Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được thoả thuận chung nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với các biện pháp trị giá hơn 1 nghìn tỉ USD.
Các nhà lãnh đạo G20 chụp hình lưu niệm. (Ảnh: BBC)
Để giúp các nước gặp khó khăn về tài chính, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ được tăng thêm “nguồn vốn” 750 tỉ USD.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc chống lại những thiên đường thuế khoá bí mật và đưa ra quy định chặt chẽ hơn với hệ thống tài chính toàn cầu.
G20 cũng cam kết khoản tiền trị giá khoảng 250 tỉ USD để thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Đại diện các nhà lãnh đạo G20, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã tuyên bố những bước sau:
- Chi trả tiền lương hay tiền thưởng của các ngân hàng sẽ là mục tiêu của chương trình kiểm soát thắt chặt hơn.
- Một Uỷ ban Ổn định Tài chính mới sẽ được thiết lập để làm việc với IMF nhằm đảm bảo sự hợp tác, phối hợp xuyên biên giới.
- Áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các quỹ đầu cơ và tổ chức xếp hạng tín dụng.
- Đạt được biện pháp chung để thanh toán những tài sản xấu của ngân hàng.
- Những quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ được tiếp nhận khoản viện trợ trị giá 100 tỉ USD.
- Nguồn để giúp các nền kinh tế gặp khó khăn thông qua IMF được tăng lên mức 500 tỷ USD. Ngoài ra cũng tạo thêm khoản 250 tỷ USD cho IMF ở dạng Quyền rút vốn đặc biệt giúp các nước nghèo nhất.
IMF hưởng lợi
IMF là một trong những bên được hưởng lợi lớn nhất từ hội nghị thượng đỉnh G20, sau khi được hứa hẹn tăng mạnh cả về vật lực cùng vai trò mới.
Trong lúc khủng hoảng tài chính ngày càng trở nên trầm trọng, nhiều nước đã quay sang IMF xin giúp đỡ và ngân quỹ của tổ chức có thể sớm cạn kiệt. Vì thế G20 đồng ý IMF nên tăng gấp ba ngân quỹ để có đủ tiền cho vay.
Nhật Bản đã hứa cho IMF vay 100 tỉ đôla và EU nói sẽ bỏ thêm vào 100 tỉ.
Các nhã lãnh đạo G20 cũng nhất trí tăng 250 tỉ đôla cho một quỹ khác (gọi là Quyền rút vốn đặc biệt) của IMF. Nó sẽ giúp các nước có một khoản tiền miễn phí, mà họ có thể dùng trong khi không phải thương lượng với tổ chức này.
"Đây là ngày cả thế giới cũng chung tay chống lại suy thoái toàn cầu, không chỉ ở ngôn từ, mà với cả một kế hoạch khôi phục và cải tổ cùng lịch trình rõ ràng”, Thủ tướng Anh phát biểu.
Ông thừa nhận “không nhanh chóng ổn định” được kinh tế thế giới, nhưng cam kết làm bất cứ điều gì giải quyết khủng hoảng.
Theo ông Brown, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế sẽ đưa ra danh sách những thiên đường thuế khoá vào cuối ngày nay và hành động chống lại nếu khu vực này không tuân thủ quy định quốc tế.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định, những kết quả đạt được từ hội nghị thượng đỉnh G20 là “nhiều hơn những gì đã mong đợi”. Trước đó, đã có những phân tích về bất đồng giữa Pháp và Đức với Mỹ và Anh. Thậm chí, ông Sarkozy trước đó đã đe dọa “tẩy chay” hội nghị nếu không đưa ra được các kết quả cụ thể.
-
Kỳ Thư (Tổng hợp từ BBC)