Vào năm 2008, Mỹ có 186,2 tỉ USD trong các thỏa thuận sáp nhập hoặc mua lại công ty, Nhật có 74,3 tỉ USD.

Giới truyền thông Trung Quốc gọi đây là cơ hội trăm năm có một, còn các nhà phân tích thì so sánh xu thế này tương tự với Nhật Bản những năm 80.

"Trung Quốc bắt đầu đầu tư hay mua tài sản ở những công ty khoáng sản nước ngoài với giá tương đối thấp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu là thực tế tương đối bình thường. Nhật Bản đã làm việc tương tự vào giai đoạn đầu phát triển", Tô Tường Xuân, Giám đốc tư vấn cho Mysteel.com, một hãng phân tích và nghiên cứu thị trường, cho biết.

Không chỉ có các tập đoàn Trung Quốc nắm giữ lợi thế trong cuộc khủng hoảng kinh tế nhằm giúp công ty khác và cũng là tự giúp mình, Chính phủ Trung Quốc cũng tham gia vào chương trình hỗ trợ nhiều nước khác, như Jamaica và Pakistan, bằng việc mở rộng các khoản cho vay khổng lồ.

Cá nhân cũng "hướng ngoại"

Thậm chí, tới người tiêu dùng Trung Quốc cũng mang tiền ra nước ngoài. Trong một chuyến "mua sắm" được tổ chức tháng trước của một nhà môi giới bất động sản trực tuyến, một nhóm gồm 50 nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đã tới New York, Los Angeles và San Francisco để mua nhà khi giá bất động sản Mỹ lao dốc kể từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra.

"Khi chúng tôi bắt đầu dự án này, chúng tôi có hơn 100 người đăng ký và sẵn sàng lên đường", Đới Kiến Trung, Giám đốc điều hành SouFun Holdings, nhà tổ chức tour mua nhà tại Mỹ, cho biết. "Giờ đây, con số đã gần đạt 400 người. Dường như thị trường bất động sản Mỹ có sức hút to lớn với người mua Trung Quốc".

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tổ chức một chuyến đi tương tự, nhưng là dành cho các công ty đại lục thăm những hãng nước ngoài vào cuối tháng 2. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã cùng với 90 nhà quản lý điều hành đi thăm và ký kết các hợp đồng trị giá 10 tỉ USD ở Đức, 400.000 USD ở Thụy Sĩ, 320 triệu USD ở Tây Ban Nha và 2 tỉ USD ở Anh. Các hợp đồng chủ yếu là mua hàng hóa.

Bộ Thương mại nước này tuyên bố dự kiến sẽ gửi thêm nhiều đoàn đầu tư ra nước ngoài trong năm nay. Mặc dù chi tiết kế hoạch chưa được công bố, nhưng hành trình tới có thể gồm Mỹ, Nhật Bản và Đông Nam Á.

Tiếp theo xu thế này, những công ty ô tô nước ngoài có thể nằm trong danh sách đầu tư hay mua tài sản của Trung Quốc.

Ngày 23/2, Weichai Power, một công ty động cơ diesel, cho hay, họ sẽ chi khoảng 3,8 triệu USD để mua sản phẩm, công nghệ và thương hiệu từ Moteurs Baudouin của Pháp - hãng chuyên thiết kế và sản xuất thiết bị đẩy cho tàu thủy như động cơ và cánh quạt.

Cho dù đây là thỏa thuận không lớn, nhưng Trần Tân - Tổng Giám đốc Cục Công nghiệp thuộc Uỷ ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc bóng gió rằng, những hợp đồng mua lớn hơn sẽ được thực hiện. Bên lề một cuộc họp báo vào cuối tháng trước, ông nhấn mạnh, những công ty ô tô nước ngoài đối mặt với khó khăn về tài chính trùng với thực tế các hãng Trung Quốc cần "công nghệ, thương hiệu, tài năng và mạng lưới bán hàng của họ".

"Sẽ là thách thức rất lớn với công ty Trung Quốc khi vừa ổn định hoạt động của các công ty nước ngoài, vừa duy trì tăng trưởng", Trần thừa nhận, nhưng nếu công ty nào quyết định mua tài sản ở các hãng này thì Chính phủ sẽ ủng hộ.

Một "điểm đến" dường như được các tập đoàn Trung Quốc săn tìm là Mỹ. Rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc còn day dứt chuyện China National Offshore Oil vào năm 2005 đã cố gắng mua cổ phần tại Công ty năng lượng Unocal của Mỹ. Thỏa thuận không thành do nhiều nghị sĩ Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc có thể kiểm soát một phần nguồn tài nguyên dầu của nước này.

Xiong Weiping, Chủ tịch Chinalco - hiện là hãng đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc đã có phát biểu "trấn an" mọi lo lắng xung quanh hợp đồng với Công ty khai khoáng Australia. Trong buổi họp báo ở Sydney ngày 2/3, ông đảm bảo rằng, Chinalco không tìm kiếm việc nắm giữ đa số cổ phần trong tập đoàn này, việc quản lý và chiến lược của tập đoàn sẽ không thay đổi.

  • Kỳ Thư (Theo Washingtonpost)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,