221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1182992
Vì sao Obama mạnh tay hơn với ngành ôtô Mỹ?
1
Article
null
Vì sao Obama mạnh tay hơn với ngành ôtô Mỹ?
,

So với các ngân hàng và công ty bảo hiểm, Tổng thống Barack Obama đang cứng rắn hơn trong việc đối phó với ngành ôtô ốm yếu khi ông ra tối hậu thư cho General Motor và Chrysler hoặc đưa ra kế hoạch tái cơ cấu tốt hơn hoặc phá sản.

Tổng thống Obama (AP)
Dù tốt hay xấu, quyết định này có thể để lại một dấu ấn vĩnh viễn đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông, giống như cuộc chiến của Ronald Reagan với những nhân viên kiểm soát không lưu hoặc cách đối phó của Harry Truman với các công nhân thép muốn đình công.

Can thiệp sâu

Vào thời điểm khi các nhà kinh tế đang tranh cãi về những giá trị của việc quốc hữu hóa các ngân hàng làm ăn thua lỗ và bơm thêm nhiều tiền thuế của dân vào nền kinh tế, hành động mới đây của Tổng thống Obama đã làm dấy lên câu hỏi liệu tình hình kinh tế đang xấu đi có khiến chính quyền Mỹ sẽ can thiệp sâu hơn nữa vào khu vực tư nhân hay không.

Về bản chất, với việc kiểm soát General Motors và ra lệnh cho Chrysler sáp nhập với một đối thủ nước ngoài hoặc ngừng tồn tại, Obama đang nói rằng các điều kiện kinh tế hiện đủ thảm khốc để biện minh cho sự can thiệp sâu của chính phủ vào các công ty Mỹ. Thông điệp của Obama đồng nghĩa với việc đảo ngược mối quan hệ đã góp phần tạo nên sức mạnh công nghiệp Mỹ trong thế kỷ 20. Giờ Obama dường như đang nói rằng thứ tốt cho nước Mỹ cũng sẽ tốt cho General Motors.

Hiện giờ, chính phủ Mỹ đang đóng những vai trò lớn trong việc điều hành các công ty khổng lồ, trong đó có các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các nhà sản xuất ôtô - những doanh nghiệp nhận hàng chục tỷ USD viện trợ của liên bang. Trong 9 tháng qua, Washington đã giành quyền kiểm soát tập đoàn bảo hiểm AIG và Fannie Mae and Freddie Mac, sa thải các giám đốc của những công ty này. Giờ tới lượt GM và Chrysler.

Sau khi các cố vấn của Obama kết luận rằng kế hoạch tái cơ cấu của GM và Chrysler quá khiêm tốn, quá lạc quan và quá muộn, Obama đã có một bước đi mà không ai tưởng tượng được cách đây 12 tháng: buộc Giám đốc điều hành Richard Wagoner của GM từ chức. Washington cũng nói rằng các công nhân của GM phải nhượng bộ và Chrysler phải hợp nhất với hãng Fiat của Ý hoặc một hãng khác nếu muốn nhận thêm trợ giúp từ liên bang.

Một kỷ nguyên trước đây, GM thường cử các giám đốc của nó tới Washington để tác động tới chính phủ. Chẳng hạn khi GM phàn nàn về Nhật Bản, chính phủ đã áp đặt các "hạn chế tình nguyện" đối với ôtô nhập khẩu. Khi GM kêu ca rằng sẽ bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn về hiệu quả nhiên liệu, các tiêu chuẩn thường được hạ bớt.

Giờ thì ngành ôtô phải trả giá cho những tội lỗi của họ. Các nhà sản xuất ôtô Mỹ đã tự chuốc họa vào thân do không tiến hành những thay đổi trong nhiều năm qua. Những cải cách đó có lẽ đã làm cho họ hiệu quả hơn và tăng sức cạnh tranh hơn.

Obama làm rõ rằng Nhà Trắng sẽ giám sát, và ảnh hưởng mạnh tới các quyết định về việc nên đóng cửa nhà máy nào, nên từ bỏ nhãn hiệu ôtô gì và mức lương của các công nhân cũng như các nhà quản lý. Tổng thống Mỹ cũng để ngỏ khả năng rằng ông có thể buộc GM nhanh chóng phá sản nếu đó là cách nhanh nhất để xây dựng lại công ty này.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Obama mạnh tay hơn với ngành ôtô là do ngành từng một thời hùng mạnh này ít quan trọng đối với sự khỏe mạnh của nước Mỹ. Ngành tài chính, ngân hàng giờ quan trọng hơn vì nếu không còn hoạt động cho vay, các doanh nghiệp khác sẽ không thể hoạt động.

Nhiều nhà kinh tế nói rằng nếu một công ty như GM hay Chrysler phá sản, tác động tới nền kinh tế sẽ nhỏ hơn so với sự sụp đổ của một tổ chức tài chính lớn. "Nếu chính quyền cảm thấy một công ty ít quan trọng hơn đối với nền kinh tế, họ sẽ ít sẵn sàng giúp đỡ", Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Economy.com nói.

Những rủi ro

Với tư cách là người cho vay cuối cùng của GM, chính phủ Mỹ sẽ có tiếng nói cuối cùng trong mọi quyết định quan trọng cho tới khi công ty này tự đứng trên đôi chân của nó. Tuy nhiên, nhiều nghiệp đoàn, các nhà bán lẻ và rõ ràng nhất là các giám đốc, những người nhận các món tiền thưởng lớn, vẫn cảm thấy khó có thể chấp nhận được quyết định trên của Obama.

Và đối với Obama, việc kiểm soát này mang nhiều rủi ro chính trị. Nếu tình hình hai công ty này không tốt lên, hành động của Obama sẽ bị coi là không khôn ngoan trong viễn cảnh tốt nhất và bị coi là gây hại trong trường hợp xấu nhất.

Hành động của Obama có thể khiến các nghiệp đoàn tức giận và do vậy giúp phe Cộng hòa có cơ hội lôi kéo các cử tri ở Michigan về phía họ trong cuộc bầu cử tổng thống 2012 mà trong đó ông Obama có thể tái tranh cử.

Các nghiệp đoàn là một bộ phận quan trọng đối với đảng Dân chủ và các công nhân ngành ôtô cảm thấy họ đã nhượng bộ nhiều lợi ích mà họ giành được thông qua mặc cả tập thể. Tuy nhiên, chính việc họ không sẵn sàng mặc cả thêm là một lý do khiến ngành ôtô Mỹ không có tính cạnh tranh cao hơn.

Nhiều công nhân trong ngành đã cho rằng Nhà Trắng không công bằng trong việc đối xử với ngành ôtô vì ngành này phải đáp ứng các điều kiện khắt khe hơn so với các ngân hàng và tổ chức tài chính gặp khó khăn.

  • Minh Sơn (theo NYT, Wasington Post)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,