Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng mới của Israel, ông Lieberman đã tuyên bố hôm 1/4 rằng: "những người mong ước hòa bình nên chuẩn bị cho chiến tranh" và Israel không bị ràng buộc bởi những thỏa thuận sơ bộ về cuộc xung đột Israel-Palestine tại hội nghị hòa bình do Mỹ bảo trợ vào cuối năm 2007.
Tân Ngoại trưởng Israel và phu nhân (NYT)
"Những người mà nghĩ rằng thông qua các nhượng bộ họ sẽ giành được sự tôn trọng và hòa bình hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, nhượng bộ sẽ dẫn tới nhiều cuộc chiến tranh hơn", ông Lieberman phát biểu trong lễ chuyển giao quyền lực tại Bộ Ngoại giao.
Người tiền nhiệm của ông là bà Tzipi Livni, một người theo đường lối trung dung, đã đứng đầu đoàn đàm phán của Israel với Palestine sau Hội nghị hòa bình Trung Đông 2007 ở Annapolis, Mỹ. Mục tiêu của tiến trình hòa bình Annapolis là đạt được thỏa thuận khung về một nhà nước Palestine tồn tại độc lập và hòa bình bên cạnh Israel vào cuối năm 2008 - một mục tiêu thất bại.
Tân Ngoại trưởng Lieberman nói rằng, Chính phủ Israel "chưa bao giờ phê chuẩn các thỏa thuận sơ bộ ở Annapolis và Quốc hội cũng vậy", do đó thỏa thuận "không có giá trị pháp lý".
Thay vì Annapolis, ông Lieberman nói rằng, Israel cam kết tôn trọng bản lộ trình hòa bình Trung Đông 2003 do Mỹ hậu thuẫn. Theo kế hoạch đó, việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập phụ thuộc vào việc người Palestine chấm dứt mọi hành động bạo lực và đập tan các mạng lưới khủng bố.
Ông Erekat, trưởng đoàn đàm phán Palestine lưu ý rằng, kế hoạch trên cũng kêu gọi Israel ngừng mọi hoạt động xây dựng các khu định cư ở bờ Tây. "Tôi thực sự muốn biết liệu chúng ta sẽ nhìn thấy họ ngừng xây dựng các khu định cư hay không", ông nói.
Các quan chức Palestine đã phản ứng tức giận trước những tuyên bố của ông Lieberman. Ông Erekat nói rằng, ông Lieberman đã "đóng sầm cánh cửa đối với Annapolis và đóng cửa với cộng đồng quốc tế".
Việc lựa chọn ông Lieberman, một chính trị gia không tế nhị và hay thay đổi làm ngoại trưởng đã làm dấy lên sự lo lắng ở cả Israel và nước ngoài. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông đòi người Ảrập tại Israel phải thề trung thành với Nhà nước Do Thái, nếu không sẽ mất quyền công dân Israel. Vì lý do này mà nhiều người coi ông là phân biệt chủng tộc.
Ông Lieberman từng ủng hộ việc đánh bom đập nước Aswan trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Ai Cập. Năm ngoái, ông gợi ý Tổng thống Ai Cập nên "xuống địa ngục" nếu không muốn thăm Israel. Giờ ông dường như đã có lập trường mềm mỏng hơn với Ai Cập - một đồng minh chiến lược của Israel.
Hôm 1/4, ông nói rằng, "Ai Cập là một yếu tố quan trọng trong thế giới Ảrập và trên thế giới nói chung". Ông sẽ vui mừng khi thăm Ai Cập, song cũng sẽ vui mừng khi tiếp đón các lãnh đạo Ai Cập tại Israel.
Lieberman đã từng nói rằng, ông ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine. Tuy nhiên, vào tháng 1/2008, ông rút đảng Yisrael Beiteinu do ông lãnh đạo khỏi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ehud Olmert để phản đối các cuộc đàm phán hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Annapolis. Đảng Yisrael Beiteinu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa là một đối tác quan trọng trong liên minh cầm quyền mới và là đảng lớn thứ ba trong Quốc hội.
Với tư cách là Thủ tướng mới, ông Netanyahu đã hứa hẹn đàm phán với chính quyền Palestine về một hiệp định hòa bình vĩnh viễn. Tuy nhiên, ông cũng không tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước, khiến chính phủ mới của Israel mâu thuẫn với Mỹ và EU.
-
Minh Sơn (Theo NYT, AP)